Bí mật và bất ngờ trên chiến trường tạI Vĩnh Long

04:02, 15/02/2018

Sau 50 năm, thời gian ngày càng lùi xa, những người đã tham gia trực tiếp trong Xuân Mậu Thân 1968 ở Vĩnh Long càng có thời gian để khẳng định những điều kiện khi nhìn nhận, đánh giá một cách khoa học hơn về các sự kiện lịch sử đã làm rung chuyển cả nước Mỹ cũng như có tính chất bước ngoặt trong cuộc chiến tranh Việt Nam 1954- 1975

Sau 50 năm, thời gian ngày càng lùi xa, những người đã tham gia trực tiếp trong Xuân Mậu Thân 1968 ở Vĩnh Long càng có thời gian để khẳng định những điều kiện khi nhìn nhận, đánh giá một cách khoa học hơn về các sự kiện lịch sử đã làm rung chuyển cả nước Mỹ cũng như có tính chất bước ngoặt trong cuộc chiến tranh Việt Nam 1954- 1975 và sau Mậu Thân Xuân 1968 đã đưa đến cuộc đàm phán tại Paris đi đến thắng lợi cho ta trong “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” như Bác Hồ dự báo.

Tượng đài chiến thắng Xuân Mậu Thân 1968 tại TP Vĩnh Long. Ảnh: NVH
Tượng đài chiến thắng Xuân Mậu Thân 1968 tại TP Vĩnh Long. Ảnh: NVH

Những nhân chứng Mậu Thân nói về tạo thế bất ngờ, làm chủ thế trận trong Xuân Mậu Thân 1968

Theo đồng chí Huỳnh Anh Kiệt (Ba Kiệt), nguyên là người trực tiếp tham gia tại nội ô TX Vĩnh Long lúc đó, thì trước khi đi vào Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Vĩnh Long 1968, quân Mỹ và chư hầu tại Vĩnh Long có trên 3.000 tên, bao gồm cố vấn Mỹ, quân chiến đấu và hệ thống chuyên viên, kỹ thuật.

Riêng Sân bay Vĩnh Long, được bố trí thường xuyên, có 2 đại đội trực thăng của Mỹ là 157 và 114 với 66 chiếc trực thăng và máy bay trinh sát, cùng các loại máy bay trinh sát, có thời điểm lên 80 chiếc.

Ngoài ra lực lượng Hải quân, thiết giáp kẻ địch cũng tăng cường những đơn vị mạnh, với 2 giang đoàn, 40 tàu chiến túc trực thường xuyên; thiết giáp có 2 chi đoàn khoảng 30 chiếc, gồm xe thiết giáp M.113 và M.118, đóng hậu cứ ở Bờ Gòn (cạnh Sân bay Vĩnh Long)...

Tổng số quân Sài Gòn tại Vĩnh Long, thời điểm trước Xuân Mậu Thân 1968 có 21.703 tên, trong đó chủ yếu tập trung quân chủ lực Sư đoàn 9 bộ binh, có 3 trung đoàn đóng từ Sa Đéc (lúc này thuộc tỉnh Vĩnh Long); Trung đoàn 16 đóng ở ngã tư Long Hồ, Trung đoàn 14 đóng ở tỉnh Trà Vinh hướng lên Vĩnh Long.

Ngoài ra địch còn có một Tiểu đoàn biệt động đóng ở đường Khưu Văn Ba (địa bàn Hộ 1); các tiểu đoàn bảo an cơ động gồm các Tiểu đoàn 40, 65, 68, 320 và 303 có hậu cứ đóng ở Sân bay Vĩnh Long nay nằm trên địa bàn của Phường 9)... [1]

Những ngày giáp Tết Mậu Thân 1968, không khí càng gần ngày tết, từ sự vận động chi bộ bạn hàng tại chợ Vĩnh Long và các chi đoàn yêu nước bí mật, nhiều hộ tiểu thương trong nội ô đã đóng góp đảm phụ gửi về vùng giải phóng thông qua chi bộ bạn hàng chợ.

Đặc biệt các sạp vải xanh, vàng, đỏ ở các sạp trong chợ Vĩnh Long đã bán hết sạch, cũng ủng hộ nhiều tiền, hiện vật cho các chiến sĩ.

Thời điểm chuẩn bị cho Tết Mậu Thân, rất nhiều thanh niên yêu nước được chỉ đạo trà trộn vào Trường Trung học Tống Phước Hiệp dự lễ tất niên.

Vào chiều 29 tết (Tết Mậu Thân không có 30 tết) trên đường Tống Phước Hiệp, Gia Long xuất hiện nhiều sòng “tái hiện” các trò lắc bầu cua, tài xỉu... một trò chơi dân gian tiêu biểu trong dịp Tết cổ truyền tại vùng quê này. Đó chính là những đội viên của đội biệt động thị xã được tổ chức ta cải trang vào nội ô.

Chỉ huy của các nhóm này là Thị đội trưởng Phi Sơn- người đã có mặt trong căn hộ số 146/5/11 đường Trưng Nữ Vương. Tại phòng trồng răng trên đường Đồng Khánh, dưới chân cầu Thiềng Đức là cơ sở liên lạc của Thị xã ủy Vĩnh Long vào lúc này, để chỉ đạo cuộc nổi dậy tại thị xã.

Đi vào thời điểm tổng tấn công tại toàn bộ TX Vĩnh Long

Đúng vào thời điểm tiếng pháo nổ râm ran sắp đến giao thừa, bỗng có tiếng nổ thật to. Thông thường tết giao thừa trước đây theo truyền thống phương Đông diễn ra từ đầu giờ Tý (tức 23 giờ đêm trừ tịch, đến chính giờ Tý 24 giờ).

Chính quyền Sài Gòn sử dụng giờ Sài Gòn, sớm hơn giờ Hà Nội 1 giờ đồng hồ.

Ta thống nhất lấy tiếng nổ lớn là pháo lệnh “giờ G” phát ra từ phát pháo tại cổng vào Sân bay Vĩnh Long. Điện cúp, tất cả vùng nội ô đều tối thui. Đường dây điện thoại bị cắt hoàn toàn, lệnh Tổng tấn công Tết Mậu Thân chính thức bắt đầu.

Lúc này, Tiểu đoàn 306 được nữ đồng chí Mười Sương (Các Thị Hoa Đẹp) và Sáu Đấu (Phương Lưu) được một tổ biệt động đón ở xã Phước Hậu, dẫn đường vượt qua lộ cầu Vồng vào triển khai ở Phường 3, tiếp cận mục tiêu các vị trí trọng yếu cầu Kinh Cụt, Công Xi Heo và Khưu Văn Ba.[2]

Với hướng mà Tiểu đoàn 308, do vượt qua nhiều sông ngòi chia cắt, nên tiểu đoàn phải tranh thủ từng tý để trinh sát mục tiêu địch.

Vào trước giao thừa, chỉ huy tiểu đoàn vào ém tại nhà chị Út Tức (trong hầm bí mật nhà chị) được ông Tám Bửu- Xã đội trưởng giúp làm giấy tờ đi thị sát mục tiêu đường sá tại nội ô thị xã, để đêm giao thừa kịp ra điểm hẹn tấn công.

Còn Tiểu đoàn 857 từ chỗ vượt qua nhiều chướng ngại vật, triển khai mục tiêu bao vây Sân bay Vĩnh Long từ 3 hướng, đúng 22 giờ ngày 30/1/1968 được lực lượng đặc công tỉnh hỗ trợ cắt hàng rào bảo vệ sân bay, gỡ các trái mìn do ánh đèn pha mạnh của bảo vệ sân bay, hàng rào mở tới đâu, bộ binh của tiểu đoàn tiến vào nắm chắc vị trí điểm đó, chờ lệnh “giờ G”.

Để tăng thêm lực lượng tấn công từ quần chúng, Thị đoàn Vĩnh Long đưa 200 thanh niên, đoàn viên vào trong nội ô bằng cách trà trộn cùng học sinh Trường Trung học Tống Phước Hiệp.

Cán bộ tại nội ô rất phấn khởi tiếp đón lực lượng này vào trong nội ô để tăng thêm sức mạnh cuộc nổi dậy tại trung tâm thị xã [3].

Như vậy, từ chuẩn bị chu đáo của các đơn vị vũ trang, đúng giờ G đêm giao thừa, tiếng pháo lệnh phát ra từ sân bay, tất cả các đơn vị đồng loạt nổ súng. Mũi của Tiểu đoàn 306 chiến đấu rất quyết liệt từ sự chống cự của Đại đội bảo an, nên 4 giờ sáng đêm giao thừa ta mới làm chủ được một bên đầu cầu, tiêu diệt 50 tên địch tại mũi này.

Hướng của Tiểu đoàn 306, sau khi đột nhập nội ô, rạng sáng giao thừa, một bộ phận Tiểu đoàn 306 đã đánh chiếm được Trại Truyền tin Hoa Lư (nằm tại Hộ 1 nay đường Phạm Thái Bường), một bộ phận khác được biệt động thị xã hỗ trợ đánh chiếm Tòa Hành chính (cũng nằm tại Hộ 1), một đại đội của tiểu đoàn đánh chiếm Ty Cảnh sát, Ty Ngân khố. Đại đội súng cối tiểu đoàn bắn vào Tiểu đoàn Biệt động quân 43 và Tiểu đoàn Bảo an 40.

Hướng đánh sân bay, là mũi tác chiến nhanh, gọn, bất ngờ. Lúc này, đội đặc công đã vào ém ngay trong sân bay, chỉ chờ khi toán tuần tra Mỹ phát hiện thì các chiến sĩ đặc công liền nổ súng tiêu diệt chúng. Tại sân bay, pháo binh ta đã nã súng chính xác vào khu chuyên viên kỹ thuật và lính giặc lái Mỹ, cùng khu hậu cứ Bộ Tư lệnh Sư đoàn 9 ngụy. Tại đây sau 1 giờ tiến công, Sân bay Vĩnh Long đã hoàn toàn do bộ đội đặc công và Tiểu đoàn 857 làm chủ.

Trong trận này, ta đã phá hủy 61 trực thăng, 2 chiếc L.19, chỉ còn 2 chiếc đang tuần tra trên không vội vã bỏ chạy đáp xuống Sân bay Trà Nóc (Cần Thơ).

Như vậy cùng với tuyến nội ô thị xã, tuyến đánh trực diện vào Sân bay Vĩnh Long hoàn toàn lấy thế bất ngờ, để làm chủ thế trận và chiến thắng. Phía các đơn vị đánh sân bay của ta đã hy sinh 10 chiến sĩ. [4]

Lúc này Tỉnh trưởng ngụy Huỳnh Ngọc Diệp khẩn thiết yêu cầu Vùng 4 chiến thuật viện binh ứng cứu, nhưng cấp trên chúng không đáp ứng vì lực lượng binh sĩ tại Vùng 4 còn căng ra để đối phó. Lực lượng còn lại dốc sức phản công quyết liệt đến từng mét đất tại Hộ 1 và TX Vĩnh Long.

Tại trung tâm, các Tiểu đoàn 306, 308 đã kiên cường bám trụ, đánh thẳng vào đội hình, cùng pháo binh ta quần nhau từng vị trí.

Tại đường Lê Thái Tổ, quân ta dùng súng chống tăng, từ trên vị trí cao ốc, bắn thẳng chính xác vào đoàn xe địch, phá hủy 3 xe M.113, cùng phá hỏng 3 xe khác…

Cùng các hướng tấn công dồn dập của quân ta, chiều 31/1/1968 (mùng 1 tết), Tỉnh trưởng Huỳnh Ngọc Diệp và tỉnh phó phải chuồn xuống tàu địch, nương náu Hải quân Mỹ tại sông Cổ Chiên.

Bài học và nghệ thuật chiến tranh cách mạng

Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 ở Vĩnh Long đã trở thành biểu tượng anh hùng cách mạng của quân và dân tỉnh Vĩnh Long, TX Vĩnh Long (lúc đó).

Đồng chí Nguyễn Ký Ức- nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long (1967- 1975), đã nhận xét: “Thắng lợi của Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là thắng lợi của việc vận dụng thế bất ngờ về chiến lược đánh thẳng vào cơ quan đầu não, chỗ mạnh nhất của địch, biến hậu phương của địch thành tiền phương của ta, làm chủ thị xã 6 ngày đêm liền, tiêu hao tiêu diệt nhiều sinh lực quan trọng cả quân ngụy và Mỹ, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh, cắt đứt giao thông chiến lược làm chủ quốc lộ số 4 trong 22 ngày đêm…”[5]

Từ đây, sau 50 năm chúng ta nhìn lại, biết bao anh hùng, liệt sĩ của các đơn vị trực tiếp tiến đánh vào địa bàn thị xã cũng như tỉnh Vĩnh Long đã nằm xuống, để có được những thắng lợi vinh quang.

Trung tướng Nguyễn Đệ- nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tư lệnh Quân khu 9- người từng trực tiếp chỉ huy tại địa bàn ở Vĩnh Long, đánh giá: “Chiến công của quân dân tỉnh Vĩnh Trà Xuân Mậu Thân 1968, đặc biệt là TX Vĩnh Long mãi mãi được ghi như một mốc son chói lọi lịch sử hào hùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân miền Tây Nam Bộ”. 

Và điều mà Trung tướng Nguyễn Đệ đã đề nghị xây dựng một tượng đài chiến thắng tại TX Vĩnh Long, để ghi nhớ chiến công to lớn của quân và dân Vĩnh Long- nay đã thành hiện thực trên quảng trường thuộc vùng trung tâm của TP Vĩnh Long.

Nơi đây, mỗi ngày có bao đồng chí cựu chiến binh, các đồng chí đã từng tham gia chiến trường Vĩnh Long, đến thắp hương, tưởng nhớ những đồng đội mình nằm xuống, để có một TP Vĩnh Long to, đẹp như ngày nay.

...................................

1 - BCH Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long- Vĩnh Long Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, NXB QĐND 1996, tr. 163- 164- 165.

2 - Sách đã dẫn tr.30.

3 - Sách đã dẫn tr. 30-31.

4 - Sách đã dẫn tr. 33.

5 - Nguyễn Ký Ức, Tham luận tại Hội thảo Xuân Mậu Thân 1968, do Tỉnh ủy Vĩnh Long tổ chức tháng 2/1995- NXB Quân đội Nhân dân, HN 1996.

PHẠM BÁ NHIỄU

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh