Chuyện kết nạp Đảng trong... tù

05:02, 03/02/2017

Để được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng, đòi hỏi lực lượng quần chúng phải không ngừng nỗ lực phấn đấu. Còn đối với những chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày thì phải nỗ lực gấp bội bởi họ không chỉ thể hiện tinh thần kiên trung bất khuất trong tù mà còn phải lập được chiến công.

Để được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng, đòi hỏi lực lượng quần chúng phải không ngừng nỗ lực phấn đấu. Còn đối với những chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày thì phải nỗ lực gấp bội bởi họ không chỉ thể hiện tinh thần kiên trung bất khuất trong tù mà còn phải lập được chiến công.

Hội NTKC các cấp đến tham quan mô hình trồng dừa của ông Út Thanh (thứ 3 bên phải).
Hội NTKC các cấp đến tham quan mô hình trồng dừa của ông Út Thanh (thứ 3 bên phải).

Diệt ác lập công

Những ngày đầu xuân, chúng tôi theo chân Hội Người tù kháng chiến (NTKC) đến thăm ông Nguyễn Út Thanh (Ấp 7, xã Tân An Luông- Vũng Liêm).

Hôm chúng tôi đến, gia đình ông đang chỉnh trang nhà cửa và xây hàng rào, nhưng khi hay tin có bạn tới thăm là ông hăm hở đón tiếp. Từ 4 giờ sáng, ông đã chuẩn bị món bò nấu la-gu để đãi đồng đội vì biết mọi người rất thích món ăn đã làm nên “thương hiệu” của ông.

Dù đã hơn 40 năm trôi qua, nhưng ký ức về một thời lửa đạn và sự đấu tranh kiên trung bất khuất chốn lao tù như chỉ mới là... ngày hôm qua. Với ông Út Thanh, những tháng ngày “hạt muối chia đôi, tấm chăn sẻ nửa” đã càng làm thắt chặt nghĩa tình đồng đội.

Năm 1963, khi mới 16 tuổi, chàng thanh niên tên Út Thanh tham gia cách mạng làm du kích xã, sau được rút về làm Tiểu đội phó thuộc Tiểu đoàn 306. Tháng 6/1968, trong một trận đánh từ Xa cảng miền Tây vô chiếm Quận 5 (Sài Gòn), ông đã bị bắt và giam ở Biệt khu Thủ đô.

Sau đó, chúng đưa ông tới trại giam Biên Hòa rồi đày ra nhà tù Phú Quốc. Tại đây, ông đã cùng đồng đội tiếp tục đấu tranh ở mặt trận mới- trong nhà tù.

Ông Út Thanh kể, lúc đó Đảng ủy nhà lao thành lập rất nhiều chi bộ và hoạt động rất mạnh. Vào ngày tết, mỗi phòng đều có bàn thờ Tổ quốc và cờ mặt trận. Phương châm của anh em trong tù ngày ấy là “đương đầu với giặc, trung thành với cách mạng, nhiệt tình với đồng đội”.

Thời điểm đó, địch đưa những tên đầu hàng giặc trà trộn vào để moi thông tin. Trong đó, có một người tên Tây được phân công làm Phó Tổng đại diện Phân khu B4.

Sau 3 tháng tới lui, cùng ca bài ca cách mạng và kể chuyện tiếu lâm với anh em tù binh, nhưng bên trong tên Tây tố giác cán bộ mình, cứ nửa tháng hoặc 20 ngày, chúng kêu tên khoảng 12- 15 người đi thẩm vấn, nhưng chẳng thấy ai về, một số người bị thủ tiêu, một số bị đưa đi giam ở khu khác.

Lúc đó, Đảng ủy nhà lao xác định, nếu không tiêu diệt tên Tây thì sẽ có thêm nhiều đồng đội hy sinh. Với vai trò là đội trưởng đội xung kích, ông Út Thanh được phân công cùng 2 anh em tiêu diệt tên Tây.

Về phía tên Tây, sau khi tố giác nhiều người, hắn ít tới lui phòng, nên phải nhờ người nhắn hắn xuống phòng gặp đồng hương. Khi hắn tới nơi thì một người biết thế võ đã “hốt” hắn lật nhào xuống. Lúc đó, ông Út Thanh cùng đồng đội mới tiêu diệt được hắn.

Mở đường chiến dịch diệt ác và đứng vào hàng ngũ của Đảng

Chiến công của ông Út Thanh cùng đồng đội đã mở ra chiến dịch diệt ác chiêu hồi trong nhà giam. Tuy nhiên, ông lại bị chúng nhốt chuồng cọp và bỏ đói.

Chúng dùng đủ hình phạt tra tấn ông, như nướng kẽm gai để dùi vô đùi, đến nay vẫn còn vết thẹo sâu hoắm. Đưa cho chúng tôi xem đôi bàn tay và chân với những chiếc móng bị bầm nát, ngả màu vàng ố, ông Út Thanh nói, chúng để tay ông ở cạnh bàn rồi đập giập từng đầu móng và đập văng cả 2 móng chân cái...

Trước tình hình đó, anh em tù binh trong phân khu B4 đấu tranh tuyệt thực yêu cầu trả những người bị bắt về phân khu. Với áp lực lớn từ sự đấu tranh trong nhà tù, chúng trả ông Út Thanh cùng một số người về phân khu.

Tuy nhiên, vết thương của ông đã bị làm độc và không đi được, anh em tù binh phải giả bệnh để xin thuốc về chữa trị cho ông.

Từ chiến công tiêu diệt tên Tây, ông Út Thanh được phân công làm Đội trưởng đội diệt ác, tham gia phong trào đấu tranh tập thể và đào hầm vượt ngục. Điều làm ông tự hào nhất là vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng.

Ông kể: Lễ kết nạp Đảng chỉ có một nhóm tối đa là 3- 4 người (để tránh bị phát hiện), tranh thủ sau giờ lao động chúng tôi ngồi nói chuyện với nhau nhưng thật ra là chúng tôi vẫn làm đủ lễ và có tuyên thệ trước cờ Đảng (được vẽ trên cát). Tuy đơn sơ, nhưng tinh thần quyết tâm rất cao.

Đầu năm 1973, khi Hiệp định Paris được ký kết trao đổi tù binh, ông được trao trả về sông Thạch Hãn (Quảng Trị) và đưa đi ra Bắc an dưỡng rồi đi học. 2 năm sau ngày giải phóng, ông phục viên với cấp hàm thượng sĩ.

Về quê nhà, ông tiếp tục phát huy vai trò đảng viên ở địa phương vừa tập trung khai khẩn đất nhà phát triển kinh tế gia đình vừa tham gia công tác tại địa phương với nhiều chức vụ khác nhau, trong đó có 2 nhiệm kỳ làm phó chủ tịch HĐND xã. Từ năm 2005, ông về hưu và lo làm kinh tế vườn.

Đến nay, ông Út Thanh đã gần 50 năm tuổi Đảng, ông luôn nhắn nhủ con cháu biết sống tình nghĩa với làng xóm với đồng đội. “Đặc biệt, tôi mong lớp trẻ ngày nay phải hơn lớp người đi trước về mọi mặt để xứng đáng là người đảng viên trong thời kỳ mới”- ông Út Thanh nói.

 

 

Ông Huỳnh Tấn Phước- Chủ tịch Hội NTKC tỉnh: Ông Út Thanh là một trong những nhân chứng sống động của lịch sử và là đảng viên trẻ đã trưởng thành từ trong nhà tù lúc đó. Trở về đời thường, ông phát huy tinh thần tiên phong, gương mẫu của đảng viên nơi cư trú rất cao, là tấm gương sáng cho lớp trẻ.

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh