Những kỷ niệm sâu sắc về Thủ tướng Phan Văn Khải - Người nặng lòng với đổi mới và phát triển đất nước

11:03, 20/03/2018

Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng giới thiệu bài viết chia sẻ những kỷ niệm sâu sắc về Thủ tướng Phan Văn Khải - Người nặng lòng với đổi mới và phát triển đất nước của Thư ký Thủ tướng Phan Văn Khải, nguyên Phó Chủ nhiệm VPCP Trần Quốc Toản.

Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng giới thiệu bài viết chia sẻ những kỷ niệm sâu sắc về Thủ tướng Phan Văn Khải - Người nặng lòng với đổi mới và phát triển đất nước của Thư ký Thủ tướng Phan Văn Khải, nguyên Phó Chủ nhiệm VPCP Trần Quốc Toản.

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải và Thư ký Thủ tướng Phan Văn Khải, nguyên Phó Chủ nhiệm VPCP Trần Quốc Toản
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải và Thư ký Thủ tướng Phan Văn Khải, nguyên Phó Chủ nhiệm VPCP Trần Quốc Toản

Trước hết, tôi xin bày tỏ sự kính trọng và lòng biết ơn sâu sắc đối với nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, người thủ trưởng trực tiếp của tôi và tôi coi như một người Anh, đã dìu dắt tôi trưởng thành trong những năm công tác tại Văn phòng Chính phủ.

 Tôi xin không đề cập đến những cống hiến to lớn của Anh cho nhân dân và đất nước, mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đã ghi nhận; chỉ xin nói những cảm nhận về Anh như một người luôn ý thức về trọng trách của mình hơn là quyền lực của một Thủ tướng.  

Tôi được hân hạnh trực tiếp gặp Anh vào đầu năm 1989, khi Anh đang là Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh.

Khi đó tôi là Tổng Biên tập Tạp chí Thông tin lý luận của Đảng (trực thuộc Viện nghiên cứu Mác-Lenin-Hồ Chí Minh), được tháp tùng Giáo sư Đặng Xuân Kỳ, Viện trưởng, vào làm việc với lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh.

 Những ấn tượng đầu tiên của tôi về Anh là một người điềm tĩnh, nhân hậu, chân thành, giản dị, dễ gần gũi.

Qua những điều Anh nói, tôi thấy Anh là người có hiểu biết sâu rộng về lý luận và thực tiễn; đặc biệt là những suy tư, trăn trở tìm những giải pháp (kể cả “phá rào”) để góp phần đưa TP.

Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung sớm thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về kinh tế-xã hội khi đó.

Tháng 8/1995, theo ý kiến của Anh, tôi được điều động về Văn phòng Chính phủ làm Vụ trưởng Vụ Tổng hợp; rồi sau đó, tháng 9/1996 tôi được quyết định làm thư ký cho Anh.

Một trong những kỷ niệm sâu sắc nhất đối với tôi là ngày đầu tiên khi vào làm thư ký, được nghe Anh nói: “…Vào giúp việc cho anh, chú tập trung tham gia chuẩn bị các văn bản, các bài viết, ý kiến phát biểu của anh, nghiên cứu các đề án trình lên rồi đề xuất ý kiến với anh, kể cả những vấn đề đã được thông qua mà chú thấy có điểm gì cần cân nhắc thêm thì cũng báo cáo với anh, đừng ngại…”.

Tôi cảm nhận lời chỉ bảo của người đứng đầu Chính phủ không đơn thuần là một sự tin cậy, mà trước hết là sự giao trách nhiệm - sự đòi hỏi đối với người thư ký phải làm việc trung thực, mạnh dạn và dám chịu trách nhiệm về những ý kiến đề xuất của mình.

Tôi đã lấy đó làm nguyên tắc sống và làm việc của mình trong suốt thời gian làm việc ở VPCP và sau này.

Trên thực tế, đã có không ít những đề xuất của VPCP là mới và khác với đề xuất của các cơ quan trình lên, nhưng đã được Anh và các đồng chí lãnh đạo Chính phủ chấp nhận, trong các lĩnh vực mà tôi được giao phụ trách cũng vậy.

Trong thời gian làm thư ký trực tiếp cho Anh cũng như sau này làm Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, tôi và nhiều người càng thấy rõ ở Anh một phẩm chất cao quý của người đứng đầu Chính phủ: Đó là luôn nghĩ và đặt lợi ích của đất nước, của dân tộc, của nhân dân lên hàng đầu; luôn tìm cách vượt qua (trong những khả năng có thể) những nhận thức giáo điều, máy móc, xơ cứng để tìm các giải pháp thúc đẩy phát triển đất nước có hiệu quả.

Anh tập trung sự lãnh đạo của Chính phủ vào ba vấn đề trọng yếu: Thúc đẩy phát triển kinh tế thị trường và xây dựng cơ chế thị trường; thúc đẩy phát triển kinh tế và doanh nghiệp tư nhân, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước; đẩy mạnh quá trình mở cửa và hội nhập quốc tế để đất nước thoát khỏi thế bị bao vây, cấm vận.

Đầu năm 1997, khi tôi được Anh giao chuẩn bị đề cương Báo cáo “Nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước…”, để Anh trình bày cho cán bộ cao cấp trong Hội nghị quán triệt Nghị quyết Đại hội VIII của Đảng, Anh đã nói rằng: Bản chất chung của kinh tế thị trường và cơ chế thị trường thì ở nước nào cũng vậy, chỉ khác nhau về trình độ phát triển và sự vận dụng.

Vấn đề đặt ra là vận dụng thế nào phù hợp để cho sự phát triển của đất nước nhanh, hiệu quả và ổn định. Khi đó Anh cũng rất trăn trở về nhận thức nội dung “phát triển theo định hướng XHCN” như thế nào là đúng và phù hợp (?!).

Anh nói với tôi: “Có vấn đề về tiêu chí hay những vấn đề có tính nguyên tắc theo con đường XHCN là gì, chú ghi lại cho anh…

Trong Cương lĩnh có nêu, nhưng còn quá chung chung…”. Sau khi lắng nghe nhiều ý kiến và từ nhận thức của mình, Anh cho rằng vấn đề cốt yếu vẫn là phải đổi mới cơ chế, chính sách để huy động mọi nguồn lực cho sự phát triển, phải nâng cao được năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, nâng cao được chất lượng và hiệu quả tăng trưởng, hiệu quả đầu tư, bảo đảm cho nền kinh tế phát triển với tốc độ cao và ồn định, tăng được tích lũy nội bộ, từng bước nâng cao đời sống mọi mặt của người dân, dân có giàu thì nước mới mạnh.

 Anh chỉ rõ: “Từ trước đến nay, chúng ta chú trọng vào sự tăng trưởng kinh tế, mở rộng sản xuất kinh doanh, nhưng chưa quan tâm đúng mức đến sự cạnh tranh và hiệu quả kinh tế… Nếu tình hình này tiếp diễn, nhất là khi đầu tư phát triển ngày càng lớn, thì chẳng những không khai thác được lợi thế của sự hội nhập quốc tế, mà còn không làm chủ được thị trường nội địa…, sẽ để lại hậu quả lâu dài.

Vì vậy, việc nâng cao hiệu quả, nâng cao sức cạnh tranh của hàng nội trên thị trường trong nước và việc đẩy mạnh sản xuất hướng về xuất khẩu là hai mặt gắn bó với nhau”. 

Trong thời gian làm Thủ tướng (1997-2006), Anh đã tiếp nối và phát triển những tư tưởng lớn của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, lãnh đạo Chính phủ lần đầu tiên soạn thảo và đưa nhiều cơ chế, chính sách quan trọng vào cuộc sống, như các Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Văn kiện Việt Nam tham gia vào WTO, Văn kiện Hiệp định Thương mại Việt-Mỹ, Nghị quyết của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hóa trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa - TDTT, khoa học-công nghệ…

Đó là những cơ sở pháp lý cơ bản rất quan trọng để thúc đẩy đổi mới và phát triển đất nước trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.

Anh rất quan tâm chỉ đạo cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư. Sau khi ban hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, thấy việc đi vào cuộc sống chậm chạp và gặp các trở ngại, Anh đã quyết định lập Tổ công tác của Thủ tướng do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Xuân Giá làm tổ trưởng, đi đôn đốc, kiểm tra các bộ, làm rõ lý do vì sao lại chậm thực hiện. Qua kiểm tra, phát hiện ra có khoảng gần 600 “giấy phép con” do các bộ, ngành ban hành.

Lần đầu tiên ở cấp Chính phủ chính thức đề cập đến sự tồn tại các loại “giấy phép con” ở các bộ, ngành và những hệ lụy của chúng.

Sau khi xem xét văn bản trình lên, Anh đã ký quyết định hủy 268 giấy phép con (khoảng 50% tổng số giấy phép).

Điều này đã tạo một xung lực quan trọng để thúc đẩy đầu tư và phát triển sản xuất kinh doanh. Sau này, tình trạng “giấy phép con, giấy phép cháu” lại tiếp tục đẻ ra rất nhiều; và bây giờ Chính phủ lại phải ra tay cắt bỏ.

Với tư tưởng chỉ đạo coi trọng chất lượng và hiệu quả tăng trưởng, Chính phủ trong những nhiệm kỳ Anh làm Thủ tướng đã bảo đảm cho nền kinh tế nước ta phát triển với tốc độ thuộc loại cao nhất (GDP đạt khoảng 7-10%) so với các giai đoạn cho đến nay, đặc biệt là kinh tế vĩ mô giữ được ổn định khá tốt, thâm hụt ngân sách giữ ở mức thấp, nợ công cũng ở mức thấp (không vượt quá 50%), lạm phát được kiềm chế ở mức thấp và tương đối ổn định (khoảng 4%);

đặc biệt là hiệu quả đầu tư tương đối cao (trong những năm Anh lãnh đạo Chính phủ, chỉ số ICOR thuộc mức thấp nhất - khoảng trên dưới 5).

Những tư tưởng chỉ đạo của Anh về phải chú trọng chất lượng và hiệu quả tăng trưởng, hiệu quả đầu tư từ năm 1997 và trong quá trình lãnh đạo Chính phủ, cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị thời sự.

Thủ tướng Phan Văn Khải là người lãnh đạo có phong cách cẩn trọng, luôn cùng tập thể lãnh đạo Chính phủ lắng nghe - trao đổi ý kiến với các chuyên gia, chỉ đạo nghiên cứu tổng kết thực tiễn một cách thực chất, làm việc nhiều với các địa phương, tôn trọng thực tiễn, lấy sự phát triển của thực tiễn để làm cơ sở đổi mới nhận thức và xây dựng cơ chế, chính sách…
Thủ tướng Phan Văn Khải là người lãnh đạo có phong cách cẩn trọng, luôn cùng tập thể lãnh đạo Chính phủ lắng nghe - trao đổi ý kiến với các chuyên gia, chỉ đạo nghiên cứu tổng kết thực tiễn một cách thực chất, làm việc nhiều với các địa phương, tôn trọng thực tiễn, lấy sự phát triển của thực tiễn để làm cơ sở đổi mới nhận thức và xây dựng cơ chế, chính sách…

Anh là người lãnh đạo có phong cách cẩn trọng, Anh đã cùng tập thể lãnh đạo Chính phủ luôn lắng nghe - trao đổi ý kiến với các chuyên gia, chỉ đạo nghiên cứu tổng kết thực tiễn một cách thực chất, làm việc nhiều với các địa phương, tôn trọng thực tiễn, lấy sự phát triển của thực tiễn để làm cơ sở đổi mới nhận thức và xây dựng cơ chế, chính sách…

Anh thường nói với chúng tôi rằng, lãnh đạo một đất nước không thể ra quyết định tùy hứng, không thể chỉ chú trọng vào giải quyết từng việc cụ thể, mà phải theo tư duy và định hướng chiến lược phù hợp với điều kiện và yêu cầu phát triển của đất nước, cũng như xu thế của thế giới; nhưng đây là việc không dễ dàng.

Khi có những vấn đề mới, khó, phức tạp, Anh luôn yêu cầu phải được nghiên cứu, thảo luận kỹ trước khi trình lên với những đề xuất cụ thể (ví dụ như vấn đề xã hội hóa khi đó còn không ít nhận thức, quan điểm khác nhau. Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005 của Chính phủ về “Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao” được xây dựng trên cơ sở một đề tài khoa học do Văn phòng Chính phủ chủ trì và bảo vệ xuất sắc).

Có những vấn đề đã được thông qua, nhưng khi có ý kiến nêu lên những nội dung chưa phù hợp, Anh luôn lắng nghe, thấy đúng Anh đã có ý kiến chỉ đạo dừng lại hoặc phải hoàn thiện thêm.

Tôi cảm nhận rằng, Anh thực thi quyền lực của Thủ tướng theo phương châm tạo sự đồng thuận cao trong Chính phủ để có hiệu lực và hiệu quả trong chỉ đạo điều hành.

Với những kiến thức được đào tạo chính quy, có hệ thống, cùng với những kinh nghiệm và hiểu biết thực tiễn của nhiều năm công tác ở Ủy ban Kế hoạch Nhà nước (nay là Bộ Kế hoạch và Đầu tư), kinh nghiệm thực tiễn phong phú khi tham gia lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh sau giải phóng và trong những năm đầu của công cuộc Đổi mới, và nhất là với “tâm huyết” của người đứng đầu Chính phủ, Anh đã truyền được cảm hứng “Dĩ công vi thượng” cho nhiều cấp dưới của Anh trong thực thi công vụ.

Là người không quá coi trọng hình thức, đi làm việc với các bộ, ngành, địa phương Anh luôn chỉ đạo phải chuẩn bị kỹ các nội dung, các vấn đề cần phải giải quyết thiết thực; Anh không ưa đưa đón linh đình.

Trong một chuyến thăm và làm việc với lãnh đạo một tỉnh miền núi phía bắc năm 1998, Anh đã dặn tôi gọi điện cho đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nói rõ không cần có xe đưa đón - dẫn đường, về đến tỉnh là vào làm việc với lãnh đạo tỉnh ngay; tôi đã thực hiện đúng như ý kiến của Anh.

Thế nhưng, khi đến ranh giới của tỉnh đã thấy xe dẫn dường và nhất là một đoàn xe dài của các quan chức trong tỉnh đi đón. Anh nhìn tôi tỏ ý không hài lòng và dường như muốn hỏi “sao lại thế này ?”, tôi không dám nói gì.

Khi về đến tỉnh, đoàn xe không về nơi làm việc với lãnh đạo tỉnh, mà lại đến một hội trường lớn.

Xuống xe, thấy đoàn các cháu thiếu nhi đánh trống đón chào, vào hội trường đã thấy hàng trăm đại biểu từ lãnh đạo tỉnh đến các sở ban ngành và các đoàn thể đang ngồi chờ… như một cuộc mít tinh đón chào Thủ tướng.

Sau lời phát biểu khá là hoa mỹ, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã trân trọng giới thiệu Anh lên phát biểu. Lên phát biểu, Anh không dựa vào dự thảo đề cương ý kiến mà chúng tôi chuẩn bị trước cho Anh khi làm việc với lãnh đạo tỉnh, mà Anh phát biểu “vo”.

Sau những lời cảm ơn về sự đón tiếp của tỉnh, Anh đã nói nhiều về trách nhiệm và đạo lý của người lãnh đạo Đảng và chính quyền với nhân dân, cần phải chăm lo đến đời sống thiết thực của người dân, không nên phô trương hình thức, chạy theo thành tích giả tạo…

Trong điều kiện tỉnh còn nhiều khó khăn, dân còn nghèo, thì lãnh đạo tỉnh cần tập trung lo cho dân thay vì chỉ chăm lo xây dựng các trụ sở “hoành tráng”, chi phí hội hè lãng phí…

Bài nói “vo” của Anh rất khúc triết và xúc động; dường như Anh muốn gửi vào đó những suy tư, những trăn trở, bức xúc của mình về công tác cán bộ, công chức.

Chúng tôi, những người đi trong đoàn công tác theo Anh, đều có một cảm nhận về sự tâm huyết của Anh, tấm lòng của Anh đối với dân với đất nước; thấy nỗi lo lắng và sự không hài lòng của Anh khi không ít cán bộ, công chức quan liêu, không làm hết trách nhiệm của mình...

Theo một nghĩa nào đó, có thể coi Anh là Thủ tướng “xóa đói giám nghèo”, bởi vì Anh rất quan tâm đến lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện chương trình “xóa đói giảm nghèo”, chỉ đạo tăng đầu tư ngân sách và các nguồn lực của Nhà nước cũng như xây dựng các cơ chế chính sách để đẩy mạnh xã hội hóa công tác “xóa đói giảm nghèo”.

Làm việc với các địa phương, Anh thường yêu cầu các đồng chí lãnh đạo ngành nông nghiệp và địa phương phải đi xuống với dân, tìm hiểu rõ những điều kiện cụ thể ở từng địa phương, tổ chức giúp đỡ, hỗ trợ, hướng dẫn nông dân trồng cây gì, nuôi con gì để bảo đảm phát triển sản xuất ổn định, tăng thu nhập, sớm thoát đói, giảm nghèo bền vững.

Câu nói “trồng cây gì, nuôi con gì” của Anh, mà các báo, đài thường hay đưa lên, nhiều người nhắc tới, cũng là thể hiện những suy tư, trăn trở của Anh về trách nhiệm đối với cuộc sống và sự phát triển sản xuất của hàng triệu hộ nông dân nghèo trong cả nước.

Tôi cũng muốn nói thêm rằng, Anh luôn quan tâm đến sự phát triển của các tỉnh miền núi phía Bắc, vì Anh cho rằng các tỉnh này không chỉ là các vùng căn cứ cách mạng trước đây, mà còn là các tỉnh có điều kiện tự nhiên khó khăn nhất, người dân còn nghèo nhất của cả nước.

Năm 1997, ngay sau khi nhậm chức Thủ tướng Chính phủ, thì chuyến đi thăm và làm việc với địa phương đầu tiên trong tư cách Thủ tướng, là đến tỉnh Bắc Kạn, tỉnh nghèo nhất cả nước khi đó, lại vừa mới được tách ra từ tỉnh Bắc Thái (nay là Thái Nguyên).

Được làm việc trực tiếp dưới sự dẫn dắt của Anh, tôi thấy Anh luôn trăn trở về trách nhiệm của mình đối với dân với nước, với Đảng và Nhà nước, thay vì đề cao quyền lực của Thủ tướng.

Tôi có một kỷ niệm và cũng là bài học sâu sắc về điều này, khi giữa năm 1997 Anh giao cho tôi dự thảo Diễn từ nhậm chức Thủ tướng. Khi đó tôi vào làm thư ký cho Anh mới được 9 tháng; đây là một nhiệm vụ hệ trọng và mới mẻ đối với tôi.

Tôi có chút lo lắng, đã đi hỏi ý kiến tư vấn của các bậc đàn anh; các anh ấy đã nói với tôi nên viết Diễn từ nhậm chức theo hướng nhấn mạnh vai trò và thẩm quyền của Thủ tướng…

Khi trình Anh bản dự thảo ban đầu theo hướng này, đọc xong, Anh nói: Không được, mình là gì mà đòi hỏi về vai trò và thẩm quyền. Anh yêu cầu Diễn văn nhậm chức cần thể hiện những điều tâm niệm và cũng là lời hứa của Anh với nhân dân, Đảng và Quốc hội khi nhận trong trách Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ mới.

Ý thức trong sáng về trọng trách của người đứng đầu Chính phủ không chỉ thể hiện ở những vấn đề lớn đã làm được, mà còn được thể hiện rõ nét ở việc Anh sẵn sàng và thẳng thắn nhận trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân về những việc chưa làm được, chưa làm tốt.

Trong diễn văn tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XI, ngày 16/6/2006, Anh thẳng thắn nói : “Tôi nhận rõ trách nhiệm của mình trước những khuyết điểm và tồn tại. Vấn đề tổ chức cán bộ tuy có vượt khỏi thẩm quyền của Chính phủ nhưng không nằm ngoài trách nhiệm của tôi.

Với cương vị Thủ tướng, đồng thời là Uỷ viên Bộ Chính trị, tôi hết sức day dứt về sự tiếp diễn nghiêm trọng của tệ tham nhũng, cản trở bước tiến của dân tộc ta, đe doạ tồn vong chế độ. Tôi cũng hết sức day dứt trước tệ quan liêu, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực, đục khoét của công.

Cùng với trách nhiệm trực tiếp của chủ đầu tư, còn có khuyết điểm và trách nhiệm của Chính phủ và cá nhân tôi là người đứng đầu.

Với chức trách, thẩm quyền được giao mà không ngăn chặn, phát hiện được sớm các vụ nghiêm trọng kéo dài, tôi xin nhận lỗi, nhận trách nhiệm trước nhân dân, trước Đảng, trước Quốc hội”, “Tôi mong đồng chí kế nhiệm sẽ rút ra được bài học từ những cái được và những cái yếu kém của tôi. Tôi cũng xin phép Quốc hội cho tôi được nghỉ trong thời gian sắp tới”.

Như vậy, Anh đã xin từ nhiệm sớm trước khi nhiệm kỳ công tác kết thúc một năm, sau 9 năm đảm nhận trọng trách Thủ tướng Chính phủ.

Riêng chúng tôi, một số anh em (thư ký, bảo vệ, bác sĩ, giúp việc, phục vụ…) trực tiếp giúp việc cho Anh còn hân hạnh nhận được tấm lòng ấm áp - chân tình của Anh và chị Sáu (phu nhân của Anh).

Trong những năm tháng Anh công tác trong Chính phủ, ngôi nhà công vụ Anh-Chị ở số 11 phố Chùa Một Cột trở thành nơi gặp gỡ thường xuyên của Anh-Chị với chúng tôi. Hằng ngày, sau giờ làm việc, khi có thời gian, anh em chúng tôi thường đến chơi cầu lông cùng Anh-Chị tại đây rất vui vẻ và sôi nổi, nhiều lúc cũng đầy “máu ăn thua”.

Anh-Chị và chúng tôi đã thành lập Đội cầu lông 11 Chùa Một Cột và đã đi giao lưu thi đấu một số nơi. Hầu như tháng nào, khi có thời gian rảnh, Anh-Chị cũng có bữa cơm “rau dưa” đãi anh em chúng tôi rất thân mật và thân tình; trong không khí này, ranh giới giữa Thủ tướng và những người giúp việc bị nhòa đi, chỉ còn lại tình anh - chị - em, cũng nói nhiều chuyện vui, chuyện tiếu lâm, chuyện hài hước…

Chúng tôi thường nói rằng, không biết có ở đâu mà anh em giúp việc, phục vụ lại được hưởng không khí mang đậm nét gia đình như vậy với gia đình Thủ tướng.

Những ngày Lễ, Tết, Anh và Chị trực tiếp chuẩn bị cho mỗi người chúng tôi một túi quà, trong đó những thứ mà tôi biết chắc chắn là Chị Sáu mua từ miền Nam mang ra, mà chị hay nói là quà quê hương. Chúng tôi mãi mãi trân trọng và biết ơn tình cảm mà Anh-Chị dành cho chúng tôi.

Theo Chính phủ

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh