Đại biểu mang nhiều tâm nguyện của cử tri đến kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV

08:05, 22/05/2017

Hôm nay (22/5), kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV chính thức khai mạc tại Hà Nội với nhiều nội dung quan trọng được cử tri cả nước trông đợi.

 

Hôm nay (22/5), kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV chính thức khai mạc tại Hà Nội với nhiều nội dung quan trọng được cử tri cả nước trông đợi.

Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV chính thức khai mạc tại Hà Nội sáng nay (22/5). (Ảnh minh họa).
Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV chính thức khai mạc tại Hà Nội sáng nay (22/5). (Ảnh minh họa).

Nhiều mong muốn của cử tri được gửi gắm qua Đại biểu Quốc hội trước thềm kỳ họp cho thấy, cử tri đặc biệt quan tâm tới vấn đề tham nhũng, lãng phí; công tác xây dựng luật; báo cáo giám sát tối cao về an toàn vệ sinh thực phẩm; và vẫn là câu chuyện qua nhiều kỳ họp chưa giải quyết được, đó là “được mùa mất giá”, "được giá mất mùa".

Kỳ họp lần này này diễn ra ngay sau khi Hội nghị Trung ương 5 kết thúc với việc ban hành 3 Nghị quyết quan trọng đối với phát triển kinh tế xã hội của đất nước và xem xét xử lý cán bộ.

Tiếp xúc cử tri, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn, đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho biết, thông qua đại biểu Quốc hội, cử tri thành phố gửi gắm đến kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV nhiều nội dung tầm vĩ mô và cả những nội dung liên quan trực tiếp đến người dân. Đó là tình trạng chạy chức chạy quyền, cải cách hành chính, tinh giản biên chế, vấn đề án treo, vấn đề cải tạo các chung cư xuống cấp. Cùng với cử tri cả nước, cử tri thành phố Hà Nội cũng đặc biệt quan tâm tới các nội dung về phòng chống tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng.

Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn cho biết: “Cử tri mong muốn được Quốc hội lắng nghe và có những quyết sách. Hầu hết những ý kiến đó tập trung vào chống tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng. Như chúng ta biết, trước đây có nhiều vụ án chống tham nhũng được giải quyết nhưng tỷ lệ tiền thu hồi được từ việc chống tham nhũng đó chỉ được khoảng 8% rất là thấp so với thực tế mà chúng ta mất mát. Và so với các nước trong khu vực chúng ta cũng rất thấp".

Là kỳ họp giữa năm, nên tại lần họp này, Quốc hội sẽ dành phần lớn thời gian cho công tác xây dựng pháp luật. Quốc hội dự kiến sẽ xem xét, thông qua 13 dự án luật, 5 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến về 5 dự án luật khác.

Đại biểu Phạm Tất Thắng, đoàn Vĩnh Long cho rằng, tình trạng tham nhũng còn có nguyên nhân từ việc quy định chưa chặt chẽ của Luật phòng chống tham nhũng hiện hành. Dù đã quy định khá cụ thể các đối tượng phải công khai tài sản, thu nhập trong quá trình làm hồ sơ ứng cử, đề cử và kê khai bổ sung tài sản hàng năm ở các cơ quan, đơn vị, song thực tế việc làm này còn khá mang tính hình thức. Do đó, cần thiết phải sớm sửa đổi luật Phòng chống tham nhũng hiện hành.

“Tôi thấy kê khai cũng không có hướng dẫn cụ thể và cũng không có yêu cầu để kiểm soát được việc kê khai đó. Kê khai đấy cũng chỉ mang tính tự giác và cơ quan nhận để biết chứ không có thẩm tra, đối chiếu và đặc biệt là không có quy định cụ thể để kiểm soát chúng ta xử lý, sử dụng được kê khai đó vào trong phòng chống tham nhũng" - đại biểu Phạm Tất Thắng bày tỏ.

Tại kỳ họp này, Quốc hội cũng dự kiến dành khoảng 6 ngày rưỡi để xem xét, thảo luận và quyết định về các vấn đề như các báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015; việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành Tiểu dự án để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Đặc biệt quan tâm đến báo cáo Quốc hội giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016, đại biểu Đôn Tuấn Phong, đoàn An Giang cho rằng: “Quan tâm đến phản ánh những vấn đề cử tri nêu qua các cuộc tiếp xúc cử tri. Đặc biệt, đối với đồng bằng Sông Cửu Long và tỉnh An Giang. Đó là vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, đây là vấn đề kéo dài, nhân dân muốn tiếp cận đến nguồn thực thực phẩm an toàn. Tôi biết lần này Quốc hội có báo cáo giám sát tối cao về an toàn vệ sinh thực phẩm giai đoạn 2011-2016, hy vọng có nhiều thông tin báo cáo với cử tri".

Qua tiếp xúc cử tri, các đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, cử tri quan tâm nhiều về vấn môi trường sống và môi trường sản xuất nông nghiệp. Bởi tình trạng ô nhiễm diễn ra từ các khu công nghiệp khiến nhiều diện tích nông nghiệp không thể sản xuất được. Tình trạng “cát tặc” vẫn diễn ra như thách thức chính quyền. Bên cạnh đó, câu chuyện được mùa mất giá, được giá mất mùa vẫn tiếp tục tái diễn, mới nhất là tình trạng giá thịt lợn trong nước giảm sâu, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi.

Đại biểu Ngô Sách Thực, đoàn Bắc Giang nêu quan điểm: “Câu chuyện “được mùa mất giá” nguyên nhân sâu xa, ý kiến nguyện vọng của người dân rất đúng, nhưng chúng tôi thấy hiện nay cần phải đổi mới, thúc đẩy mạnh hơn, sâu hơn về tái cơ cấu nông nghiệp. Đây là câu chuyện nếu chúng ta vẫn áp dụng phương thức sản xuất hộ như hiện nay thì câu chuyện không chỉ đối với con lợn, hay quả này, quả khác mà nó còn tiếp tục diễn ra ở các lĩnh vực khác nữa. Do đó, cần có quy hoạch và đẩy mạnh chuyển đổi phương thức sản xuất, đồng thời Chính phủ, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần phải ký chương trình phối hợp xuất khẩu đối với các thị trường chúng ta quan hệ có tiềm năng”. 

Những câu chuyện thời sự, những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của cử tri luôn được đại biểu chắt lọc và mang đến nghị trường Quốc hội. Hy vọng các đại biểu Quốc hội sẽ phát huy tinh thần trách nhiệm trước dân, góp phần làm cho cơ quan dân cử thực sự là nơi người dân có thể gửi gắm niềm tin và nguyện vọng của họ./.

Theo Lại Hoa- Nguyên Nhung/VOV-Trung tâm Tin

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh