Ngành giáo dục cần tập trung nâng cao chất lượng dạy và học chứ không nên tập trung vào việc thi cử

10:06, 10/06/2017

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyên Thanh- đơn vị tỉnh Vĩnh Long đã có ý kiến đóng góp liên quan đến phát triển giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29 "Về đổi mới căn bản và toàn diện về giáo dục" của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI.

Trong phiên thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016, những tháng đầu năm 2017 ngày 9/6, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyên Thanh- đơn vị tỉnh Vĩnh Long đã có ý kiến đóng góp liên quan đến phát triển giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29 “Về đổi mới căn bản và toàn diện về giáo dục” của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI.

Theo đó, trong năm 2013, đổi mới giáo dục được đánh dấu bằng Nghị quyết 29. Nghị quyết ra đời có ý nghĩa quan trọng đối với việc phát triển sự nghiệp giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước.

Nghị quyết đặt ra mục tiêu giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện, phát huy tốt tiềm năng, khả năng sáng tạo của mọi cá nhân, phấn đấu đến năm 2030 nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực.

Trong thời gian vừa qua, Chính phủ đã ban hành chương trình hành động thực hiện nghị quyết này. Trong đó, xác định 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch triển khai và soạn thảo 18 đề án.

Hiện, việc triển khai thực hiện đã đạt được một số kết quả, bước đầu góp phần cải thiện chất lượng giáo dục và đào tạo.

Tuy nhiên, trong đánh giá báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2016, phần đánh giá về văn hóa, giáo dục là chưa nổi bật, nhất là việc xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện các đề án về giáo dục của một số bộ, ngành chưa đảm bảo tiến độ, làm ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện nghị quyết.

Vì thế, đề nghị Chính phủ cần có đánh giá và rà soát về tiến độ và hiệu quả thực hiện các đề án nói trên. Trên cơ sở đó, rút kinh nghiệm kịp thời để đảm bảo việc triển khai đúng tiến độ và chất lượng để thống nhất trong chỉ đạo, điều hành phát triển sự nghiệp giáo dục.

Song song đó, cần tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền việc triển khai thực hiện phát triển giáo dục và đào tạo để tạo sự đồng thuận trong nhận thức và hành động của toàn ngành và toàn xã hội.

Ngoài ra, để hướng đến việc thực hiện mục tiêu giáo dục mà Nghị quyết 29 đã đề ra, đề nghị cần quan tâm 3 vấn đề sau:

Thứ nhất, tôi rất tâm đắc với quan điểm của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nói rằng vấn đề ngành giáo dục cần tập trung chỉ đạo là nâng cao chất lượng dạy và học chứ không nên tập trung vào việc tổ chức thi cử.

Điều này đồng nghĩa với việc sẽ đầu tư và phát triển đội ngũ nhà giáo, bên cạnh đầu tư cho môi trường giáo dục  để người giáo viên yên tâm với vị trí của mình, gắn bó với nghề và phát triển năng lực. Khi sự ổn định đó được đảm bảo thì những thay đổi của hệ thống mới có thể vận hành tốt.

Chính vì vậy, đề nghị Quốc hội nên đưa Luật Nhà giáo vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, vì đây cũng là dự luật cần thiết và là đề nghị xác đáng đã được đại biểu và cử tri quan tâm đề xuất.

Điều này thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với giáo dục phổ thông, là sự ghi nhận vị thế và vai trò của nhà giáo và là động lực tinh thần cho hơn một triệu giáo viên trên cả nước.

Vấn đề thứ hai, về đầu tư cơ sở vật chất trong thời gian vừa qua, việc đầu tư cho giáo dục chưa cao và tương xứng giữa các địa phương.

Cụ thể là chương trình kiên cố hóa trường lớp mẫu giáo, tiểu học trong kế hoạch đầu tư trung hạn chỉ được 6.000 tỷ đồng trong tổng số hơn 200.000 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ chỉ chiếm 3,3%.

Đặc biệt, các tỉnh vùng ĐBSCL chỉ được phân bổ 717 tỷ, trong đó Vĩnh Long là thấp nhất nước, chỉ 7 tỷ đồng. Rõ ràng chưa đáp ứng, đặc biệt với các tỉnh ĐBSCL còn rất nhiều khó khăn.

Theo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể thì học sinh tiểu học phải học 2 buổi/ngày, nhưng hiện nay cả nước chỉ có 60% các trường đủ điều kiện. Với thực tế trên, đề nghị Chính phủ cần quan tâm và ưu tiên đầu tư cho giáo dục và đạo tạo, đặc biệt là nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, vốn ODA và các nguồn khác để thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành, đảm bảo điều kiện thực hiện chương trình giáo dục phổ thông tổng thể sắp tới và phát triển toàn diện học sinh, nhất là đảm bảo cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non, tiến tới miễn học phí cho trẻ em 5 tuổi theo mục tiêu phổ cập đã được đề ra.

Vấn đề thứ ba, về đội ngũ giáo viên mầm non, cả nước hiện có trên 14.000 trường mẫu giáo mầm non với trên 4 triệu trẻ em và trên 400.000 cán bộ quản lý và giáo viên mầm non.

Tuy nhiên, đội ngũ giáo viên mầm non chưa được hưởng chế độ đãi ngộ xứng đáng, đề nghị cần có sự quan tâm đặc biệt bởi giáo viên mầm non dễ gặp rủi ro nghề nghiệp (do trẻ còn quá nhỏ, lao động khá đặc thù, có nhiều khó khăn trong quản lý giáo dục, lại chịu nhiều thiệt thòi trong chính sách tiền lương).

Theo chủ trương gần đây, cho dù giáo viên đạt trình độ chuyên môn trên chuẩn vẫn phải hưởng mức lương theo vị trí việc làm nên thu nhập thấp, chưa đủ trang trải cho cuộc sống, nhất là giáo viên mới ra trường. Điều này đã làm giảm động lực phấn đấu của phần lớn giáo viên mà hiện nay đến cuối năm hoặc năm 2015 - 2016, cả nước còn thiếu khoảng trên 34.000 giáo viên mầm non.

Theo số liệu khảo sát, 215 giáo viên tại 2 tỉnh Vĩnh Long và Bến Tre thì trong đó 138 giáo viên thích nghỉ hưu ở độ tuổi 50 và có đề xuất lương hưu đủ sống, 9 giáo viên muốn nghỉ ở độ tuổi 60 số còn lại chấp nhận ở độ tuổi 55.

Một số giáo viên hiện tại cao tuổi không đáp ứng được yêu cầu phục vụ trong ngành, mong muốn được giải quyết chế độ nghỉ sớm và chính sach tiền lương cũng cần đảm bảo ngang bằng với giáo viên phổ thông.

Chặng đường đến năm 2030 còn hơn 13 năm, thời gian tuy không dài, nhưng nếu có được sự quan tâm của Chính phủ, sự quyết tâm của các bộ, ngành, sự đồng thuận của xã hội thì giáo dục có niềm tin từng bước tiến đến mục tiêu của một nền giáo dục tiên tiến theo tinh thần Nghị quyết 29.

TÂM- THI (ghi)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh