Với xu hướng tăng tuổi thọ, giảm nguồn cung nhân lực do chính sách giảm sinh trong những năm qua và do tuổi thọ bình quân hiện nay cao dẫn đến thời gian chi trả lương hưu dài ảnh hưởng đến cân đối quỹ BHXH
Với xu hướng tăng tuổi thọ, giảm nguồn cung nhân lực do chính sách giảm sinh trong những năm qua và do tuổi thọ bình quân hiện nay cao dẫn đến thời gian chi trả lương hưu dài ảnh hưởng đến cân đối quỹ BHXH, việc xem xét tăng tuổi nghỉ hưu đã được Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội xem xét lấy ý kiến để sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động năm 2012.
Theo Thứ trưởng Phạm Minh Huân, khi trình dự án sửa đổi, bổ sung Luật BHXH 2014, Quốc hội cho rằng quy định về tuổi hưu nên được quy định trong Bộ luật Lao động. Việc sửa đổi Bộ luật Lao động lần này sẽ được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cập nhật, xem xét lại để hoàn thiện các phương án.
Việc tăng tuổi hưu phải đi đôi với các biện pháp bảo đảm việc làm cho người lao động để họ đủ điều kiện hưởng lương hưu, vì vậy, bộ sẽ phân loại để điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo từng ngành nghề, đặc thù công việc.
Những lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, có năng lực, kinh nghiệm... có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn, còn những người lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn.
Hiện, các tổ chức quốc tế đang nói nhiều đến việc bình đẳng nam giới và phụ nữ của Việt Nam, vì vậy, cần điều chỉnh hướng đến việc nam giới và phụ nữ về hưu bằng nhau nhưng cần có lộ trình thực hiện, không thể tăng đột ngột.
Việc tăng tuổi hưu cũng ảnh hưởng đến thị trường lao động và việc làm của lớp trẻ, vì vậy, thông thường, theo kinh nghiệm, các nước tăng dần tuổi hưu, thậm chí, có nước 5 năm mới tăng một tuổi để không tác động mạnh đến thị trường lao động.
PV
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin