Ngày 21/3, ngày thứ hai diễn ra quốc tang nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải tại Hội trường Thống Nhất (TP Hồ Chí Minh), hàng ngàn người dân đến xếp hàng chờ, mong vào viếng.
Lực lượng công an, cảnh sát bảo vệ vòng ngoài trong ngày thứ hai diễn ra quốc tang nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải tại Hội trường Thống Nhất (TP Hồ Chí Minh). |
Ngày 21/3, ngày thứ hai diễn ra quốc tang nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải tại Hội trường Thống Nhất (TP Hồ Chí Minh), hàng ngàn người dân đến xếp hàng chờ, mong vào viếng.
Dòng người tới viếng đều bày tỏ lòng biết ơn, sự kính phục và yêu quý vị nguyên Thủ tướng yêu nước, quý dân.
Hòa cùng dòng người đến viếng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải trong 2 ngày qua tại Hội trường Thống nhất, Anh hùng lực lượng Vũ trang nhân dân Nguyễn Quốc Sinh (80 tuổi, ngụ Củ Chi) cho biết, ba ngày trước, bác đều có mặt ở nhà "bác Sáu Khải" và hôm nay, bác Sinh lại tiếp tục đến Hội trường Thống Nhất để viếng.
Bác Quốc Sinh chia sẻ: "Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải là người một lòng vì dân và yêu mến người dân. Bác Sáu Khải (tên gọi thân thuộc của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải) là người con đất thép Củ Chi nên mọi người càng yêu mến bác và luôn yêu thương bác nhiều hơn.
Đáp lại sự mong đợi của mọi người, bác Sáu Khải cũng luôn yêu thương người dân cả nước, đặc biệt là người dân Củ Chi. Mảnh đất Củ Chi hôm nay "thay da đổi thịt" cũng nhờ có bác Sáu Khải, vì vậy người dân Củ Chi rất biết ơn bác. Trong những ngày qua, tôi cũng luôn mong mình được đứng bên cạnh bác cho đến khi bác được đưa về quê Củ Chi đất thép an nghỉ".
Anh hùng lực lượng Vũ trang nhân dân Nguyễn Quốc Sinh mong muốn được đứng bên bác Sáu Khải đến khi bác về nơi an nghỉ cuối cùng. |
Không chỉ yêu thương người dân, bác Sáu Khải còn là người rất yêu mến và chăm lo cho thế hệ trẻ, vì vậy trong những ngày này, rất nhiều học sinh, sinh viên cũng đã đến Hội trường Thống Nhất để viếng bác.
Em Lê Hà My, học sinh trường THCS thị trấn Củ Chi (huyện Củ Chi) cho biết: "Mảnh đất quê hương và người dân quê em rất yêu mến ông. Em biết nhờ có ông mà chúng em có trường lớp khang trang, sạch đẹp. Khi về hưu, ông không nghỉ ngơi mà luôn giúp đỡ người nghèo, các bạn học sinh khó khăn…
Ông là tấm gương sáng cho thế hệ chúng em noi theo. Chúng cháu rất biết ơn ông và muốn đến đây để tiễn ông về nơi an nghỉ cuối cùng. Chúng cháu hứa với ông sẽ sống tốt, học giỏi để mai sau góp sức xây dựng quê hương như ông từng làm, xứng đáng là người con “đất thép thành đồng”.
Sự ra đi của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã để lại nỗi đau khôn nguôi, tiếc thương đối với người dân huyện Củ Chi (TP Hồ Chí Minh) nói riêng và cả nước nói chung.
Trong 2 ngày quốc tang tại Hội trường Thống nhất, hàng ngàn người dân ở các tỉnh từ Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu… cũng vượt đường xa đến đây để viếng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.
Cô Lê Thị Hồng, ngụ ở Gia Lai, vượt hàng nghìn cây số xuống TP Hồ Chí Minh để vào viếng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải. |
Từ Gia Lai đến viếng nguyên Thủ tướng, cô Lê Thị Hồng cho biết, cô đã bắt xe khách từ đêm để có mặt từ rất sớm ở Hội trường Thống Nhất, chờ được vào viếng. “Mặc dù không được gặp bác Khải lần nào nhưng khi ông còn đương chức, ông đã giúp kinh tế đất nước phát triển, cuộc sống nhân dân ấm no hơn.
Là người con đất Việt, ai cũng biết ơn và yêu mến ông, tôi cũng không ngoại trừ. Vì vậy, khi nghe tin ông mất, tôi rất buồn và tiếc thương. Tôi đã tranh thủ đến đây từ sớm để được vào viếng và tiễn đưa ông về với tổ tiên".
Khi nghe tin nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải mất, Đại tá Lê Hoằng, đảng viên quận Bình Thạnh, đã rất xót xa và xúc động nhớ về kỉ niệm khó quên khi ông được gặp nguyên Thủ tướng.
Đại tá Lê Hoằng tâm sự: "Tháng 4/2005, khi đoàn cách mạng quận ủy Bình Thạnh ra viếng lăng Bác và được nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đón tiếp thân tình như người thân trong nhà lâu ngày gặp lại.
Khi ra về, nguyên Thủ tướng có tặng mỗi người một chiếc bình thủy với ngụ ý: Trong lòng phải nóng bỏng, đầy nhiệt huyết như nước trong bình thủy, bên trong phải bao dung độ lượng, trong sáng thủy chung như lẵng hoa trên bình thủy”.
Trong 2 ngày qua, lượng người đến viếng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đều phải xếp hàng chờ đến lượt. |
“Tôi trân trọng chiếc bình và để trong phòng truyền thống của gia đình, dòng họ để mỗi lần nhìn lại nhớ đến người Thủ tướng có đức, có tài.
Đã hơn 10 năm, bây giờ nguyên Thủ tướng đã về cõi vĩnh hằng, chiếc bình thủy vẫn còn đó. Vì vậy, tôi muốn đến Hội trường Thống Nhất để thắp hương tiễn bác Sáu Khải, cầu mong nguyên Thủ tướng yên nghỉ”, Đại tá Lê Hoằng cho biết thêm.
Theo Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin