Ông Nguyễn Sỹ Cương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội đã nói như vậy với Lao Động chiều 6/9, về Chỉ thị 26/CT- TTg của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa được ban hành để tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp.
Phó chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương (Ảnh: Q.H) |
Ông Nguyễn Sỹ Cương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội đã nói như vậy với Lao Động chiều 6/9, về Chỉ thị 26/CT- TTg của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa được ban hành để tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp.
Xử lý 3 - 5 trường hợp vi phạm để chấn chỉnh cán bộ
Chỉ thị của Thủ tướng nêu rõ: Kiên quyết thực hiện tinh giản số công chức, viên chức năng lực yếu, thiếu tinh thần trách nhiệm, không hoàn thành nhiệm vụ được giao theo đúng quy định của pháp luật. Đề cao trách nhiệm người đứng đầu, quy trách nhiệm cụ thể việc để xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, nhất là trong việc thực hiện các thủ tục cấp các loại giấy phép, đăng ký tài sản, đăng ký kinh doanh, xuất nhập cảnh, thuế, hải quan, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đăng ký hộ khẩu, tuyển sinh, công chứng, chứng thực, khám chữa bệnh... nghiêm cấm cán bộ, công chức, viên chức lợi dụng chức năng, nhiệm vụ để gây nhũng nhiễu, phiền hà, trục lợi khi xử lý, giải quyết công việc liên quan đến người dân và doanh nghiệp.
Về vấn đề đạo đức, văn hóa giao tiếp của người cán bộ, công chức, viên chức, Chỉ thị của Thủ tướng nhấn mạnh: Không sử dụng thời giờ làm việc để làm việc riêng; thực hiện đúng quy định trong văn hóa hội họp; không hút thuốc lá trong phòng làm việc, phòng họp, hội trường; nghiêm cấm việc sử dụng rượu, bia, đồ uống có cồn trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa của ngày làm việc, ngày trực; không được vào casino đánh bạc dưới mọi hình thức.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nội vụ là cơ quan giúp Chính phủ đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương của các cơ quan hành chính nhà nước, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Đồng tình với việc Thủ tướng ra Chị thị tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp, bà Trần Thị Quốc Khánh, Ủy viên thường trực Ủy ban khoa học công nghệ và môi trường (Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) cho rằng, việc này thể hiện sự quyết liệt của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong hành động, kiên quyết đổi mới phương thức lãnh đạo, quản lý, điều hành, xây dựng Chính phủ trong sạch, liêm chính, kiến tạo phát triển, gắn bó với nhân dân, phục vụ nhân dân và doanh nghiệp.
Bà Khánh nhấn mạnh: Những quy định này không mới, tuy nhiên vấn đề mấu chốt đó là việc thực hiện, chấp hành các quy định chưa nghiêm túc. Chính vì vậy, Thủ tướng đã phải ra Chỉ thị để chấn chỉnh. Việc này thể hiện tinh thần hành động, lấy những vấn đề nổi cộm gây bức xúc trong cán bộ thời gian qua để đưa ra giải quyết, lấy lại niềm tin của người dân vào cán bộ nhà nước.
“Chỉ thị của Thủ tướng đánh dấu một sự tích cực, kiên quyết chấn chỉnh lại đội ngũ bộ máy công chức ở các cấp, đảm bảo vấn đề thực hiện tăng cường quản lý kỷ luật, kỷ cương từ các cơ quan Trung ương và địa phương. Phát huy vai trò của người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước. Tôi rất hoan nghênh và ủng hộ Chỉ thị của Thủ tướng, điều này thể hiện được dấu ấn của Thủ tướng đó là nói đi đôi với làm” – bà Khánh nói.
Tuy nhiên, bà Khánh cũng băn khoăn, Chỉ thị đã có, việc quan trọng là thực hiện, giám sát và xử lý vi phạm như thế nào. Theo bà Khánh, cần phải đưa ra những quy định chế tài đột phá hơn. Ví dụ như các cơ quan, đơn vị mở hòm thư tiếp nhận phản ánh của nhân dân, cán bộ công chức về những trường hợp vi phạm Chỉ thị. Và khi phát hiện ra trường hợp nào vi phạm thì xử lý nghiêm. Nếu xử lý nghiêm từ 3 – 5 trường hợp rồi công bố công khai thì việc thực hiện sẽ nghiêm túc hơn. Còn cứ hô hào, khẩu hiệu mà chẳng có ai đi kiểm tra, phản ánh và không ai bị xử lý thì không hiệu quả.
Cần phải có chế tài xử lý cán bộ vi phạm và người đứng đầu
Nêu quan điểm của mình về Chỉ thị 26 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ông Nguyễn Sỹ Cương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội cho rằng, đây là một chỉ đạo rất kịp thời, được người dân đánh giá cao và đồng tình ủng hộ. Cùng với những chỉ đạo trước đây, khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới nhận chức thì việc tiếp tục làm trong sạch đội ngũ cán bộ cũng như chấn chỉnh ý thức của người công chức thì đó là những việc làm rất cần thiết.
Ông Cương nhấn mạnh: Lâu nay, không chỉ ở địa phương mà còn ở Trung ương, tình trạng cán bộ công chức có thái độ không đúng với người dân, chưa kể là tình trạng nhậu nhẹt, hút thuốc lá một cách bừa bãi trong công sở. Vừa vi phạm luật, bởi luật phòng chống tác hại thuốc lá đã có những quy định rất cụ thể về việc này. Nhưng bấy lâu nay, tình trạng này không thay đổi được nhiều. Vì vậy Chỉ thị của Thủ tướng vừa ban hành là rất cần thiết.
Tuy nhiên, theo ông Cương để Chỉ thị của Thủ tướng đi vào thực tiễn thì nó cần phải có những chế tài kèm theo. Còn cứ để theo cách kêu gọi thực hiện thì hiệu quả sẽ không được cao.
“Nếu cần thiết phải bổ sung quy định vào Nghị định 34 của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật cán bộ công chức. Tức là khi anh đã có những vi phạm quy định kỷ luật của cơ quan, tổ chức đặc biệt là quy định của Chính phủ thì cần phải xử lý một cách nghiêm khắc” – ông Cương nói.
Ông Cương giải thích, bấy lâu nay Chính phủ cũng đã nêu ra quy định về việc nâng cao hiệu quả thời gian làm việc của cán bộ công chức. Nhưng rồi hiệu quả thì mới chỉ dừng lại ở mức độ hô hào, không mang lại hiệu quả cao. Bây giờ cần có quy định cụ thể của pháp luật để ai vi phạm sẽ bị xử lý.
“Để Chỉ thị đi vào cuộc sống, cũng cần phải xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm cũng như quy trách nhiệm cho những người đứng đầu cơ quan, đơn vị nếu để xảy ra cán bộ sai phạm sẽ bị xử lý kỷ luật. Bởi vì anh là người đứng đầu cơ quan, không có lý gì anh lại không quản lý được đội ngũ cán bộ, công chức của mình” – ông Cương nói.
Theo LĐO
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin