Nhận lời mời của Tổng thống Cộng hòa Pháp Emmanuel Macron, sáng 25/3/2018, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã rời Hà Nội đi thăm chính thức Cộng hòa Pháp.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Nguồn: TTXVN) |
Nhận lời mời của Tổng thống Cộng hòa Pháp Emmanuel Macron, sáng 25/3/2018, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã rời Hà Nội đi thăm chính thức Cộng hòa Pháp.
Tham gia đoàn có bà Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; ông Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương; ông Hoàng Bình Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương; ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương;
Ông Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Ông Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Ông Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Ông Lê Quý Vương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thượng tướng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an; Ông Hồ Mẫu Ngoạt, Trợ lý Tổng Bí thư và ông Nguyễn Thiệp, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Pháp.
Chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ là cuộc gặp gỡ cấp cao đầu tiên giữa hai nước từ khi Pháp có Tổng thống mới và diễn ra vào dịp kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao (1973-2018), 5 năm quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước (2013-2018).
Đây cũng là chuyến thăm đầu tiên của Tổng Bí thư Đảng ta đến khu vực Tây Âu trong nhiệm kỳ Đại hội XII.
Chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhằm thiết lập quan hệ với chính quyền mới của Pháp, tạo động lực, xác lập khuôn khổ và định hướng nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp.
Chuyến thăm thúc đẩy quan hệ chính trị-ngoại giao, mở rộng quan hệ kinh tế-thương mại, đồng thời đẩy mạnh hợp tác an ninh-quốc phòng, giáo dục, đào tạo, khoa học-công nghệ, năng lượng, phát triển bền vững… góp phần khẳng định, nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam và vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam./.
Theo TTXVN/VIETNAM+
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin