Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra tại Bộ Công Thương

08:11, 15/11/2016

Ngày 14/11, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm Trưởng đoàn đã kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Bộ Công Thương. 

Ngày 14/11, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm Trưởng đoàn đã kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Bộ Công Thương. 

Quang cảnh buổi làm việc. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Quang cảnh buổi làm việc. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)


Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đã truyền đạt những vấn đề Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương cần giải trình rõ, đó là vấn đề về cơ cấu tổ chức, bộ máy cán bộ; phản ứng chính sách, xây dựng các thương thiệu, mở rộng các thị trường bán lẻ trong nước; việc làm ăn thua lỗ của một số tập đoàn, tổng công ty lớn; cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước; thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ và khởi nghiệp của doanh nghiệp; quản lý thị trường; môi trường, các hồ thủy điện và vấn đề xây dựng chiến lược về phát triển năng lượng. 

Làm rõ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng 

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết nước ngoài đang dần chiếm vị trí bán lẻ của Việt Nam. Thủ tướng đặt vấn đề đề nghị lãnh đạo Bộ, nhất là các cơ quan trực thuộc Bộ tham mưu cho Bộ trưởng về vấn đề phản ứng chính sách, xây dựng các thương thiệu, mở rộng các thị trường bán lẻ trong nước. 

Bộ cần nghiêm túc xem xét đề nghị của Thủ tướng. Khi có một sự kiện nào đó, Bộ phải có đề xuất phản ứng chính sách sớm. 

Thừa nhận Bộ có những tồn tại lớn trong phản ứng chính sách, cũng như công tác quy hoạch, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết đã rút kinh nghiệm và sẽ triển khai quyết liệt trong thời gian tới, nhưng, đây là vấn đề rất nhạy cảm, bởi về cơ chế chính sách liên quan đến rất nhiều bộ, ngành, phải có sự thấu hiểu, thông suốt, thống nhất mới đảm bảo hiệu quả. 

Trước ý kiến của Bộ trưởng Mai Tiến Dũng về việc số tập đoàn lớn thua lỗ tập trung vào Bộ Công Thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết đã thực hiện rà soát đánh giá toàn bộ các dự án tồn đọng, thiếu hiệu quả, làm ăn thua lỗ, khả năng mất vốn, thất thoát vốn và tài sản của nhà nước cũng như hiệu quả đầu tư sản xuất kinh doanh. 

Các dự án này, trong lĩnh vực quản lý ngành phần lớn là thuộc các lĩnh vực của bộ nhưng có quá trình lịch sử lâu dài, từ 10-15 năm. 

Nếu chỉ trong một thời gian ngắn mà đánh giá toàn bộ về những vấn đề rất phức tạp cả về cơ chế chính sách, cả về khung khổ pháp lý để thực hiện các dự án đó, chắc chắn không được. 

“Rất mong Bộ trưởng báo cáo với Thủ tướng, chúng tôi làm rất nghiêm túc nhưng không thể nóng vội và cũng không thể trong thời gian rất ngắn ban hành được vì liên quan đến tài sản, giá trị của vốn nhà nước, liên quan đến pháp chế, đến khung khổ pháp lý và chỉ đạo điều hành và liên quan đến rất nhiều bộ, ngành trong đó,” Bộ trưởng bày tỏ. 

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Bộ sẽ báo cáo Chính phủ xem xét tiếp tục đổi mới về thể chế, về khung khổ pháp luật liên quan đến quản lý doanh nghiệp nhà nước để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước cũng như vai trò điều hành của các bộ trong giác độ công tác quản lý chung. 

Đối với vấn đề cổ phần hóa, thoái vốn trong các doanh nghiệp nhà nước không cần nắm giữ, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết các chương trình cổ phần hóa, thoái vốn được thực hiện đúng tiến độ nhưng chưa chất lượng.

Một loạt các nguyên tắc lớn đã thực hiện nhưng để đạt được nguyên tắc này là không được chủ quan, vội vàng, cần phải rất cẩn trọng. 

Giải trình về vấn đề môi trường thủy điện, nhiệt điện, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay Bộ đã có bước rà soát, đánh giá cụ thể trong thời gian qua. 

Trước dư luận về vấn đề môi trường, lần đầu tiên hai nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3 và Vĩnh Tân 3 đã mở cửa mời người dân vào kiểm tra, tham quan trong nhà máy, nhất là vấn đề liên quan đến môi trường. 

Đây là hướng đi của Bộ, không chỉ tập trung trong vấn đề năng lượng mà cả công nghiệp khai khoáng, hóa chất… 

Nợ đọng 13 nhiệm vụ 

Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy tổng số nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ từ ngày 1/1 đến 5/11 là 486 nhiệm vụ, Bộ đã hoàn thành 286 nhiệm vụ, chưa hoàn thành nhưng trong hạn 187 nhiệm vụ và có 13 nhiệm vụ đã quá hạn mà chưa hoàn thành. 

Giải trình về các nhiệm vụ đã quá hạn nhưng chưa hoàn thành, lãnh đạo Bộ cho biết Bộ đã và đang nỗ lực triển khai các nhiệm vụ, tuy nhiên, trong quá trình thực hiện có một số khó khăn ảnh hưởng đến tiến độ. 

Nguyên nhân chính là do nhiều nội dung, nhiệm vụ có phạm vi rộng, tính chất phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp của nhiều bộ, ngành, cơ quan, đơn vị; nhiều nhiệm vụ phải lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp và người dân nên mất nhiều thời gian. 

Trong nhiều trường hợp, các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị phối hợp chưa thực hiện đúng thời hạn yêu cầu nên đã anh hưởng đến tiến độ chung của nhiệm vụ.

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng để khắc phục tồn tại trong cổ phần hóa, trước mắt phải đấu thầu, trong đó có đấu thầu tư vấn, đấu thầu các nhà đầu tư để bảo đảm minh bạch, chống lợi ích nhóm, mang lại lợi ích cao nhất cho nhà nước. Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng không chỉ là lỗ và yếu mới bán. 

Đánh giá cao những nỗ lực của Bộ trưởng Công Thương, Bộ trưởng cho biết, nếu còn xung đột giữa các bộ, Văn phòng Chính phủ sẽ có trách nhiệm, mời các bộ lên để thống nhất. Bộ trưởng yêu cầu Bộ Công Thương đốc thúc để giải quyết các nhiệm vụ sắp đến hạn./. 

Theo TTXVN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh