Đông du và bài học quý cho cách mạng ở Vĩnh Long

10:09, 28/09/2017

Phong trào Đông du (1905- 1908) do cụ Phan Bội Châu khởi xướng với chủ trương cứu nước bằng con đường duy tân, xuất dương cầu học. 

Phong trào Đông du (1905- 1908) do cụ Phan Bội Châu khởi xướng với chủ trương cứu nước bằng con đường duy tân, xuất dương cầu học.

Tuy thất bại nhưng đã thổi một luồng gió mới vào sự nghiệp giải phóng dân tộc lúc bấy giờ. Rất đặc biệt, Vĩnh Long là một điểm sáng ở Nam kỳ và cả nước trong phong trào này.

Kinh nghiệm từ phong trào Đông du là nguồn tư liệu quý để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hôm nay.
Kinh nghiệm từ phong trào Đông du là nguồn tư liệu quý để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hôm nay.

Một luồng gió mới

Vào những năm đầu thế kỷ XX, giữa lúc phong trào khởi nghĩa vũ trang khắp nơi lắng xuống, thì sự xuất hiện của cụ Phan Bội Châu với con đường duy tân, xuất dương cầu học cứu nước đã thổi một luồng gió mới vào phong trào yêu nước chống Pháp ở Vĩnh Long và được tiếp nhận một cách nồng nhiệt.

Theo ông Nguyễn Chiến Thắng- nguyên Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy: Cụ Phan Bội Châu là linh hồn của phong trào Đông du.

Ông phát động phong trào, viết tài liệu tuyên truyền ở khắp cả nước. Theo tài liệu, năm 1904, cụ Phan Bội Châu đến Vĩnh Long để tuyên truyền và vận động cho thanh niên xuất dương sang Nhật du học cũng như kêu gọi ủng hộ kinh phí.

Lúc bấy giờ qua thơ ca, tài liệu tuyên truyền của cụ Phan Bội Châu đối với quần chúng khác nào như trời hạn gặp mưa.

Các thơ ca như “Lưu cầu huyết lệ”, “Việt Nam vong quốc sử”, “khuyến quốc dân tự trợ du học”… được các nhà nho, nhà hào sảng phấn khởi bí mật truyền cho nhau nghe.

Ông Nguyễn Chiến Thắng cho biết thêm, mặc dù bọn mật thám Pháp đánh hơi theo dõi tìm mọi cách ngăn chặn, bố ráp, bắt bớ, song tỉnh Vĩnh Long vẫn đưa được nhiều thanh thiếu niên du học.

Ông Huỳnh Hữu Chí (Mỹ Thạnh Trung, Tam Bình)- người xuất dương đầu tiên là người biết chữ Nho, tiếng Hán, tháo vát, hiểu đường đi nước bước nên nhiều lần về nước dẫn dắt du học sinh.

Cũng thời điểm này, thực dân Pháp coi du học sinh là kẻ thù nên tìm mọi cách phong tỏa, bắt bớ, đe dọa gia đình không cung cấp tiền bạc, thơ từ… nhiều gia đình yêu nước có con em du học bị bắt, tù đày, bị nhục hình và chết trong tù.

Tuy nhiên, kiểu đàn áp đó không làm vơi đi lòng yêu nước của người dân và cả du học sinh, bởi khi Pháp cấu kết với Nhật để trục xuất du học sinh, một số người bị lộ chuyển địa bàn học ở Hong Kong, Trung Quốc, nếu không bị lộ tiếp tục ở lại Nhật học.

Thời điểm này, các nhà Nho yêu nước, tiến bộ ở Tam Bình, Trà Ôn như Nguyễn Ngươn Hanh, Trần Phước Định, Lý Trung Chánh, Phan Văn Tòng,... đã nỗ lực hành động, truyền bá tư tưởng Duy Tân, ra sức vận động, quyên góp tiền, của ủng hộ phong trào, đồng thời bản thân các ông còn trực tiếp cho con em mình lên đường xuất dương du học.

Vĩnh Long đã trở thành một điểm sáng trong phong trào Đông du, là 1 trong 4 trung tâm bí mật tuyển chọn du học sinh ở Nam Kỳ và cả nước.

Trong số gần 200 du học sinh của phong trào Đông du, Vĩnh Long có hơn 30 người và là một trong những tỉnh có số du học sinh đông và đóng góp tiền, của nhiều nhất cho phong trào.

Bài học quý cho phong trào yêu nước

Tuy nhiên, phong trào Đông du chỉ duy trì được trong 3 năm (1905-1908) thì thất bại, do thực dân Pháp câu kết với Nhật đàn áp phong trào, trục xuất lưu học sinh Việt Nam về nước.

Trước sự truy bắt, khủng bố gắt gao của thực dân Pháp, một số du học sinh và những người tích cực vận động, ủng hộ Đông du ở Vĩnh Long bị bắt, bị lưu đày qua các nhà tù thậm chí hy sinh trong ngục.

Sau phong trào Đông du, nhân dân Vĩnh Long đã nhanh chóng tiếp nhận con đường đấu tranh giải phóng dân tộc theo khuynh hướng vô sản, nhất là khi Kỳ hội Nam kỳ gây dựng cơ sở hoạt động.

Với phương châm “Lấy quá khứ làm điểm tựa để hướng tới tương lai”, cuộc hội thảo phong trào Đông du ở Vĩnh Long do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức gặt hái nhiều hơn mong đợi.

Đây là những tư liệu đắt giá tô thắm thêm cho lịch sử truyền thống hào hùng của tỉnh nhà và cũng là nguồn tư liệu quý nhằm giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hôm nay cũng như mai sau và nhất là trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Theo TS Trương Gia Kiệm, sau phong trào Đông du, ý chí kháng chiến cứu nước của người dân Vĩnh Long rất cao.

Cụ thể, tham gia vào các hội kín những năm 1914, hình thành phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản năm 1920…

Đặc biệt, sau khi Nguyễn Ái Quốc lập tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên (1925), tháng 6/1927 Nguyễn Văn Côn được Kỳ hội Nam Kỳ phân công về Vĩnh Long gầy dựng cơ sở hoạt động.

Những thanh niên đầu tiên tham gia vào hội là Nguyễn Văn Thiệt, Châu Văn Ký, Nguyễn Văn Đại và cũng là 3 người đầu tiên được kết nạp vào Hội Việt Nam cách mạng thanh niên.

Từ cơ sở những tổ chức Việt Nam thanh niên Cách mạng đồng chí hội là tiền đề để chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên ở tỉnh Vĩnh Long ra đời vào tháng 3/1930.

Có thể khẳng định, phong trào Đông du ở Vĩnh Long những năm đầu thế kỷ XX, được xác định là vấn đề lịch sử có vị trí và ý nghĩa hết sức quan trọng.

Đây là hoạt động có tính chất đột phá, chống chủ nghĩa thực dân trên nền tảng duy tân, đổi mới từ tư duy yêu nước truyền thống sang cải cách, đổi mới, đề cao việc giao lưu học tập, tiến bộ.

Sự thất bại của phong trào Đông du trong cả nước nói chung, tỉnh Vĩnh Long nói riêng do nhiều yếu tố lịch sử và thời đại đã vượt qua tầm nhìn của những người khởi xướng nhưng đã để lại những bài học kinh nghiệm quý báu cho phong trào cách mạng của cả nước nói chung và Vĩnh Long nói riêng.

Phong trào Đông du đã trở thành một điểm nhấn nổi bật trong lịch sử hình thành và phát triển của tỉnh Vĩnh Long, là dấu gạch nối quan trọng cho sự chuyển tiếp tư tưởng từ yêu nước theo kiểu cũ sang con đường cứu nước theo khuynh hướng mới.

Theo Nghiên cứu sinh Thái Văn Thơ, mặc dù phong trào Đông du thất bại nhưng đã gợi mở ra một con đường cứu nước, giải phóng dân tộc thoát khỏi ách thực dân lúc bấy giờ. Trong đêm trường nô lệ, những ánh sáng hiếm hoi của phong trào Đông du đã góp phần soi rọi một con đường đi mới và những tư tưởng có tác dụng gợi mở đó đã có tác dụng thúc đẩy các làn sóng đấu tranh, yêu nước ở Việt Nam phát triển mạnh mẽ những năm sau đó. Và nổi bật lên trong quá trình đấu tranh bất khuất đó của nhân dân Việt Nam có phần đóng góp không nhỏ của nhân dân Vĩnh Long.

Bài, ảnh: THANH TÂM

[links()]

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh