Khai mạc Phiên họp thứ 22 Ủy ban Thường vụ Quốc hội

03:03, 12/03/2018

Sáng 12/3, với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc Phiên họp thứ 22. 

Sáng 12/3, với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc Phiên họp thứ 22. 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì và phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì và phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)


Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết phiên họp sẽ diễn ra trong hai đợt. Đợt 1 diễn ra từ ngày 12-13/3; đợt 2 diễn ra từ ngày 19-20/3. 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các dự án Luật, gồm dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; dự án Luật Đo đạc và bản đồ; dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi); dự án Luật Đơn vị hành chính kinh tế. 

Cũng tại Phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; xem xét việc cho thôi nhiệm vụ với ông Ngô Đức Mạnh đã được phân công nhiệm vụ làm Đại sứ tại Liên bang Nga; cho ý kiến về dự thảo Nghị định quy định về hỗ trợ kinh phí sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi. 

Chủ tịch Quốc hội cho biết Chương trình tại Phiên họp thứ 22 có điều chỉnh so với dự kiến chương trình gửi cho các thành viên của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan. Cụ thể, không xem xét việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội và Hội đồng nhân dân bầu và phê chuẩn và sẽ thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm vào Kỳ họp Quốc hội thứ hai của năm nay. 

Ngoài ra, rút 3 dự án luật do chưa đảm bảo tiến độ, chất lượng chuẩn bị, gồm Luật Cảnh sát biển, Luật Quản lý phát triển đô thị do chưa được các Ủy ban thẩm tra do ban soạn thảo gửi tài liệu chậm; dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) sau khi thẩm tra cho thấy chưa bảo đảm điều kiện để trình phiên họp này vì cần lấy thêm ý kiến của một số cơ quan chức năng. 

Tiếp đó, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Nghị định quy định về hỗ trợ kinh phí sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi. 

Tờ trình về việc ban hành Nghị định của Chính phủ quy định hỗ trợ kinh phí sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, từ ngày 1/1/2017, Luật Phí và lệ phí số 97/2015/QH13 chính thức có hiệu lực, trong đó thủy lợi phí là một trong 17 loại phí chuyển sang cơ chế giá do Nhà nước định giá, thực hiện theo quy định của Luật Giá số 11/2012/QH13. 

Tuy nhiên, Luật Giá không quy định đối tượng miễn hoặc hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi. Chính sách hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi được quy định tại Điều 36 Luật Thủy lợi số 08/2017/QH14 và có hiệu lực thi hành từ 1/7/2018. 

Do đó, từ ngày 1/1/2017 đến 30/6/2018, các đối tượng được hưởng chính sách miễn thủy lợi phí như trước đây sẽ phải trả tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi cho các tổ chức cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi về nguyên tắc sẽ không tiếp tục được hưởng các hỗ trợ của Nhà nước. 

Để kịp thời khắc phục khoảng trống pháp lý trong thời gian chuyển tiếp từ khi Luật Phí và lệ phí từ ngày 1/1/2017 đến khi Luật Thủy lợi có hiệu lực thi hành từ ngày 30/6/2018, đồng thời đảm bảo chính sách an sinh xã hội đã thực hiện bằng chính sách miễn thu thủy lợi phí từ năm 2008-2016, việc ban hành Nghị định quy định về hỗ trợ kinh phí sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi là cần thiết và cấp bách. 

Báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày nêu rõ, Ủy ban Tài chính-Ngân sách nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết phải tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ kinh phí sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi nhằm hỗ trợ nông dân ổn định sản xuất nông nghiệp. 

Đồng thời, để xử lý khoảng trống pháp lý từ thời điểm Luật Phí và lệ phí có hiệu lực từ 1/1/2017 khi chuyển thủy lợi phí sang cơ chế giá, theo đó không có quy định về miễn, giảm hoặc hỗ trợ thủy lợi phí theo các chính sách hiện hành đến khi Luật Thủy lợi có hiệu lực thi hành từ 1/7/2018 cần phải ban hành nghị định mới quy định về vấn đề này. 

Do đó, việc Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi ban hành nghị định này là phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. 

Về đối tượng được hỗ trợ kinh phí sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi, trên thực tế, các đối tượng nêu trong Nghị định 67/NĐ-CP đã được miễn thủy lợi phí trong năm 2017 và đã được Quốc hội, Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua dự toán để chi trả cho các đối tượng này trong năm 2018. 

Do đó, nghị định này cần đảm bảo quy định các đối tượng được hỗ trợ kinh phí sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi phải là các đối tượng được miễn thủy lợi phí tại Nghị định 67/NĐ-CP. 

Tuy nhiên, qua rà soát, Ủy ban Tài chính và Ngân sách nhận thấy, khoản 1 Điều 3 của Dự thảo nghị định đã quy định đối tượng hẹp hơn so với điểm a khoản 4 Điều 1 của Nghị định 67/NĐ-CP.

Theo đó, chỉ hỗ trợ cho hộ gia đình, cá nhân nông dân có diện tích đất nông nghiệp phục vụ nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm, diện tích đất trồng cây hàng năm... , trong khi Nghị định 67 quy định rộng hơn, bao gồm tất cả các đối tượng (pháp nhân và cá nhân). Từ đó, đề nghị Chính phủ cần rà soát, bổ sung đối tượng cho phù hợp với Nghị định 67/NĐ-CP. 

Về mức hỗ trợ sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi, Dự thảo nghị định quy định rộng hơn Thông tư 280 về đối tượng ở khoản 4 Điều 4. Trong khi đây là nội dung có trong Nghị định 67/NĐ-CP, song Nghị định số 67/NĐ-CP lại quy định nội dung này gồm 8 đối tượng khác nhau. 

Vì vậy, Ủy ban Tài chính và Ngân sách đề nghị Chính phủ cần rà soát để bảo đảm thống nhất về các quy định nào đã được áp dụng để hỗ trợ trong năm 2017 và lập dự toán trong năm 2018 để bổ sung hoặc loại bỏ trong dự thảo Nghị định. 

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với nội dung Chính phủ trình. Có ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung một điều quy định về trách nhiệm của hộ gia đình và cá nhân trong việc sử dụng nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để đảm bảo tiết kiệm và nâng cao trách nhiệm của các đối tượng sử dụng nước. 

Theo Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, cần thiết phải có sự tính toán, kiểm soát, để tránh lãng phí trong sử dụng nước, nhất là khi việc sử dụng nước đang được ngân sách hỗ trợ. 

Nhất trí với quan điểm của Bộ trưởng Bộ Tài chính là “không mở rộng đối tượng, không tăng chi ngân sách,” tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định lưu ý với việc đối tượng hỗ trợ tại dự thảo được thu hẹp hơn so với trước, Chính phủ cần có sự xem xét, giải thích để tránh bỏ sót, bỏ lọt đối tượng hỗ trợ. 

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Chính phủ về việc ban hành Nghị định thực hiện trong giai đoạn từ 1/1/2017 đến 30/6/2018 để khắc phục khoảng trống pháp lý. 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cơ bản thống nhất với mức hỗ trợ, đối tượng hỗ trợ, phương thức hỗ trợ quy định tại dự thảo nghị định. 

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, phải trên nguyên tắc không mở rộng đối tượng, không tăng chi ngân sách; đồng thời đề nghị rà soát lại các đối tượng được hưởng hỗ trợ trên tinh thần Nghị định 67, không bỏ sót bỏ lọt nhưng cũng không tăng đối tượng mới. 

Đối với người nghèo, sẽ được hỗ trợ cho toàn bộ các hoạt động sản xuất thay vì chỉ một số hoạt động như các đối tượng khác. 

Cũng trong sáng 12/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đo đạc và bản đồ./. 

Theo TTXVN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh