Theo đặc phái viên TTXVN, tối 8/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã về đến Sân bay Quốc tế Nội Bài, Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Nhật Bản và dự Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 23 theo lời mời của Thủ tướng Shinzo Abe.
Theo đặc phái viên TTXVN, tối 8/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã về đến Sân bay Quốc tế Nội Bài, Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Nhật Bản và dự Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 23 theo lời mời của Thủ tướng Shinzo Abe.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại buổi họp báo. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN) |
Với 50 hoạt động trong khuôn khổ 5 ngày của chuyến thăm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có các cuộc tiếp xúc cấp cao, gặp gỡ các tổ chức chính trị, xã hội; tham dự và chủ trì một chuỗi các hoạt động xúc tiến đầu tư và có bài phát biểu mở đầu Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 23.
Trong các hoạt động tiếp xúc cấp cao, sự kiện mang nhiều ý nghĩa nhất của chuyến thăm; đồng thời thể hiện sự coi trọng đặc biệt của nhân dân Nhật Bản đối với Việt Nam và cũng khắc họa sâu đậm tình hữu nghị hai nước là cuộc tiếp kiến Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng Phu nhân.
Cuộc tiếp kiến được bố trí tại một địa điểm thân mật trong Hoàng Cung và diễn ra dài gần gấp đôi so với thời gian dự kiến trong sự trọng thị và cảm kích của Nhà Vua, Hoàng Hậu và Hoàng gia Nhật Bản.
Bên cạnh đó là thành công trọn vẹn của cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với người đồng cấp Shinzo Abe với nhiều định hướng hợp tác chiến lược được thống nhất và hàng loạt văn kiện hợp tác giữa các bộ, ngành của Chính phủ hai nước được ký kết.
Qua hội đàm, hai người đồng cấp đã đạt nhất trí cao về những phương hướng lớn và các biện pháp cụ thể để đưa quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản phát triển toàn diện, thực chất và hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.
Hai Thủ tướng nhất trí phối hợp chặt chẽ tăng cường kết nối hai nền kinh tế trên nguyên tắc bổ sung, tương trợ lẫn nhau và cùng có lợi.
Hai bên nhất trí về việc Nhật Bản sẽ hỗ trợ triển khai các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng cao, quy mô lớn, trọng điểm quốc gia như đường bộ cao tốc Bắc-Nam, đường sắt đô thị.
Hai bên khẳng định sẵn sàng nỗ lực tạo thuận lợi về thủ tục cho phép xuất khẩu cam, quýt Nhật Bản vào Việt Nam và quả vải, nhãn Việt Nam vào Nhật Bản; thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực bảo hộ chỉ dẫn địa lý.
Thủ tướng Shinzo Abe cam kết hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực lực lượng thực thi pháp luật trên biển, trong đó có đào tạo nguồn nhân lực.
Sau hội đàm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Shinzo Abe đã chứng kiến các bộ, ngành và cơ quan hai nước trao đổi 14 văn kiện ký kết, bao gồm các công hàm trao đổi cho 4 dự án vốn vay ODA trị giá 100,3 tỷ yen (hơn 900 triệu USD).
Thủ tướng cũng đã hội kiến Chủ tịch Thượng viện, Hạ viện Nhật Bản; tiếp lãnh đạo các chính đảng (đảng Cộng sản, đảng Công Minh, đảng Dân tiến), tiếp Thống đốc các tỉnh Kanagawa, Aichi, Shiga, Osaka; tiếp các tổ chức của Nhật Bản (Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản-JICA, Liên minh nghị sỹ Mekong-Nhật Bản); thăm hỏi, nói chuyện với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản; thăm cơ sở sản xuất của doanh nghiệp Nhật Bản tại Osaka, gặp gỡ cán bộ, nhân viên Tổng lãnh sự quán và đại diện cộng đồng người Việt Nam ở Osaka…
Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 23 được các đại biểu và báo chí Nhật Bản, truyền thông quốc tế đánh giá cao, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh thực tế lịch sử cho thấy dù chúng ta ủng hộ hay không ủng hộ toàn cầu hóa thì đó vẫn là xu thế tất yếu.
Toàn cầu hóa không chỉ là một tiến trình kinh tế mà còn là sự phản ánh những khát vọng vươn xa, những mưu cầu hạnh phúc và chinh phục thử thách của loài người.
Thủ tướng cho rằng điều kiện để các quốc gia đều có thể vươn lên là các bên phải tôn trọng các nguyên tắc chung được quốc tế thừa nhận. Nguyên tắc đó là tự do, bình đẳng, không có sự phân biệt tôn giáo, tín ngưỡng, màu da, sắc tộc hay giới tính.
Chuỗi hoạt động xúc tiến đầu tư là thành tựu hết sức quan trọng trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mà nổi bật là Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam quy mô lớn nhất từ trước đến nay với khoảng 1.600 đại biểu là các doanh nghiệp, nhà đầu tư tham dự.
Tại hội nghị này, nhắc lại lời của Thủ tướng Shinzo Abe trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 1/2017 rằng “dòng sông Hồng hùng vĩ chảy xuyên suốt qua Hà Nội hướng ra Biển Đông tới Biển Hoa Đông rồi nối dòng với vịnh Tokyo.
Không gì có thể ngăn nổi tự do qua lại trên dòng chảy này,” trước các nhà đầu tư, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định không gì có thể ngăn cản được một kỷ nguyên mới thân tình, gần gũi, tin cậy trong hợp tác phát triển giữa hai nước.
Thủ tướng bày tỏ hy vọng sẽ có làn sóng đầu tư mới từ Nhật Bản vào Việt Nam.
Trong chuyến thăm này của Thủ tướng, các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp đã ký 43 văn kiện hợp tác trị giá trên 22 tỷ USD.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Nhà máy của Tập đoàn Nidec. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN) |
Trong chuỗi hoạt động xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản, Thủ tướng có các cuộc tọa đàm, đối thoại với hàng loạt tập đoàn, doanh nghiệp, trong đó có các thành viên Liên minh Kinh tế Nhật Bản (Keidanren) và hàng loạt cuộc làm việc, gặp gỡ, tọa đàm, đối thoại với các tập đoàn của Nhật Bản, trực tiếp giải đáp các vấn đề doanh nghiệp quan tâm.
Thủ tướng nhấn mạnh thông điệp đây là thời điểm “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” cho các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam.
Chuyến thăm chính thức Nhật Bản và dự Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 23 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ góp phần mở ra một tầm cao mới trong quan hệ đối tác hợp tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản./.
Theo TTXVN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin