Trình bày báo cáo trước hội nghị ĐBQH chuyên trách được tổ chức tại Nhà Quốc hội sáng nay 8/9, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho biết, tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận, đóng góp ý kiến về dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.
Trình bày báo cáo trước hội nghị ĐBQH chuyên trách được tổ chức tại Nhà Quốc hội sáng nay 8/9, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho biết, tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận, đóng góp ý kiến về dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu điều hành hội nghị ĐBQH chuyên trách sáng 8/9 |
Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và các cơ quan hữu quan, dự thảo Luật đã được kết cấu lại khoa học, chặt chẽ hơn, gồm 9 chương, 8 mục và 69 điều.
Bên cạnh việc sắp xếp, bổ sung một số điều luật và đổi tên các chương, mục, dự thảo Luật đã thiết kế một chương mới quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, dự thảo Luật đã khẳng định và cụ thể hóa nội hàm “quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người”, trong đó bao gồm cả quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của cá nhân, tổ chức và người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam, quy định về nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức trong thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo tại Chương II; bổ sung quy định về trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người tại Chương I…
Ngoài ra, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật cũng đã quy định một số nội dung về nguyên tắc tổ chức các hoạt động tín ngưỡng và lễ hội tín ngưỡng.
Theo đó, việc thực hiện các hoạt động tín ngưỡng phải bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, bảo đảm an toàn, tiết kiệm, bảo vệ môi trường.
Về tư cách pháp nhân của tổ chức tôn giáo, dự thảo Luật đã bổ sung một điều quy định về tư cách pháp nhân đối với tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc (Điều 30).
Theo đó, “tổ chức tôn giáo là pháp nhân phi thương mại kể từ ngày được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận”.
Tổ chức tôn giáo trực thuộc sau khi được thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, nếu có nhu cầu đăng ký pháp nhân phi thương mại thì phải được tổ chức tôn giáo đề nghị, có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác, tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó và nhân danh tổ chức tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.
Việc tổ chức tôn giáo tham gia vào lĩnh vực giáo dục được các đại biểu dự hội nghị đánh giá là vấn đề nhạy cảm.
Đa số ý kiến nhất trí quan điểm cho phép các tổ chức tôn giáo được thành lập cơ sở giáo dục, thực hiện hoạt động giáo dục bình đẳng với các tổ chức xã hội khác.
Tuy nhiên, có một số ý kiến vẫn còn băn khoăn về việc cho phép các tổ chức tôn giáo tham gia sâu vào hoạt động giáo dục và truyền bá tôn giáo trong trường học và đề nghị vấn đề thành lập cơ sở giáo dục, hoạt động giáo dục nên để pháp luật về giáo dục điều chỉnh.
Về cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, hiện có tới ba loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất đề nghị phải có một cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo độc lập để phản ánh đúng tính phức tạp, quan trọng của lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo trong đời sống xã hội hiện nay.
Loại ý kiến thứ hai đề nghị khi chưa thể sắp xếp được thì giữ nguyên như hiện nay. Loại ý kiến thứ ba đề nghị đưa chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để thống nhất quản lý và bảo đảm cho hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo như là hoạt động văn hóa, tinh thần.
Theo SGGPO
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin