Hồi ức về cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 ở Huế

12:01, 28/01/2017

Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 đã đi vào lịch sử dân tộc, như một bản anh hùng ca sáng chói.

Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 đã đi vào lịch sử dân tộc, như một bản anh hùng ca sáng chói.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân - 1968 ở Huế đi vào lịch sử dân tộc như bản anh hùng ca. Trận đánh này mở ra một bước ngoặt chiến lược, có ý nghĩa quyết định trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta.

Quân đội ta tiến vào thành nội Huế Tết Mậu Thân 1968. (Ẩnh tư liệu)
Quân đội ta tiến vào thành nội Huế Tết Mậu Thân 1968. (Ẩnh tư liệu)

Đã gần nửa thế kỷ trôi qua, ông Nguyễn Trung Chính, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế, nguyên thành ủy viên, Bí thư quận 1 - Huế năm 1968, vẫn không thể nào quên một thời kỳ oanh liệt.

Ông Chính nhớ lại, trong chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Huế là một trong ba chiến trường đô thị trọng điểm để thực hiện tiến công chiến lược bẻ gãy ý chí xâm lược của kẻ thù. Vì thế khâu chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Vũ khí được bí mật đưa vào nội thành bằng xe lam, theo các gánh hàng trái cây hoặc giấu dưới những chiếc thuyền hai đáy. Việc tổ chức dẫn đường, lực lượng tham gia nổi dậy cũng được chuẩn bị sẵn sàng.

Đêm 30 Tết Mậu Thân, bộ đội ta từ khắp nơi đồng loạt tiến vào thành phố Huế tấn công địch ở cả cánh nam, cánh bắc thành phố Huế, nhanh chóng chiếm giữ các mục tiêu quan trọng khiến địch bất ngờ. Chỉ trong một ngày đêm, quân và dân ta đã hoàn toàn làm chủ thành phố Huế, cờ giải phóng bay trên cột cờ Phu Văn Lâu suốt 26 ngày đêm.

Sau thắng lợi lịch sử này, nhân dân Trị Thiên Huế được Đảng và Nhà nước trao tặng 8 chữ vàng “Tấn công, nổi dậy, anh dũng, kiên cường”.

Ông Nguyễn Trung Chính nhớ lại: “Lực lượng nổi dậy được tỉnh chuẩn bị từ cấp thành phố xuống cấp cơ sở. Cấp thành phố thực hiện chủ trương Trung ương, tỉnh tạo điều kiện để hình thành liên minh lực lượng các dân tộc dân chủ và hòa bình. Tháng 7, 8/1967 đã chuẩn bị như vậy. Đây là tổ chức tiêu biểu ngoài Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam để tập hợp đông đảo quần chúng nhân… để tập kích chiến lược giành thắng lợi”.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 đã đi vào lịch sử dân tộc, như một bản anh hùng ca sáng chói. Người dân Cố đô Huế không thể quên hình ảnh và tinh thần chiến đấu kiên cường của những người con gái trong tiểu đội “11 cô gái sông Hương”.

Hình ảnh 11 cô gái sông Hương là minh chứng sinh động về ý chí và sức mạnh của “thế trận lòng dân”. (Ảnh tư liệu)
Hình ảnh 11 cô gái sông Hương là minh chứng sinh động về ý chí và sức mạnh của “thế trận lòng dân”. (Ảnh tư liệu)

Theo tiếng gọi của Tổ quốc, các chị lên đường nhập ngũ vào cái tuổi mười tám, đôi mươi. Trong chiến dịch Xuân 1968, các chị được giao nhiện vụ tải thương, dẫn đường cho bộ đội chủ lực mở cuộc tiến công địch ở phía nam thành phố Huế.

Đêm 30 Tết năm đó, các chị chia làm ba tổ dẫn ba cánh quân vào thành phố đánh chiếm nhiều mục tiêu quan trọng. Ngày 12 Tết, địch tổ chức phản công, tiểu đội “11 cô gái sông Hương” cùng với bộ đội chủ lực đã tổ chức đánh phản kích, đẩy lùi một tiểu đoàn thủy quân lục chiến Mỹ, bắn cháy nhiều xe tăng, tiêu diệt hàng trăm tên địch. Trong trận đánh đó, 4 chị anh dũng hy sinh.

Bà Hoàng Thị Nở, thành viên của tiểu đội du kích “11 cô gái Sông Hương” tâm sự: Mỗi khi nhắc đến, hạnh phúc trào dâng vì chiến thắng nhưng lại tiếc thương các đồng đội đã ngã xuống.

“Khi các đơn vị chủ lực đánh vào Huế xong thì đi làm nhiệm vụ nơi khác, khi đó Tiểu đoàn Thủy quân lục chiến của Mỹ từ Phú Bài đánh lên, nhiệm vụ của tiểu đội chiến đấu lúc đó cùng phối hợp với các đơn vị chủ lực. Tổ bộ đội chủ lực bắn B40 chiếc đầu tiên, chiếc thứ 2, chiếc thứ 3, bộ binh trong xe tăng nhảy xuống xông vào trận địa mình. Khi đó chị em chiến đấu luôn, bắn liên tục, địch chạy tán loạn”, bà Hoàng Thị Nở kể.

Những ngày giáp Tết, ông Nguyễn Đức Thuận, ở phường Phước Vĩnh, thành phố Huế, trinh sát của đơn vị K8, lại tìm về thắp hương tưởng nhớ đồng đội tại bia tưởng niệm liệt sĩ ở làng Phước Yên, huyện Quảng Điền. Ông Thuận cho hay: mùa Xuân năm 1968, Tiểu đoàn 8 (K8) thuộc Trung đoàn 3, Sư đoàn 324B được điều động trợ lực cho chiến trường Huế, thực hiện nhiệm vụ chính ở Thành Nội và tham gia giữ cửa An Hòa. Đến cuối tháng 4/1968, đơn vị K8 rút về làng Phước Yên, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền với nhiệm vụ kìm chân địch, bảo vệ vùng giải phóng.

Tại đây, địch đã đổ 7 tiểu đoàn bao vây. Với tinh thần quả cảm, cán bộ và chiến sĩ K8 đã kiên cường chiến đấu và mở đường máu vượt qua vòng vây của địch. Hàng trăm chiến sĩ đã anh dũng hy sinh.

Chiến dịch Mậu Thân năm 1968 ở Huế đã làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh, chịu ngồi vào bàn đàm phán với ta tại Hội nghị Paris năm 1973.

Theo ông Nguyễn Đức Thuận, trong chiến dịch Mậu Thân tất cả chiến trường miền nam đồng loạt nổi dậy, thời cơ chọn vào đêm giao thừa. Tuy là Tết cổ truyền của dân tộc nhưng do điều kiện lịch sử chiến tranh, vận mệnh của đất nước cho nên phải lợi dụng giao thừa để nổi dậy tấn công từ Sài Gòn đến Huế. “Riêng Huế nổi dậy tốt, tấn công tốt, làm chủ 26 ngày đêm, làm thay đổi cục diện của chiến trường buộc đế quốc Mỹ phải chấp nhận ngồi lại đàm phán hiệp định Paris”, ông Thuận nhấn mạnh.

Nửa thế kỷ trôi qua nhưng cuộc tổng tấn công nổi dậy Xuân 1968 ở Huế mãi mãi khắc sâu vào lịch sử dân tộc Việt Nam.

Theo Lê Hiếu/VOV-Miền Trung

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh