Tổng tiến công 1968: Tinh thần bất khuất dân công hỏa tuyến Vĩnh Lộc

09:01, 06/01/2018

Sự kiện đêm 15/6/1968 khiến 32 dân công hỏa tuyến ngã xuống, là sự mất mát to lớn nhưng cũng là mốc son chói lọi trong lịch sử Đảng bộ xã Vĩnh Lộc và mãi không phai mờ trong tâm trí những người ở lại. 

Sự kiện đêm 15/6/1968 khiến 32 dân công hỏa tuyến ngã xuống, là sự mất mát to lớn nhưng cũng là mốc son chói lọi trong lịch sử Đảng bộ xã Vĩnh Lộc và mãi không phai mờ trong tâm trí những người ở lại. 

Bà Phạm Thị Ôi chia sẻ thông tin những liệt sỹ, là đồng đội trong đoàn dân công hỏa tuyến năm xưa. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)
Bà Phạm Thị Ôi chia sẻ thông tin những liệt sỹ, là đồng đội trong đoàn dân công hỏa tuyến năm xưa. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)


Ký ức không quên 

Hơn một nửa đội hình dân công hỏa tuyến đã ra đi mãi mãi sau đêm 15/6/1968. Gần 50 năm sau, ký ức về đêm bi thương ấy vẫn hiển hiện trong tâm trí những người sống sót sau trận càn kinh hoàng của địch ngày ấy. 

Bà Nguyễn Thị Khỏi, một dân công sống sót sau trận càn đêm 15/6/1968 kể lại: “Tôi nằm xuống đìa dứa nhưng ngộp quá chịu không nổi, ngạt thở mà há miệng ra là nước tràn vào.

Xác định sống chết gì chắc cũng tại nơi này, tôi gượng hai tay để đứng lên nhưng bụi dứa vừa bị máy bay bắn lật gốc đè lên vai.

Cố gắng lắm tôi mới đứng dậy được. Lúc này, chiếc máy bay với cái đầu bóng sáng của nó chạy tới đằng trước, ở đằng sau là một khoảng tối, tôi cố hết sức gượng dậy và chạy khỏi đìa dứa, nếu không chắc cũng không còn." 

Nhắc lại thời điểm đó, bà Phạm Thị Ôi (Bảy Ôi) chia sẻ, sau trận càn của địch, 32 người chết, còn lại đa phần người bị thương nặng.

Mấy ngày sau, Mỹ càn xuống, kiểm tra bắt đi cả chục người, trong đó toàn người bị thương. Sau này bà mới biết, những người bị thương đó bị lính Mỹ đưa đi tra hỏi, nhưng không thể tìm được chứng cứ nên chúng phải trả các chị về nhà. 

Bà Lê Thị Khuynh (Ba Trang) khi đó là đảng viên trẻ, tham gia cách mạng từ năm 1960, phục vụ dân công hỏa tuyến 1967-1968.

Bà sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, cha là ông Lê Văn Nhặt, Bí thư Chi bộ mật tại địa phương.

Nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng nhắc lại những kỷ niệm năm xưa đôi mắt bà lại rớm lệ, khi hình ảnh bị thương của chị em dân công vẫn còn in đậm trong tâm trí bà. 

Bà Lê Thị Khuynh cho biết: “Hình ảnh một nữ dân công bị thương ở bụng lòi ruột ra, chính tay tôi lấy cái chén úp lên rồi băng bó lại.

Sau khi băng bó, tôi đưa cô ấy về nhà. Gặp lúc giặc lùng sục dữ quá, nên gia đình đem giấu vào gốc rơm.

Giặc đi rồi, gia đình tức tốc đưa nữ dân công ra chăm sóc nhưng do vết thương nhiễm trùng nặng nên đã ra đi.”

“Đêm đó, theo sự chỉ đạo của đồng chí Phạm Văn Be (Bí thư Đảng ủy xã), tôi ở lại nấu và vắt gần 100 nắm cơm cho bộ đội Sư đoàn 9. Vì vậy, tôi không tham gia đoàn dân công hôm đó, nếu không thì…” bà Lê Thị Khuynh bùi ngùi nói. 

Mãi khắc ghi tinh thần bất khuất 

Con đường mòn cách đây 50 năm dân công hỏa tuyến vẫn thường đi tải đạn, tải lương, nay đã trở thành con đường rộng lớn, với nhà cửa hai bên cùng những hàng cây xanh ngát.

Con đường in “dấu chân lịch sử” đó hiện được mang tên chính những con người đã làm nên lịch sử - đường Dân Công Hỏa Tuyến. 

Theo Đảng bộ huyện Bình Chánh, sự hy sinh của các chiến sĩ dân công Vĩnh Lộc là điểm son sáng ngời về tinh thần yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng của dân tộc Việt Nam.

Nơi 32 dân công hỏa tuyến Vĩnh Lộc ngã xuống năm xưa nay là Khu di tích Dân công hỏa tuyến Vĩnh Lộc Mậu Thân 1968, nơi ghi dấu tích về bản hùng ca của các cô gái vùng ven Sài Gòn đi dân công phục vụ chiến trường, những tấm gương sáng ngời về tinh thần vượt gian khổ, sẵn sàng hy sinh, vững tin vào thắng lợi. Đây chính là địa điểm văn hóa, nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. 

Khắc ghi công lao to lớn của dân công hỏa tuyến vùng “vành đai lửa” Vĩnh Lộc, năm 2010, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho tập thể 32 dân công hỏa tuyến Vĩnh Lộc Mậu Thân 1968 (xã Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh, Sài Gòn – Gia Định). 

Nhiều năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên xã Vĩnh Lộc A... đã phối hợp cùng nhiều đơn vị khác triển khai các hoạt động tu sửa, làm vệ sinh, trồng cây xanh tại Khu Di tích Dân công hỏa tuyến; chăm sóc các bà, các bác, người có công...;

tuyên truyền, giáo dục tấm gương chiến đấu và hy sinh anh dũng của các bà, các bác, các chị, góp phần giúp nhân dân trong xã, đặc biệt là giới trẻ hiểu đúng, trân trọng lịch sử cách mạng hào hùng của địa phương, từ đó xây dựng lý tưởng cách mạng cho giới trẻ, tích cực tham gia các các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương, hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. 

Theo bà Phạm Thị Ôi, tinh thần quả cảm, sự hy sinh to lớn của các cô dân công khi xưa vẫn được lưu giữ nguyên vẹn trong tâm trí những người con đất Vĩnh Lộc A hôm nay.

Trong những ngày lễ, kỳ nghỉ hè, các học sinh, thanh thiếu niên trong xã vẫn thường xuyên đến đặt hoa, thắp hương viếng tại Khu di tích Dân công hỏa tuyến Vĩnh Lộc, để được nghe kể về tấm gương anh dũng của các cô dân công khi xưa. Những người may mắn thoát làn lửa đạn của địch như bà cũng thấy ấm lòng. 

Theo Đảng bộ huyện Bình Chánh, sự kiện 32 dân công hỏa tuyến là bài học sáng ngời trong trang sử hào hùng của huyện Bình Chánh, xã Vĩnh Lộc, góp phần tô thắm trang sử vàng của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Sự kiện này có ý nghĩa lớn lao trong giáo dục truyền thống đối với thanh niên Vĩnh Lộc, Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và thế hệ trẻ nói chung./. 

Theo TTXVN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh