Đã có nhiều nghiên cứu, nhiều cuộc hội thảo khoa học tổng kết khá đầy đủ về cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng vô cùng phong phú của đồng chí Phạm Hùng.
Đã có nhiều nghiên cứu, nhiều cuộc hội thảo khoa học tổng kết khá đầy đủ về cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng vô cùng phong phú của đồng chí Phạm Hùng.
Đồng chí Phạm Hùng lúc còn là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng tham dự lễ khánh thành tuyến đường Nhà Bè- Duyên Hải, ngày 28/4/1985.Ảnh: Internet |
Ở đây, chúng tôi chỉ mong muốn góp nhặt những câu chuyện nhỏ, những kỷ niệm của đồng chí Phạm Hùng với quê nhà Vĩnh Long với những chi tiết nhỏ nhưng góp phần làm sáng tỏ hơn một nhân cách lớn, chân dung người chiến sĩ cộng sản kiên trung, người con ưu tú của quê hương Long Hồ- Vĩnh Long.
Chuyến về thăm vùng đồng bào Khmer
Mỗi lần có dịp về thăm và làm việc với quê hương Vĩnh Long, đồng chí Phạm Hùng luôn dành tình cảm và sự quan tâm đặc biệt, từ những chuyện nhỏ cho đến vấn đề phát triển kinh tế- xã hội địa phương.
Tuy nhiên, cách mà đồng chí nắm bắt thông tin, tình hình không theo lẽ thường là qua những văn bản báo cáo tính chất hội nghị.
Đồng chí Phạm Hùng thích lắng nghe những câu chuyện mang hơi thở cuộc sống, chuyển tải được tâm tư, nguyện vọng, tình cảm của cán bộ lãnh đạo, của người dân, từ đó mới đi sát với thực tế và bản chất của sự việc, vấn đề.
Là người may mắn có dịp tiếp xúc, làm việc với đồng chí Phạm Hùng, nên đồng chí Nguyễn Chiến Thắng- nguyên Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh Vĩnh Long- có nhiều tư liệu hay, kỷ niệm khó quên về đồng chí Phạm Hùng.
Đồng chí Nguyễn Chiến Thắng còn nhớ lần xuống nông thôn, lúc đó đang đào kinh 3 Tháng 2: “Thấy tôi đang chụp hình, đồng chí Phạm Hùng vỗ vai thân mật hỏi “nhà báo có định viết gì không?” rồi ông nói thẳng luôn như lời chỉ dạy “nhà báo” cần lưu ý: “Quê hương mình phong phú lắm, có nhiều dân tộc anh em cùng chung sống.
Đặc biệt, cần lưu ý đến đồng bào Khmer, trong kháng chiến, đồng bào đã đoàn kết sát cánh Kinh- Khmer anh em thì trong hòa bình phải tiếp tục nêu cao sự đoàn kết Kinh- Khmer, cái này quý lắm. Riêng các vị sư sãi đã từng đóng góp trong kháng chiến, giờ cũng ra cùng đào kinh với bà con.
Hình ảnh này đẹp lắm, nhà báo chú ý nha!” Lại chuyển sang đề tài văn nghệ, thật bất ngờ khi đồng chí Phạm Hùng rất hứng thú với ca hát, nhất là văn nghệ của đồng bào Khmer.
Cũng trong chuyến đi đó, khi ngồi vào bàn ăn, đồng chí Phạm Hùng bất chợt hỏi và có ý muốn đi thăm một gia đình nghèo nhất, khó khăn nhất ở xã Long Hiệp (huyện Trà Cú, tỉnh Cửu Long cũ- nay là tỉnh Trà Vinh).
Qua cuộc thăm viếng một hộ nghèo Khmer không hẹn trước đó, mới thấy được tầm nhìn sâu sắc trong vấn đề nắm bắt thực tế để có sự chỉ đạo sát sườn nhất với cuộc sống và cũng hiểu được tâm tư người dân nghèo ở nông thôn của đồng chí Phạm Hùng.
Đồng chí Nguyễn Chiến Thắng kể lại: “Chủ nhà rất bất ngờ nói rằng “nhà tui mà được “ông lớn” tới thăm, mừng lắm. Nhà tui nghèo mà “ông lớn” thăm chắc tui sẽ giàu. Hồi trước, tụi tui sản xuất đóng góp nuôi quân đánh Mỹ, giải phóng rồi thì sản xuất xây dựng đất nước.
Giờ “ông lớn” lo phân, lo xăng dầu. Đàng này thì tụi tui lo ra sức phát cỏ trồng lúa, cực chết bỏ hổng sợ”. Chính từ những cuộc thăm viếng chân tình như thế, mới lắng nghe được những tâm tình cởi mở tấm lòng của người dân với lãnh đạo, với cách mạng.
Nói về chuyện làm báo, còn nhớ đồng chí Phạm Hùng chỉ bảo rất rõ ràng cụ thể, nhất là phải thường xuyên và đặc biệt quan tâm những tấm gương người tốt, việc tốt trên mặt báo. Còn đối với đồng bào Khmer thì phải viết thật gọn, thật ngắn mà thật dễ hiểu.
Những chi tiết nhỏ và nhân cách lớn
Ông Phạm Hoàng Hà- con trai đồng chí Phạm Hùng (bên phải) đại diện gia đình trao quyển sổ tư liệu cho khu tưởng niệm làm hiện vật trưng bày.Ảnh: NGỌC TRẢNG |
Quá trình về Vĩnh Long, mỗi lần như những chuyến về thăm nhà, đồng chí Phạm Hùng luôn muốn được xuống gần dân để thăm hỏi chớ không phải với “vai Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng” hay “Thủ tướng” về làm việc với địa phương.
Ông cứ luôn nhắc rằng khỏi phải đọc báo cáo, mấy cái đó tôi biết hết rồi, mà có những vấn đề gì, việc gì khó khăn thì cứ nói thẳng, đề xuất thẳng.
Nhiều người cũng rất nể phục trí nhớ của đồng chí Phạm Hùng. Đồng chí Nguyễn Chiến Thắng nhớ lại kỷ niệm: Có lần đồng chí Phạm Hùng về làm việc với Vĩnh Long, nhưng không có thông tin trước nên lãnh đạo của Báo Cửu Long cũng không hay biết gì.
Sáng sớm, thấy công an đứng chốt các ngã tư đường rất đông, mọi người hồ nghi chắc có lãnh đạo Trung ương về thăm. Lúc đó tôi mới chạy xuống UBND tỉnh, vừa đi vào tới cổng thì thấy đoàn xe của đồng chí Phạm Hùng chạy ra.
Thoáng thấy tôi, ông bảo tài xế dừng xe lại vì nhớ là nhà báo, nên cho tôi được lên xe sau của đồng chí Trần Hữu Phước là thư ký riêng của Chủ tịch HĐBT Phạm Hùng. Nhờ vậy, tôi mới có được chuyến công tác theo đoàn, chớ lúc đó đâu có xe cộ như bây giờ mà chạy theo kịp.
Nhiều người cũng cho biết, mình chỉ được tiếp xúc làm việc có một lần, nhưng lần sau gặp lại là đồng chí Phạm Hùng nhớ ngay và gọi đúng tên luôn.
Cũng trong chuyến đi công tác đó, trên đường trở về, mọi người ra UBND tỉnh dùng cơm, riêng xe đồng chí Phạm Hùng thì ghé thăm nhà ở xã Long Phước. Chỉ đến khi ông Trần Hữu Phước nói: “Đồng chí Phạm Hùng ghé nhà có đám giỗ” thì lúc đó mọi người mới biết.
Theo lời cô Tư An- em gái đồng chí Phạm Hùng- kể lại: Đất nước giải phóng rồi mà có năm anh Hai về, có năm cũng không về được, nhà có giỗ mọi người đều trông. Đất nước giải phóng rồi mà anh Hai cũng đi biền biệt vì lo việc nước, nên ít khi được về thăm nhà.
Cũng như câu chuyện cảm động theo lời kể của cô Tư An, những ngày đầu sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, bà Dương Thị Huê- thân mẫu đồng chí Phạm Hùng- trông ngóng con trai về thăm nhà mà sau mấy ngày rồi không thấy.
Nghe nói đoàn rước các đồng chí ở tù Côn Đảo về dưới Đại Ngãi (Sóc Trăng), ở nhà mới qua tìm cũng không thấy, rồi trở về Cần Thơ cũng không biết đồng chí Phạm Hùng đang ở đâu. Mãi sau khi công việc chung đã ổn, đồng chí Phạm Hùng mới về thăm nhà.
Mẹ con gặp lại mà người mẹ mừng khóc ngất. Nhưng ở nhà chưa được bao lâu, đồng chí Phạm Hùng phải tiếp tục ra đi.
Đêm đó, mẹ con nằm bên nhau thao thức, chờ đến khi mẹ ngủ ngon, đồng chí Phạm Hùng mới nhẹ nhàng dậy tấn 4 góc mùng cho mẹ. Hình ảnh đó cảm động biết bao, chi tiết nhỏ mà đủ đầy ý nghĩa câu chuyện của “nợ nước tình nhà”, hy sinh tình cảm riêng tư vì nghĩa lớn với non sông.
Tại cuộc hội thảo khoa học nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Phạm Hùng (11/6/2012), có đánh giá: “Chính từ tinh hoa văn hóa truyền thống của quê hương, tinh thần yêu nước, cách mạng, những phẩm chất quý báu của vùng đất và con người Vĩnh Long là môi trường nuôi dưỡng và góp phần hun đúc nên một nhân cách lớn, một người con kiên trung của quê hương- nhà cách mạng Phạm Hùng. Đồng thời, chính tấm gương đạo đức sáng ngời, sự nghiệp cách mạng cao cả của đồng chí Phạm Hùng đã góp phần bồi đắp, tô điểm thêm truyền thống tốt đẹp của quê hương Vĩnh Long”. |
Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin