14.000 tỷ "nuôi" tổ chức hội, đoàn thể mỗi năm: Gánh nặng ngân sách?

07:11, 11/11/2016

Nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn về gánh nặng ngân sách "nuôi" tổ chức hội và đang tìm cách giải bài toán này.

Nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn về gánh nặng ngân sách “nuôi” tổ chức hội và đang tìm cách giải bài toán này.

14.000 tỷ đồng - đây là con số ước tính ngân sách phải bỏ ra để “nuôi” các tổ chức hội, đoàn thể mỗi năm.

Trong dự toán chi ngân sách Trung ương năm 2016 cho riêng 6 tổ chức hội (Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) đã là 1.503,74 tỷ đồng.

Các hội phải có trách nhiệm cân đối, trang trải các khoản chi hoạt động của mình (Ảnh minh họa: Internet)
Các hội phải có trách nhiệm cân đối, trang trải các khoản chi hoạt động của mình (Ảnh minh họa: Internet)

Hãy để phí hội viên góp "nuôi" tổ chức hội

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, đại biểu Huỳnh Thành Chung (đoàn Bình Phước) cho rằng, việc trả lương cho nhân sự các tổ chức hội sẽ gây ra bội chi ngân sách lớn.

Việt Nam đang ở trong giai đoạn tái cấu trúc nền kinh tế, do vậy việc giảm chi thường xuyên là nhiệm vụ hết sức quan trọng và bức thiết của nền kinh tế hiện nay.

Vì thế, theo vị đại biểu này, cần tập trung chi vào những lĩnh vực quan trọng, mang lại tác động lớn hơn cho kinh tế-xã hội. Các hội phải có trách nhiệm cân đối, trang trải các khoản chi hoạt động của mình.

Chia sẻ quan điểm này, đại biểu Đỗ Văn Sinh (đoàn Quảng Trị) cho biết, ngân sách nhà nước hiện hỗ trợ hội mang tính chất đặc thù mang lợi ích cho xã hội. Nếu tiếp tục dàn trải thì đất nước sẽ không có tiền để tiếp tục hỗ trợ.

Ông Đỗ Văn Sinh nhấn mạnh: Đã gọi là hội thì phải hoạt động theo phí của các hội viên đóng góp, vì lợi ích, vì tôn chỉ mục đích của hội chứ không thể ngân sách nhà nước tài trợ mãi.

Đại biểu này đề nghị làm rõ 6 tổ chức chính trị-xã hội không quy định trong Luật về hội và vẫn hoạt động theo Hiến pháp, còn các hội khác thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật thì ngân sách nhà nước không nên hỗ trợ.

Theo đại biểu Phạm Tất Thắng (đoàn Vĩnh Long), đầu tư ngân sách nhà nước cho các hội khá lớn. Khi thảo luận và thông qua dự thảo Luật về hội, cần xác định rõ hội là phải tự nguyện, tự quản, tự lo kinh phí hoạt động, và nhà nước chỉ cấp kinh phí với những nhiệm vụ mà nhà nước giao theo tính chất “đặt hàng”.

Còn tính chất hoạt động thường xuyên thì ngoài 6 tổ chức chính trị - xã hội, các hội khác phải tự lo kinh phí hoạt động.

Ông Phạm Tất Thắng - đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long
Ông Phạm Tất Thắng - đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long

Đại biểu Phạm Tất Thắng chỉ ra rằng trong quá trình quản lý các hội, chúng ta đã công nhận nhiều hội mang tính chất đặc thù, điều đó gắn với việc hỗ trợ kinh phí của nhà nước từ Trung ương đến địa phương.

Tuy nhiên, vị đại biểu này cũng đề xuất không hạn chế quyền thành lập hội, mà cần tăng cường quản lý, để làm sao các hội hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, đúng quy định pháp luật.

Cách nào giảm gánh nặng ngân sách?

Đại biểu Nguyễn Văn Quyền (đoàn TP Cần Thơ) nêu quan điểm: Đối với các hội khác ngân sách Nhà nước hỗ trợ theo cơ chế đấu thầu, thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, tức là Chính phủ, Nhà nước sẽ quyết định xem những vấn đề gì có thể xã hội hóa.

Muốn xã hội hóa được những nhiệm vụ đó thì các tổ chức tham gia thêm một cách minh bạch để đấu thầu những nhiệm vụ đó để thực hiện.

Vị đại biểu này cũng cho rằng, việc liên kết, gia nhập các tổ chức nước ngoài, nhận tài trợ nước ngoài là vấn đề nhạy cảm.

“Vấn đề này thời gian qua nhiều hội làm được, nhưng có hội chúng ta có vấn đề đặt ra cần phải xem xét để làm sao đối với việc tham gia các tổ chức nước ngoài, cũng như nhận tài trợ phải bảo đảm không phương hại đến an ninh chính trị, trật tự xã hội, kể cả phương hại, ảnh hưởng đến uy tín của con người Việt Nam.

Chúng ta không đặt ra vấn đề nhận tài trợ một cách không có chọn lọc. Đối với vấn đề này cần có quy định chặt chẽ để làm sao trong thời gian tới hoạt động này đi vào nề nếp” ông Quyền nói.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn TP Hà Nội) nhấn mạnh: quy định hiện nay trong Dự thảo Luật về Hội làm mất cơ hội để tiếp cận nguồn lực to lớn của quốc tế viện trợ cho các đối tượng yếu thế, các bệnh nhân, nạn nhân, hỗ trợ cho các nhà khoa học, cho các cơ sở nghiên cứu, cho các bệnh viện...

Quy định “cứng” như vậy nếu thông qua được lập tức có mâu thuẫn với những gì đã và đang diễn ra ở Việt Nam, cụ thể như Hội chữ thập đỏ vẫn thường xuyên nhận các hàng cứu trợ, các viện trợ của nước ngoài, cũng đôi khi gửi cứu trợ của chúng ta cho nạn nhân ở nước ngoài".

“Các hội, bệnh nhân đang nhận thuốc men, vật tư, thiết bị từ các tổ chức quốc tế gửi giúp và tôi có thể nhấn mạnh rằng tuyệt đại đa số là những viện trợ hết sức cần thiết và hữu hiệu.

Quy định như vậy thì các nhà khoa học đang nhận tài trợ để đi dự hội nghị, hội thảo để tham gia nghiên cứu đang bị vướng,” đại biểu Nguyễn Anh Trí bày tỏ.

Theo ông Nguyễn Anh Trí, cần soạn thảo luật đủ để hạn chế những hoạt động phá hoại của đất nước, ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, nhưng cũng phải rộng mở để các hội ở Việt Nam được hội nhập, được tỏa sáng và tận dụng được nguồn lực chân chính từ quốc tế./.

Theo Trần Ngọc/VOV.VN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh