Ở bất cứ giai đoạn cách mạng nào, Đảng ta luôn lấy tư tưởng Hồ Chí Minh làm kim chỉ nam cho mọi hành động. Bởi lẽ, tư tưởng và đạo đức của Người là sự kết tinh những truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta và tinh hoa văn hóa nhân loại.
Ở bất cứ giai đoạn cách mạng nào, Đảng ta luôn lấy tư tưởng Hồ Chí Minh làm kim chỉ nam cho mọi hành động. Bởi lẽ, tư tưởng và đạo đức của Người là sự kết tinh những truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta và tinh hoa văn hóa nhân loại. Từ khi thành lập Đảng đến nay, tư tưởng Hồ Chí Minh là ánh sáng soi đường, là tấm gương sáng để mọi người Việt Nam học tập và làm theo.
Học tập và làm theo tấm gương của Bác góp phần thực hiện thắng lợi các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa- xã hội tỉnh nhà. |
Nền tảng tư tưởng vững chắc của Đảng
Cách đây 71 năm, sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt quốc dân đồng bào đọc Bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa- Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Châu Á.
Bản Tuyên ngôn độc lập không chỉ có ý nghĩa đối với nền độc lập của dân tộc Việt Nam, mà còn là sự mở đầu kỷ nguyên độc lập, tự do của các dân tộc thuộc địa, bị áp bức trên toàn thế giới.
Hơn nửa thế kỷ trôi qua, nhưng những việc Bác làm, những lời Bác dạy giữa mùa Thu lịch sử ấy vẫn còn in đậm trong ký ức của mỗi người dân đất Việt.
Nhớ lại chuyện xưa, ngay sau ngày tuyên bố độc lập, với tầm nhìn rộng lớn, giữa lúc nạn ngoại xâm, nạn đói đang đe dọa dân tộc, Bác Hồ cũng nhận diện giặc dốt và giặc “nội xâm” cũng cực kỳ nguy hiểm không kém.
Trong những năm tháng đầy thử thách, Bác thường sử dụng “dĩ bất biến, ứng vạn biến” để làm phương châm chỉ đạo cách mạng. Cụm từ “bất biến” theo Bác, đó là “lòng dân”. Từ “lòng dân” là có mọi lực lượng, sức mạnh để “ứng vạn biến”.
Có thể nói, tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh là sự kết tinh những truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta và tinh hoa văn hóa của nhân loại, là tài sản tinh thần vô giá của Đảng và nhân dân ta; là tấm gương sáng để mọi người Việt Nam học tập và noi theo.
5 năm qua, toàn tỉnh đã biểu dương, khen thưởng 24.208 tấm gương tiêu biểu, trong đó có 4.630 tập thể; 17.514 cá nhân và 2.064 quần chúng và hộ dân. |
Vì thế, từ năm 2003, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IX đã tổ chức đợt học tập tư tưởng Hồ Chí Minh để quán triệt, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng của Người trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chủ trương này được phát triển thành cuộc vận động khi Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 06 (tháng 11/2006), tổ chức cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong toàn Đảng, toàn dân.
Đến tháng 5/2011, Bộ Chính trị có Chỉ thị số 03 về “Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và hiện nay đang chuẩn bị triển khai thực hiện Chỉ thị 05 ngày (5/2016) của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Theo đồng chí Võ Văn Thưởng- Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, qua cuộc vận động, đã đạt những kết quả bước đầu quan trọng, góp phần tích cực vào kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, từng bước ngăn chặn tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên và thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng.
Học theo Bác là việc làm thường xuyên
Đối với Vĩnh Long, hưởng ứng việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đến nay đã trở thành việc làm thường xuyên của mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân.
Thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, hầu hết cấp ủy các cấp trong tỉnh đều lãnh đạo tốt việc xây dựng chuẩn mực trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Từ phong trào này, đã xuất hiện nhiều mô hình với những cách làm hay được nhân rộng, nhiều tập thể, cá nhân điển hình được biểu dương.
Những điển hình có thể kể như MTTQ Việt Nam tỉnh đã vận động chức sắc các chùa đăng ký với mô hình “Sư cả và ban quản trị chùa học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Hội Nông dân vận động gần 4.000 hội viên tự nguyện hiến trên 400.000m2 đất và vật kiến trúc trị giá khoảng 200 tỷ đồng, đóng góp khoảng 1,8 tỷ đồng và 500.000 ngày công tham gia xây dựng nông thôn mới.
Hội viên Hội Phụ nữ các cấp tổ chức nuôi 50.655 con heo đất, mổ 6.159 con heo đất thu được trên 14,7 tỷ đồng, giúp cho 10.774 phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống.
Huyện Vũng Liêm có mô hình hội viên Hội Phụ nữ xã Trung Chánh “Hùn vốn vàng xây dựng nhà kiên cố”; TP Vĩnh Long xây dựng mô hình “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”; huyện Tam Bình xây dựng mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” tại Ấp 4 xã Mỹ Lộc; huyện Bình Tân phát động mô hình “Treo ảnh Bác” với 1.362 hộ tham gia; huyện Mang Thít xây dựng mô hình “Huy động sức dân” của xã Tân Long; TX Bình Minh xây dựng mô hình “Xây dựng ấp văn hóa kiểu mẫu” của Đảng ủy xã Mỹ Hòa; Đảng ủy Khối Doanh nghiệp có 112 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật làm lợi cho doanh nghiệp trong việc tiết kiệm chi phí sản xuất, chi phí quản lý doanh nghiệp được 74,8 tỷ đồng…
Đồng chí Nguyễn Bách Khoa- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh ủy cho biết, việc học tập và làm theo tấm gương của Bác đã tác động tích cực đến mọi mặt của đời sống xã hội.
Đặc biệt, vai trò nêu gương của cán bộ lãnh đạo có ý nghĩa quyết định đối với việc tuyên truyền vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Theo đồng chí Nguyễn Bách Khoa, việc học tập đã tạo chuyển biến rõ nét trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, phòng, chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
Làm chuyển biến nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị, đáp ứng được nhu cầu nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, thu hút được sự đồng tình hưởng ứng tích cực của tất cả cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Và quan trọng hơn là tạo ra động lực to lớn góp phần thực hiện thắng lợi các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa- xã hội, quốc phòng- an ninh và xây dựng hệ thống chính trị ngày càng trong sạch vững mạnh.
Sau 5 năm học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, gắn với phòng trào thi đua yêu nước xây dựng nông thôn mới, rất nhiều hộ dân hiến đất làm đường giao thông nông thôn, xây dựng trường học, đóng góp tiền và ngày công lao động trị giá trên 979 tỷ đồng và doanh nghiệp đóng góp trên 96 tỷ đồng trong tổng số 3.371 tỷ đồng cho chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Hiện nay có 23 xã đạt chuẩn nông thôn mới (vượt 2 xã so với chỉ tiêu Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh lần thứ IX). Hơn thế nữa, hiệu quả mang lại rõ nét nhất chính là niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng ngày càng nâng cao; bộ mặt nông thôn thay đổi rõ rệt, khang trang, sạch đẹp hơn; đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn được nâng lên, hệ thống chính trị cơ sở tiếp tục được củng cố; an ninh trật tự được giữ vững. |
Bài, ảnh: THANH TÂM
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin