Làm thế nào để nâng cao hiệu quả giám sát của HĐND?

05:06, 08/06/2017

Trong buổi hội thảo về "Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của HĐND trong việc thực hiện Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015", Thường trực HĐND các tỉnh- thành vùng ĐBSCL cho rằng vẫn còn nhiều bất cập cần phải tháo gỡ.

Trong buổi hội thảo về “Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của HĐND trong việc thực hiện Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015”, Thường trực HĐND các tỉnh- thành vùng ĐBSCL cho rằng vẫn còn nhiều bất cập cần phải tháo gỡ.

Giám sát là quyền và trách nhiệm của đại biểu dân cử, là chức trách mà đại biểu phải thực hiện để làm tròn vai trò đại diện cho dân. Ảnh tư liệu
Giám sát là quyền và trách nhiệm của đại biểu dân cử, là chức trách mà đại biểu phải thực hiện để làm tròn vai trò đại diện cho dân. Ảnh tư liệu

Còn nhiều bất cập

Giám sát là 1 trong 2 chức năng quan trọng của HĐND, hiệu quả giám sát được đảm bảo thực hiện bằng việc các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm túc các kết luận, kiến nghị của cơ quan giám sát.

Với vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước tại địa phương, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, giám sát được coi là cách thức hữu hiệu nhất thể hiện cho quyền lực nhân dân để đánh giá hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước.

Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015 là cơ sở pháp lý quan trọng để tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát HĐND, đã hệ thống hóa các hoạt động giám sát của HĐND. Tuy nhiên, qua triển khai thực hiện vẫn còn nhiều bất cập cần phải tháo gỡ.

Theo một số đại biểu, hiện nay có tình trạng nội dung giám sát của HĐND có nhiều vấn đề mang tính nghiệp vụ chuyên sâu, trong khi đa số đại biểu HĐND hoạt động kiêm nhiệm, điều kiện tiếp cận và cập nhật thông tin còn nhiều bất cập.

Một số cuộc giám sát còn thiếu thông tin, chủ yếu nghe báo cáo của cơ quan là đối tượng được giám sát sau đó đoàn giám sát đánh giá, kết luận, nên hiệu lực và hiệu quả giám sát của HĐND chưa cao.

Bà Lưu Thị Ngọc Sương- Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Kiên Giang- cho biết, một bất cập là hiện việc giám sát trực tiếp đối với hoạt động của UBND cùng cấp chưa được tiến hành (chủ yếu giám sát qua văn bản).

Ngoài ra, các kiến nghị đối với các ngành, các cấp trong tỉnh tuy được quan tâm giải quyết nhưng việc báo cáo kết quả giải quyết chưa thực hiện
thường xuyên.

Ngoài ra, khi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015 được ban hành, tổ đại biểu HĐND được thành lập ở 2 cấp tỉnh và huyện.

Thế nhưng, trong thực hiện chức năng giám sát của tổ đại biểu, luật chưa quy định rõ các vấn đề liên quan đến quy trình tổ chức tiến hành cuộc giám sát, nên thực tế ở địa phương tổ đại biểu chưa thực hiện được cuộc giám sát nào.

Bà Bùi Thị Tuyết Hạnh- HĐND tỉnh Sóc Trăng cho biết, thời gian qua quy định này gần như bỏ ngỏ, thậm chí đôi khi gần như bị quên mất, không khả thi.

Mặt khác, tổ đại biểu thường do đại biểu người địa phương làm tổ trưởng (đa số là lãnh đạo cấp ủy, chính quyền), như vậy khi triển khai giám sát chuyên đề của tổ đối với địa phương đó, địa bàn đó thì việc có mạnh dạn, khách quan phát hiện vấn đề sai sót, vi phạm để kiến nghị khắc phục hay không còn là chuyện phải bàn nhiều.

Đóng góp thêm về vấn đề này, ông Huỳnh Quang Triệu- Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bến Tre- cho biết, về các thủ tục thực hiện hoạt động giám sát của tổ đại biểu được quy định trong luật, nhưng tư cách pháp nhân độc lập của các tổ đại biểu chưa được xác định rõ.

Vì vậy, khi tiến hành hoạt động giám sát thì tổ đại biểu có được sử dụng con dấu của HĐND tỉnh, huyện hay không? Tổ trưởng có quyết định thành lập Đoàn giám sát của tổ đại biểu hay không... là những vấn đề chưa được hướng dẫn cụ thể.

Một vấn đề bất cập nữa là trình độ, năng lực chuyên môn và kinh nghiệm hoạt động, nhất là hoạt động giám sát của phần đông đại biểu, của thành viên các ban, đặc biệt là cấp xã hiện còn rất nhiều hạn chế, chính vì vậy mà gặp rất nhiều khó khăn khi tổ chức hoạt động giám sát.

Cho đến nay, mặc dù đã được tập huấn nhưng ở cấp xã hầu như chưa triển khai thực hiện được một hoạt động giám sát nào trên địa bàn.

Làm thế nào để nâng cao hiệu quả giám sát?

Việc tổ chức giám sát phải lựa chọn những vấn đề bức xúc của người dân.
Việc tổ chức giám sát phải lựa chọn những vấn đề bức xúc của người dân.

Đại biểu HĐND dù hoạt động kiêm nhiệm hay chuyên trách đều phải xác định rõ giám sát là quyền và trách nhiệm của đại biểu dân cử, là chức trách mà đại biểu phải thực hiện để làm tròn vai trò đại diện
cho dân.

Để nâng cao hoạt động giám sát, ông Huỳnh Quang Triệu đề xuất, Thường trực HĐND tỉnh, huyện cần khuyến khích, hỗ trợ các tổ đại biểu tổ chức các hoạt động giám sát của tổ bằng các biện pháp như: hỗ trợ cung cấp thông tin, góp ý chương trình, nội dung giám sát của tổ…

Đối với các tổ chưa có hoạt động, Thường trực HĐND tỉnh, huyện phải chủ động lựa chọn nội dung để gợi ý hoặc thậm chí phân công, giao việc cho tổ nếu thấy cần thiết.

Theo một số đại biểu, Chính phủ cần có văn bản hướng dẫn đối với một số quy định của luật còn chưa cụ thể, rõ ràng, để có sự thống nhất trong nhận thức và áp dụng vào thực tiễn hoạt động giám sát.

Bà Bùi Thị Tuyết Hạnh đề nghị, phải có chế tài mạnh hơn nữa trong tổ chức thực hiện hoạt động giám sát để nâng cao trách nhiệm của chủ thể giám sát và các đối tượng chịu sự giám sát. Có như thế mới phát huy hiệu lực cao trong thực tiễn và nâng cao vai trò, vị thế của HĐND các cấp.

Đóng góp thêm về vấn đề này, ông Trần Văn Hiệu- Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau- đề xuất, Thường trực HĐND, các ban của HĐND, đại biểu HĐND thường xuyên theo dõi việc thực hiện các ý kiến trả lời, hứa hẹn của người trả lời chất vấn.

Nếu thấy cần thiết thì Thường trực HĐND yêu cầu người trả lời chất vấn báo cáo kết quả thực hiện lời hứa để đại biểu giám sát việc thực hiện đó.

Ngoài ra, theo các đại biểu, nếu cần thiết có thể tiến hành phúc tra việc thực hiện kết quả giám sát hoặc kết hợp hoạt động giám sát với hoạt động chất vấn tại kỳ họp HĐND.

Đối với những nội dung, vấn đề đã được nhắc nhở, kiến nghị nhiều lần nhưng UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chuyên môn triển khai chậm hoặc triển khai thực hiện nhưng vẫn còn khó khăn, vướng mắc thì tổ chức tái giám sát để tiếp tục có ý kiến đề xuất, kiến nghị giải quyết cho dứt điểm.

Theo ông Đỗ Bá Tỵ- Phó Chủ tịch Quốc hội, Thường trực HĐND các tỉnh vùng ĐBSCL, cần làm tốt công tác hậu giám sát. Bởi lẽ, công tác giám sát sẽ kém hiệu quả nếu các kiến nghị sau giám sát không được các cơ quan tiếp thu và nghiêm túc thực hiện.

Vì vậy, cần tăng cường hơn nữa công tác giám sát, đôn đốc việc thực hiện kết luận giám sát của các đối tượng giám sát, cần thiết phải tổ chức tái giám sát và đề nghị cơ quan có thẩm quyền có biện pháp xử lý đối với trường hợp không thực hiện nghiêm túc kết luận giám sát.

Bài, ảnh: BÙI THANH

[links()]

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh