"Đảng đã cho ta sáng mắt sáng lòng"…

07:01, 26/01/2017

Lời bài ca giản dị như tấm lòng tác giả: "Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng/ Trước như tuổi thơ tôi nào biết đường/ Máu tôi đỏ và tim tôi yêu nước/ Tôi chỉ biết là đêm tối mênh mông".

 

 

“Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân...

 

Mỗi con người đều có thiện và ác ở trong lòng. Ta phải biết làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi, đó là thái độ của người cách mạng...”(3).

HỒ CHÍ MINH

 

((3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr. 510, 557- 558)

 

Mỗi khi nghe lại bài ca: “Đảng đã cho ta sáng mắt sáng lòng”, của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Với những âm điệu đầy trữ tình, đằm thắm, thì hẳn khó ai mà quên những năm tăm tối của dân tộc ta từ khi chưa có Đảng, chưa có cái tên trên bản đồ thế giới, mà thế giới chỉ quen gọi ta là xứ An Nam.

Lời bài ca giản dị như tấm lòng tác giả: “Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng/ Trước như tuổi thơ tôi nào biết đường/ Máu tôi đỏ và tim tôi yêu nước/ Tôi chỉ biết là đêm tối mênh mông”.

“Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng/ Đảng ta ơi, cám ơn người dạy dỗ/ Từ đây lòng tôi sướng vui đau khổ/ Và tình yêu căm giận hóa lời ca/ Đảng cho tôi màu sắc nước non nhà/ Đảng của tôi ơn, người đã cho tôi sáng mắt sáng lòng”.

Ngày 31/8/1858 thực dân Pháp trên con đường đi tìm thuộc địa mới đã chọn Đà Nẵng làm nơi đầu tiên nổ súng xâm chiếm đất Việt Nam. Rồi 3 năm sau đó, năm 1861 thực dân Pháp đánh đại đồn Chí Hòa, chiếm được thành Sài Gòn, rồi lan ra cả Nam Kỳ, sau đó là Hà Nội và cả miền Bắc rơi vào chủ nghĩa thực dân cũ của người Pháp từ năm 1873, sau cuộc viễn chính Bắc Kỳ lần thứ I.

Trải qua một quá trình dài từ khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta, nhân dân Sài Gòn và miền Nam cùng cả nước đã đứng lên, từ những vũ khí thô sơ nhất, với hàng triệu người dân đã đổ máu, hy sinh, để bảo vệ cho nền độc lập, dân tộc.

Từ trong những năm dài trong nô lệ, người dân Việt và cách mạng Việt Nam dù luôn bị thực dân, đế quốc luôn thực hiện nhiều chính sách đàn áp dã man, tàn bạo, song luôn đứng trước nhiều phong trào yêu nước: Phong trào Cần Vương, với sự chấm dứt của cuộc khởi nghĩa Phan Đình Phùng, rồi kế đến Phong trào nông dân của Yên Thế do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo; Phong trào Duy Tân của Phan Chu Trinh, Phong trào yêu nước của Phan Bội Châu, cũng như các cuộc nổi dậy của Lương Văn Can, rồi Nguyễn Thái Học… song tất cả đều đi vào thế thất bại, không có lối ra… Việt Nam vẫn chìm đắm trong vòng nô lệ.

Vượt qua những chí sĩ đương thời, cùng với những người yêu nước đương thời tiếp tục con đường cứu nước, ngày 5/6/1911 Nguyễn Tất Thành đã từ Bến Nhà Rồng ra đi tìm con đường cứu nước.

Vượt qua nhiều phong ba bão táp từ nhiều châu lục, nhiều phong trào cách mạng trên thế giới, Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc từ năm 1921 đã tiếp thu và ra sức truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, chuẩn bị về lý luận, tư tưởng cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ngày 3/2/1930 tại Hương Cảng (Trung Quốc) lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị hợp nhất 3 tổ chức Đảng (Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Liên Đoàn), để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Hội nghị hợp nhất các tổ chức Cộng sản ở Việt Nam thành một Đảng duy nhất- Đảng Cộng sản Việt Nam- theo một đường lối chính trị đúng đắn, tạo ra sự thống nhất về tư tưởng chính trị và hành động của cách mạng Việt Nam, hướng tới mục tiêu độc lập dân tộc và Chủ nghĩa xã hội.

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là kết quả tất yếu của cuộc đấu tranh dân tộc, đấu tranh giai cấp, là sự khẳng định vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân Việt Nam và hệ tư tưởng Mác - Lê-nin đối với cách mạng Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam, đánh dấu mốc son chói lọi trong tiến trình lịch sử của dân tộc ta.

Sự ra đời của Đảng là sản phẩm sự kết hợp của Chủ nghĩa Mác - Lê-nin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước của cách mạng Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân trọn vẹn nhất cho sự kết hợp đó, là tiêu biểu sáng ngời cho sự kết hợp giai cấp và dân tộc, dân tộc và quốc tế, độc lập dân tộc với Chủ nghĩa xã hội.

87 năm qua, vượt qua vô vàn phong ba, bão táp, vượt qua bao thăng trầm trong lịch sử dân tộc ta, Đảng Cộng sản Việt Nam với ý chí “Đoàn kết - đoàn kết - đại đoàn kết” đã thu phục và kết nối bao tấm lòng cùng hướng về mục tiêu, ý chí của Đảng, tập hợp được những người con của mọi miền Tổ quốc, để đấu tranh giành thắng lợi vĩ đại từ Cách mạng Tháng Tám, rồi chiến thắng lịch sử Điện Biên phủ và Đại thắng mùa Xuân 1975, đưa đất nước ta thống nhất, hai miền Bắc-Nam được sum họp một nhà.

Cách mạng Việt Nam, từ ngày có Đảng, đi từ ý chí “Đoàn kết - đoàn kết - đại đoàn kết” đã kết nối lại thành những sức mạnh vô biên, đến nay thì uy tín của Đảng ta, đã vượt ra khỏi các nước Châu Á, Châu Âu, mà đến với gần 200 dân tộc anh em trên thế giới.

Ngay tại Đại hội XII Đảng Cộng sản Việt Nam đã có 148 đảng, các chính đảng dân tộc, các tổ chức quốc tế đã gửi điện chúc mừng Đảng Cộng sản Việt Nam và hàng trăm nhà báo quốc tế, các đoàn ngoại giao các nước đã đến tận Thủ đô Hà Nội chúng ta, để chúc mừng Đại hội XII của Đảng thành công.

Một điều chưa từng có, khác nữa, là trong năm 2015, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Đảng, đã đến thăm nước Mỹ và hội đàm với Tổng thống Mỹ tại Phòng bầu dục - Nhà trắng.

Đây là lần đầu tiên, một Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản đến thăm nước Mỹ và đã hội đàm với Tổng thống Mỹ tại ngay cơ quan quyền lực nhất của đất nước Hoa Kỳ…cùng sau đó, một loạt chuyến thăm của cấp cao Đảng, Nhà nước ta đến Mỹ - và mới đây nhất đầu tháng 11/2016 Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Đinh Thế Huynh đã thăm Mỹ và có những hoạt động liên quan đến quan hệ 2 nước trước khi nước Mỹ đi vào 4 năm nhiệm kỳ tổng thống mới.

Nói lên những điều này, để mỗi con người là dân đất Việt, từ gần 5 triệu dân đang sống, làm việc, định cư ở nước ngoài, đến những người dân trong nước, đều thấy những thành tựu mà Đảng đã lãnh đạo, tổ chức và thực hiện đưa đến trong 87 năm qua thật vĩ đại, thật thấm đẫm công lao cho từng người dân.

Điều mà như nhạc sĩ Phạm Tuyên đã cất lên lời ca - cũng là tâm niệm chung mỗi con người đất Việt: “Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng/ Đảng ta ơi, cám ơn người dạy dỗ/ Từ đây lòng tôi sướng vui đau khổ/Và tình yêu căm giận hóa lời ca”.

  • PHẠM BÁ NHIỄU
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh