Về thăm chiếc nôi của cách mạng Vĩnh Long

05:02, 03/02/2017

Ngày 3/2/1930, Nguyễn Ái Quốc khai mạc hội nghị tại Hương Cảng (Trung Quốc), thống nhất tổ chức đảng của 3 miền, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam thì nội trong tháng 2/1930, Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng ở Ngã tư Long Hồ chuyển thành Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ngày 3/2/1930, Nguyễn Ái Quốc khai mạc hội nghị tại Hương Cảng (Trung Quốc), thống nhất tổ chức đảng của 3 miền, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam thì nội trong tháng 2/1930, Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng ở Ngã tư Long Hồ chuyển thành Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam.

Từ đó, Chi bộ Ngã tư Long Hồ hoạt động mạnh mẽ, mà căn cứ chủ yếu là dựa vào địa hình Rừng Dơi, cạnh xóm Kỳ Hà, thuộc địa phận ấp Phước Trinh B (xã Long Phước) giáp ấp An Thạnh (xã Phú Đức) ngày nay.

Đường về Ngã tư Long Hồ hôm nay.
Đường về Ngã tư Long Hồ hôm nay.

Truyền thống cách mạng

Khi 3 tỉnh miền Tây Nam Kỳ rơi vào tay giặc Pháp thì các cuộc khởi nghĩa trong vùng nổi dậy mạnh mẽ, như: Phan Tôn, Phan Liêm, Lê Công Thành Nguyễn Xuân Phụng, Trần Tấn Kế... và tiếp theo là phong trào yêu nước của Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh đã ảnh hưởng rất lớn đến nhân dân An Đức (tức xã Phú Đức, xã Long An và thị trấn Long Hồ ngày nay).

Ở An Đức, các cuộc đấu tranh tự phát chống lại thực dân Pháp và bọn địa chủ diễn ra nhiều dạng như: trốn thuế, bắt trâu bò lội càn trong ruộng mạ, ruộng lúa của bọn địa chủ, tháo đập thuốc cá ở đìa bọn địa chủ...

Có những lúc lòng căm tức của nông dân biến thành những cuộc đấu tranh trực diện, như cuộc đấu tranh của các ông: Trần Văn Trọng (Bảy Trọng), Phan Văn Chiêu, Nguyễn Văn Nhỏ, Phan Văn Hây (Hai Nghị)...

Về sau, phong trào chuyển hướng tập trung đấu tranh chống sưu cao, thuế nặng, chống cai trị khắc nghiệt, đòi tự do dân chủ, đòi giảm tô.

Tuy vậy, các phong trào nêu trên chỉ mang tính tự phát, chỉ mang lại kết quả ở mức độ nhất định, vì thiếu một đường lối cách mạng đúng đắn. Sự đòi hỏi có một chính Đảng với một đường lối cách mạng để lãnh đạo nhân dân đã trở thành một yêu cầu cấp bách mang tính tất yếu của lịch sử.

Sau khi Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên (VNCMTN) được thành lập, tháng 6/1927, đồng chí Nguyễn Văn Côn (người Gò Công) được Kỳ ủy Hội VNCMTN ở Sài Gòn phân công về Vĩnh Long để gầy dựng cơ sở hội.

Đồng chí Côn tìm gặp Nguyễn Văn Thiệt người làng Long An, trước đây học ở Sài Gòn, có tham gia phong trào sinh viên học sinh. Nguyễn Văn Thiệt giới thiệu 2 người bạn là Châu Văn Ký và Nguyễn Văn Đại.

Cả 3 người được đồng chí Côn tuyên truyền và kết nạp vào Hội VNCMTN, địa điểm kết nạp tại chùa Minh Sư (Phường 2- TP Vĩnh Long ngày nay). Tuy nhiên, đây mới chỉ là tổ chức thanh niên yêu nước tiến bộ, chưa phải là một tổ chức Đảng Cộng sản.

Năm 1929, sau khi Đại hội Tổng bộ Hội VNCMTN giải thể hội thì ở Bắc Kỳ thành lập Đông dương Cộng sản Đảng, Trung Kỳ thành lập Đông dương Cộng sản Liên đoàn, Nam Kỳ thành lập An Nam Cộng sản Đảng.

Tháng 8/1929, đồng chí Châu Văn Liêm đến Ngã tư Long Hồ, kết nạp 3 đồng chí: Nguyễn Văn Thiệt, Nguyễn Hữu Đức, Nguyễn Văn Nhung vào An Nam Cộng sản Đảng, đồng chí Nhung được cử làm Bí thư.

Ngày 3/2/1930, Nguyễn Ái Quốc khai mạc và chủ trì hội nghị tại Hương Cảng (Trung Quốc), thống nhất tổ chức đảng của 3 miền, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam thì nội trong tháng 2/1930, Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng ở Ngã tư Long Hồ chuyển thành Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam.

Sự kiện này đánh dấu mốc son lịch sử, chứng tỏ truyền thống yêu nước và đấu tranh lâu dài của nhân dân An Đức và Vĩnh Long nói chung được phát huy trong hoàn cảnh mới, kết hợp với lý luận chủ nghĩa Mác- Lê-nin đã dẫn đến sự ra đời Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Vĩnh Long.

Căn cứ cách mạng Rừng Dơi

Đầu thế kỷ XVIII, khi triều Nguyễn thành lập Long Hồ dinh thì ở Ngã tư Long Hồ, cư dân người Việt đã khai phá gần hết đất hoang, sống ổn định thành những xóm làng đông đúc.

Tuy nhiên vẫn còn khu Rừng Dơi- một khu rừng hoang khoảng hơn 100ha nằm giữa 2 thôn Phú Đức và Phước Hậu của quận Châu Thành. Lúc bấy giờ có khoảng 20 gia đình ở miền Trung vào khai phá một phần đất hoang ven Rừng Dơi và lập nên một xóm nhỏ.

Theo ông Đỗ Thanh Hồng- Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Long Hồ- thì: “Lúc đầu xóm nhỏ ấy chưa có tên. Khoảng 2 năm sau, có một nhóm người thứ hai ở miền Trung tìm đến Ngã tư Long Hồ và hỏi thăm: “Có ai biết những người quê ở Kỳ Hà 2 năm trước vào đây sống ở đâu không?” và có người chỉ đường vào xóm nhỏ ấy.

Những người đồng hương Kỳ Hà gặp nhau ở vùng đất mới, tay bắt mặt mừng. Những người đi sau cùng ở lại khai phá vùng đất hoang Rừng Dơi. Từ đó người dân ở khu vực Ngã tư Long Hồ mới biết những người nơi xóm nhỏ ấy là những người quê ở Kỳ Hà (một vùng quê ở tỉnh Quảng Nam) và xóm nhỏ ấy từ đó được mọi người gọi là xóm Kỳ Hà”.

Sau khi Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập ở Ngã tư Long Hồ, chi bộ đã chọn Kỳ Hà- Rừng Dơi làm căn cứ hoạt động. Nhiều cuộc họp, nhiều cuộc mít tinh diễn thuyết được tổ chức ở Rừng Dơi, cạnh xóm Kỳ Hà.

Đây cũng là ngôi làng có nhiều đảng viên Đảng Cộng sản đầu tiên sau khi Chi bộ Ngã tư Long Hồ chia thành 7 chi bộ nhỏ, cũng như gắn bó với nhiều sự kiện lịch sử lớn của tỉnh Vĩnh Long. Xóm Kỳ Hà vốn có truyền thống yêu nước và truyền thống cách mạng, nên Rừng Dơi được chọn làm chỗ dựa, nơi đứng chân của Chi bộ Ngã tư Long Hồ ngay từ những ngày đầu thành lập.

Tháng 3/1930, chi bộ đã tổ chức một cuộc mít tinh và trong thời gian hoạt động bí mật, nhiều cuộc họp của Chi bộ Ngã tư Long Hồ cũng diễn ra ở đây. Từ đó, căn cứ cách mạng Rừng Dơi gắn liền với cuộc đấu tranh chống Pháp, chống Mỹ cho đến ngày thắng sau cùng, cùng với sự lớn mạnh từ chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Vĩnh Long.

Làng Kỳ Hà vẫn còn đó là một xóm nhỏ thanh bình nằm bên con rạch Cái Cau, có ngôi đình khá đặc biệt thờ các vị Tiền hiền, Hậu hiền, có Giỗ Tổ Hùng Vương và thờ tượng Bác Hồ nơi chánh điện.

Còn Rừng Dơi giờ đã là những ruộng lúa xanh rì, xen lẫn nhiều sắc màu của hoa trái, ruộng rẫy. Nhưng địa danh Rừng Dơi vẫn còn đọng mãi trong lòng người dân Vĩnh Long

Mỗi khi nhắc đến Rừng Dơi, các cụ cao niên luôn kể về những kỷ niệm của những tháng năm theo Đảng đấu tranh chống giặc kiên cường, nhắc lại những cuộc mít tinh ở Rừng Dơi, nhớ về Chi bộ Ngã tư Long Hồ- Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Vĩnh Long, như niềm tự hào về chiếc nôi cách mạng ở quê hương Long Hồ.

Trích bài diễn văn của Đảng Cộng sản Đông dương do ông Năm Diêu ở xóm Kỳ Hà viết tay

“Bài diễn văn của Đảng Cộng sản Đông dương kêu gọi toàn thể các dân tộc Đông dương hồi năm 1936 được Đảng Cộng sản tổ chức mít tinh đọc tại Rừng Dơi

- Hỡi Đồng bào Việt Nam

- Hỡi Dân chúng Cao Miên, Ai Lao

- Hỡi Dân chúng Hoa kiều

Hãy thức tỉnh dậy đánh đổ Đế quốc Pháp, bọn vua chúa, bọn Hán- Việt gian làm chó săn cho Đế quốc, để lập Chánh phủ Cộng hòa Dân chủ chống Phát xít Nhật xâm lược, giữ lấy Đông dương...”

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh