Kiên quyết phòng chống lợi ích nhóm, tham nhũng, lãng phí

07:01, 02/01/2018

Năm 2018, Chính phủ nhấn mạnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng. Cụ thể, tập trung chỉ đạo điều tra các vụ án tham nhũng lớn để truy tố, xử lý nghiêm minh trước pháp luật theo tinh thần không có vùng cấm, tất cả hành vi vi phạm phải được xử lý đúng pháp luật. 

Năm 2018, Chính phủ nhấn mạnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng. Cụ thể, tập trung chỉ đạo điều tra các vụ án tham nhũng lớn để truy tố, xử lý nghiêm minh trước pháp luật theo tinh thần không có vùng cấm, tất cả hành vi vi phạm phải được xử lý đúng pháp luật. 

Ngày 1-1-2018, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2018.

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đề ra phương châm hành động “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”.

Chính phủ xác định trọng tâm chỉ đạo điều hành trong năm 2018 là tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chuyển biến rõ nét, thực chất trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế….

Chính phủ để ra 9 giải pháp đồng bộ để thực hiện, trong đó hàng đầu là tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.

Theo đó, trong năm 2018, phấn đấu tăng trưởng GDP đạt 6,7%, kiểm soát tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%, giảm tỷ lệ nợ đọng thuế xuống dưới 5% tổng thu ngân sách nhà nước, phấn đấu tăng thu ngân sách 3% so với dự toán Quốc hội giao.

Ngoài ra, triệt để tiết kiệm các khoản chi ngân sách với việc rà soát, sắp xếp các nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp thiết; hạn chế mua sắm xe ô tô công và trang thiết bị đắt tiền;

hạn chế tối đa tổ chức hội nghị, lễ hội, hội thảo, khánh tiết, công tác nước ngoài...; chỉ ban hành mới cơ chế, chính sách chi ngân sách nhà nước khi có nguồn tài chính đảm bảo. Kiểm soát bội chi ngân sách nhà nước ở mức 3,7% GDP.

Về nợ công, Chính phủ yêu cầu quản lý chặt chẽ và sử dụng hiệu quả tài sản công, nợ công; tăng cường quản lý các quỹ ngoài ngân sách; kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc vay, sử dụng vốn vay, trả nợ.

Phấn đấu đến cuối năm 2018, dư nợ công khoảng 63,9% GDP, nợ Chính phủ khoảng 52,5% GDP, nợ nước ngoài của Quốc gia khoảng 47,6% GDP. 

Tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ đầu tư công; kiên quyết phòng chống lợi ích nhóm, tham nhũng, lãng phí; xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động đầu tư công; chấn chỉnh những bất cập trong các dự án đối tác công tư, nhất là các dự án BOT.

Nghị quyết của Chính phủ cũng nêu, năm 2018 sẽ thực hiện quyết liệt và đồng bộ 3 đột phá chiến lược.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh cơ cấu lại ngân sách nhà nước theo hướng tăng dần tỷ trọng thu nội địa; đảm bảo tỷ trọng chi đầu tư phát triển 26%, tỷ trọng chi thường xuyên 64,1% trong tổng chi ngân sách nhà nước; bảo đảm chi an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và quốc phòng, an ninh theo dự toán Quốc hội giao.

Cơ cấu lại đầu tư công gắn với cơ cấu lại thu chi ngân sách nhà nước và bảo đảm bền vững an toàn nợ công.

Tăng cường hiệu quả đầu tư công, bảo đảm cân đối về đầu tư phát triển, phấn đấu đạt tỷ lệ tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33% - 34% GDP; tăng tỷ trọng vốn đầu tư tư nhân trong tổng đầu tư phát triển toàn xã hội lên khoảng 41%.

Năm 2018, Chính phủ sẽ thành lập Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Đẩy mạnh cổ phần hóa gắn với niêm yết trên thị trường chứng khoán và thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ theo các nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch, đúng pháp luật và đảm bảo lợi ích cao nhất của Nhà nước.

Tạo chuyển biến căn bản trong việc xử lý các doanh nghiệp, dự án thua lỗ. Phấn đấu thành lập mới 135.000 doanh nghiệp trong năm 2018.

Năm 2018, Chính phủ nhấn mạnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng. Cụ thể, tập trung chỉ đạo điều tra các vụ án tham nhũng lớn để truy tố, xử lý nghiêm minh trước pháp luật theo tinh thần không có vùng cấm, tất cả hành vi vi phạm để phải được xử lý đúng pháp luật. Triển khai thanh tra theo kế hoạch gắn với thanh tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm;

xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật về khiếu nại, tố cáo, tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, dư luận có nhiều quan tâm, có nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo như: Đất đai, tài nguyên khoáng sản, các dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, đầu tư nước ngoài...

Theo đó, sẽ kiên quyết xử lý nghiêm các vụ án kinh tế, tham nhũng; không hình sự hóa các quan hệ dân sự kinh tế…

Theo SGGPO

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh