Đáng chú ý, Thư chúc mừng năm mới dịp Tết Kỷ Dậu 1969 được xem như một sự tiên tri tài tình của Bác về sự nghiệp giải phóng, thống nhất đất nước
Đáng chú ý, Thư chúc mừng năm mới dịp Tết Kỷ Dậu 1969 được xem như một sự tiên tri tài tình của Bác về sự nghiệp giải phóng, thống nhất đất nước
Mừng đón Xuân Đinh Dậu 2017, trong không khí cả nước nô nức triển khai thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, chúng ta có dịp nhìn lại chặng đường hoạt động cách mạng của Bác Hồ qua các năm Dậu đầy ấn tượng. Một điều ấn tượng nữa là, trong những năm Dậu đó, Người đều có những bài báo cực kỳ đặc biệt.
9h45 ngày 6/2/1969, trong phòng khách nhỏ ở Phủ Chủ tịch, Bác Hồ đọc lời chúc mừng năm mới. Đài Tiếng nói Việt Nam đến thu thanh (Ảnh tư liệu) |
Bài báo vạch trần tội ác của thực dân Pháp
Đầu tiên, phải kể đến là năm Tân Dậu 1921. Khi đó đất nước chúng ta đang bị thực dân Pháp đô hộ với các chính sách vô cùng tàn độc, nhân dân ta phải sống trong cảnh bị áp bức cùng cực.
Là người Việt Nam yêu nước chân chính, Bác Hồ (lúc bấy giờ là Nguyễn Ái Quốc) đang sống ở nước ngoài mang trong mình ý tưởng cao cả là tìm đường cứu nước. Người đã tỏ rõ thái độ căm thù bọn thực dân, đế quốc đang ức hiếp đồng bào ta, bằng các bài viết vạch trần tội ác của chúng trên báo chí phương Tây.
Cụ thể như bài TỘI ÁC CỦA CHỦ NGHĨA THỰC DÂN, đăng trên báo La vie Ouvriève số 126, ngày 30/9/1921, có đoạn: “Ông (vị công sứ Pháp ở Bắc Bộ) đã hung bạo nắm tay đấm ba người lính bản xứ vì họ đã làm sổng một người tù, ông túm tóc kéo lê họ dưới đất, đập đầu họ vào tường tòa sứ…
Những người tù khốn khổ ăn không đủ no, áo quần rách rưới, dậy từ sáng sớm cho đến tối mịt, gông đeo cổ, xiềng to xích chân, người nọ xích vào người kia, phải kéo bánh xe lu, chiếc bánh xe lu to tướng mà họ phải lăn trên mặt đường rải đá dày.
Bị kiệt sức, họ khó nhọc lê bước dưới mặt trời nóng bỏng. Quan công sứ đến, cầm một chiếc gậy lớn theo thói quen, và với thói tàn bạo không thể tưởng tượng, y vô cớ lần lượt vung gậy đánh những người khốn khổ đó, mắng chửi họ lười biếng…” (1)
Hoặc với bài SỰ QUÁI ĐẢN CỦA CÔNG CUỘC KHAI HÓA đăng trên báo Le Libertaire ra ngày 30/9 – 7/10/1921, có đoạn: “Trên mảnh đất bằng phẳng trước kia là ruộng mối, ba cái xác chết nằm đó: em bé bị lột truồng, thiếu nữ bị mổ bụng, cánh tay trái cứng đờ giơ lên trời vô tình, bàn tay nắm chặt.
Còn xác ông cụ già thì, ghê gớm làm sao, cũng trần truồng như thế, nhưng bị thiêu cháy, nên không nhận ra hình thù được nữa, mỡ chảy lênh láng, đã đọng lại và da bụng thì phồng lên, chín vàng, óng ánh, giống như da con lợn quay vậy.
Khi chép đến đoạn này, tôi run lên, mắt mờ lệ, nước mắt chảy xuống hòa với mực. Tôi không thể nào viết được nữa… Nguyễn Ái Quốc” (2).
Bài báo trong hào quang năm Dậu
Năm Ất Dậu 1945 lại là một mốc son chói lóa. Đó là năm cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo tài tình sáng suốt của Đảng và Bác Hồ, cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám thành công, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, đánh dấu sự kiện trọng đại trong đời sống chính trị của nhân dân ta, đó là: nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chính thức có tên trên bản đồ thế giới.
Ngày 2/9/1945, thay mặt Chính phủ lâm thời, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Người khẳng định: “… Vì những lý lẽ trên, chúng tôi, Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. (3)
Ngày 10/9/1945 với bút danh CHIẾN THẮNG, Bác Hồ đã viết bài CHÍNH PHỦ LÀ CÔNG BỘC CỦA DÂN, đăng trên báo Cứu quốc, số 46. Bài báo ấy có đoạn: “… Người xưa nói: quan là công bộc của dân, ta cũng có thể nói: Chính phủ là công bộc của dân vậy.
Các công việc của Chính phủ làm phải nhắm vào một mục đích duy nhất là mưu tự do hạnh phúc cho mọi người. Cho nên Chính phủ nhân dân bao giờ cũng phải đặt quyền lợi dân lên trên hết thảy. Việc gì có lợi cho dân thì làm. Việc gì có hại cho dân thì phải tránh…” (4).
Bài báo này thể hiện quan điểm giáo dục rèn luyện cán bộ của lãnh tụ, trong điều kiện chính quyền từ Trung ương xuống cơ sở còn quá non trẻ, việc khuyên răn, chỉ bảo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với bộ máy chính quyền các cấp lúc bấy giờ thật là đáng quý biết bao.
Điều này cho thấy quan điểm trọng dân, thương dân, gần gũi với nhân dân của Người, chính tư tưởng sáng suốt này đã làm cho cách mạng Việt Nam biết dựa vào dân và phát huy sức mạnh vô địch của nhân dân để đánh bại các cường quốc xâm lược nước ta.
Trong sự nghiệp đổi mới, Đảng ta đã, đang và sẽ tiếp tục thực hiện quan điểm đúng đắn này để đưa nước ta vững bước tiến lên.
Cũng trên báo Cứu quốc số 65, ra ngày 12/10/1945, với bút danh CHIẾN THẮNG, Bác Hồ đã viết bài nhan đề SAO CHO ĐƯỢC LÒNG DÂN? Bài báo này có đoạn: “… Phải chấp đơn, phải xử kiện cho dân khi người ta đem tới. Phải chăm lo việc cứu tế nạn nhân cho chu đáo, phải chú ý trừ nạn mù chữ cho dân. Nói tóm lại, hết thảy những việc có thể nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của dân phải được ta đặc biệt chú ý… muốn được dân yêu, muốn được lòng dân, trước hết phải yêu dân, phải đặt quyền lợi cho dân trên hết thảy, phải có một tinh thần chí công vô tư”(5).
Dù bận trăm công nghìn việc của thời kỳ đầu mới lập nước, nhưng làm bất cứ việc gì, trong hoàn cảnh nào Bác cũng luôn suy nghĩ về nhân dân, lo lắng cho nhân dân, ngay cả khi nằm trên giường bệnh, tỉnh lại khi nào Bác cũng hỏi tình hình nhân dân khắp mọi miền Tổ quốc.
Lo việc nước, nhớ việc dân
Năm Đinh Dậu 1957 là năm Bác Hồ dành nhiều thời gian cho các hoạt động đối ngoại. Thay mặt Đảng, Chính phủ và nhân dân cả nước, Người đi thăm nhiều nước anh em trong phe Xã hội chủ nghĩa, các nước láng giềng gần gũi để cảm ơn sự giúp đỡ chí tình đối với chúng ta trong cuộc đấu tranh giải phóng đất nước, giành độc lập dân tộc.
Đồng thời cũng là dịp tiếp tục tranh thủ kêu gọi sự ủng hộ quý báu của các nước trong hệ thống Xã hội chủ nghĩa, trong điều kiện miền Bắc đang tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục sản xuất, sẵn sàng chi viện sức người, sức của cho miền Nam ruột thịt tiếp tục cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm, xóa bỏ chính quyền bù nhìn tay sai, thống nhất đất nước.
Dịp Tết Kỷ Dậu 1969 trong THƯ CHÚC MỪNG NĂM MỚI đăng trên báo Nhân dân số 5376, ngày 1/1/1969, Bác đã thể hiện rõ tình cảm yêu quý với đồng bào, chiến sỹ cả nước mỗi khi Xuân về, Tết đến.
Bên cạnh đó, Bác không quên tình nghĩa của các nước đối với nhân dân Việt Nam, thư Bác viết có đoạn: “Nhân dịp năm mới 1969, thay mặt nhân dân cả nước ta, tôi nhiệt liệt chúc mừng và cảm ơn các nước Xã hội chủ nghĩa anh em, các nước bầu bạn và nhân dân yêu chuộng hòa bình, công lý trên thế giới, kể cả nhân dân tiến bộ Mỹ, đã hết lòng ủng hộ và giúp đỡ sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam…” (6). Thư chúc mừng này của Bác như là một sự tiên tri chính xác, bằng 6 câu thơ lục bát sau:
“Năm qua thắng lợi vẻ vang,
Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to.
Vì độc lập, vì tự do,
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào.
Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào,
Bắc - Nam sum họp, Xuân nào vui hơn!”
Quả thật, chỉ 5 năm sau, ngày 27/1/1973, lính Mỹ phải cút về nước theo Hiệp định Paris; hơn 2 năm sau, chế độ ngụy quyền Sài Gòn cũng sụp đổ vào ngày 30/4/1975, miền Nam được giải phóng, thống nhất đất nước, Bắc - Nam sum họp một nhà như sự tiên tri tài tình của Bác.
Cũng trong năm Kỷ Dậu 1969, Bác đã từ trần, để lại niềm tiếc thương vô hạn của đồng bào và chiến sĩ cả nước, của bầu bạn năm châu, bốn biển. Bác ra đi nhưng đã để lại cho chúng ta tấm gương đạo đức sáng ngời và cả những bài báo chất chứa nội hàm đầy tính nhân văn, tính lý luận uyên bác… mà mỗi chúng ta suốt đời phải ra sức học tập và làm theo./.
Đúng dịp kỷ niệm 39 năm ngày thành lập Đảng (3/2/1930 – 3/2/1969) Bác viết bài NÂNG CAO ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG QUÉT SẠCH CHỦ NGHĨA CÁ NHÂN, đăng trên báo Nhân dân, số 5409, ngày 3/2/1969. Dù đã gần nửa thế kỉ trôi qua nhưng bài viết ấy vẫn còn nguyên giá trị và chắc chắn sẽ trường tồn vĩnh viễn trong sự nghiệp cách mạng của chúng ta.
Chú giải:
1. Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội 1995, tập 1, trang 49; 2. SĐD, tập 1, trang 52; 3. SĐD, tập 4, trang 4; 4. SĐD, tập 4, trang 22; 5. SĐD, tập 4, trang 48; 6. SĐD, tập 12, trang 425.
Theo Mai Mộng Tưởng/Gia đình – Xã hội
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin