Theo Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh, khuôn khổ Đối tác toàn diện sẽ tiếp tục tạo đà cho quan hệ hai nước phát triển trong thời gian tới.
Theo Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh, khuôn khổ Đối tác toàn diện sẽ tiếp tục tạo đà cho quan hệ hai nước phát triển trong thời gian tới.
PV: Trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng, các ứng cử viên Tổng thống Mỹ đều tỏ ra không ủng hộ việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), ông đánh giá thế nào về khả năng thông qua Hiệp định này và nó có ảnh hưởng thế nào đối với Việt Nam?
Đại sứ Phạm Quang Vinh: Trước hết phải nói về cuộc bầu cử Tổng thống ở Mỹ. Năm nay người ta đánh giá là cuộc bầu cử có nhiều cái lạ. Thứ nhất, các ứng cử viên đưa ra các chương trình hành động hướng nội và bảo thủ nhiều hơn, trong đó tập trung vào những nhu cầu của cử tri nước Mỹ.
Cũng có những ý kiến cho rằng, cử tri nước Mỹ đang khá bất mãn với các chính sách của dòng chảy chính trị chính ở nước Mỹ. Cho nên để tranh thủ phiếu bầu của cử tri, ứng cử viên của hai đảng đang hướng nội nhiều hơn.
Thứ hai, giữa chính trị bầu cử và lợi ích quốc gia của nước Mỹ mà sau này dù ai là Tổng thống cũng phải cân nhắc. Chính vì vậy, những vấn đề liên quan đến chiến lược đối ngoại, chiến lược an ninh, chiến lược kinh tế của nước Mỹ cũng phải căn cứ vào đó.
Điểm thứ 3 là nếu nhìn lại lịch sử của nước Mỹ thì bất cứ một vấn đề nào liên quan đến thương mại tự do nào vì rằng nó không chỉ tăng thêm lợi ích kinh tế mà còn đụng chạm đến công ăn việc làm, điều kiện tiền lương của người dân… cho nên đều rất phức tạp. Nhìn lại thì hầu hết những hiệp định thương mại của Mỹ đều được thông qua với tỷ lệ rất sát sao.
Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh. |
Quay trở lại vấn đề TPP, thực sự là nước Mỹ có lợi ích trong việc xây dựng khu vực mậu dịch tự do TPP bởi nó vừa có tính kinh tế thương mại, vừa có tính chiến lược.
Nhưng đồng thời làm sao bảo đảm được những lo ngại của người dân và cử tri là các ứng cử viên tổng thống Mỹ đang phải tính tới.
Vào thời điểm hiện tại, TPP đang là một vấn đề của tranh cử, cho nên xu hướng bảo hộ mậu dịch, xu hướng hướng nội đang làm cho TPP có nhiều ý kiến phản đối hoặc sự đồng tình kém đi.
Trông đợi rằng, lợi ích quốc gia của nước Mỹ và khi chính trị bầu cử lắng bớt đi thì người ta sẽ tính tới lợi ích của nước Mỹ nhiều hơn, trong đó có khả năng xem xét TPP sẽ như thế nào. Nhưng chắc chắn đây là việc rất phức tạp và khó khăn.
PV: Thế còn vấn đề Biển Đông trong bầu cử Tổng thống Mỹ như thế nào? Theo ông nó có như vấn đề TPP không?
Đại sứ Phạm Quang Vinh: Mọi người chắc theo dõi kỹ hơn về các cuộc tranh luận bầu cử ở nước Mỹ trong quá trình sơ bộ, đặc biệt là gần đây giữa hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ.
Như tôi đã nói, cuộc bầu cử lần này người ta tập trung khá là nhiều về những nội dung công ăn, việc làm, phúc lợi của cử tri cho nên hầu hết các tranh luận để tranh thủ cử tri đều tập trung vào những vấn đề hướng nội, những vấn đề bức xúc đang đặt ra cho người dân, từ công ăn việc làm đến vấn đề an ninh trước khủng bố, rồi vấn đề nhập cư, bảo đảm an sinh xã hội...
Nếu chúng ta nhìn lại cương lĩnh của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa thì mặc dù các cuộc thảo luận nó không nổi bật lên vấn đề đối ngoại nhưng đều thấy chính sách của Mỹ dù là đảng nào thì chắc chắc cũng gắn kết với châu Á - Thái Bình Dương bởi vì ở đây và Mỹ có nhu cầu phải tiếp tục quan hệ với khu vực này vì hòa bình, ổn định ở đây.
Tôi cho rằng một số cái trong thời gian vừa qua Mỹ đã tăng cường hợp tác với châu Á - Thái Bình Dương thì sẽ được tiếp tục.
Thứ nhất là cùng hợp tác với khu vực để đảm bảo hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực này. Thứ hai dù gì thì môi trường hòa bình ổn định như vậy phải dựa trên nỗ lực của tất cả các bên, đặc biệt là dựa trên luật pháp quốc tế.
Một điểm nữa là hợp tác với ASEAN và các diễn đàn của ASEAN sẽ tiếp tục được tăng cường, đặc biệt là phát huy quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Mỹ thông qua cuối năm 2015.
Còn về Biển Đông, Mỹ đã nói rất rõ là Mỹ cùng với ASEAN, đặc biệt nếu chúng ta nhìn lại tuyên bố Sunnylands vào tháng 2/2016, Mỹ tuyên bố ủng hộ việc đảm bảo hòa bình ổn định, an ninh an toàn, tự do hàng hải ở Biển Đông.
Thứ hai là các bên phải kiềm chế, tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS 1982) và giải quyết hòa bình các tranh chấp, thực hiện các cam kết của khu vực trong đó có DOC và tiến tới xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Cho rằng, các bên cần tranh thủ những nỗ lực ngoại giao cũng như trên cơ sở phán quyết của tòa án quốc tế để tiếp tục thúc đẩy hơn nữa việc bảo đảm giải quyết hòa bình các tranh chấp ở đây. Tôi cho rằng những cái mà ASEAN và Mỹ đã thực hiện như vậy cũng sẽ là những điểm chung của khu vực trong thời gian tới.
PV: Theo ông quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ sẽ thế nào khi nước Mỹ có tân Tổng thống?
Đại sứ Phạm Quang Vinh: Quan hệ giữa Mỹ với Việt Nam đến nay đã là 21 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.
Hai bên đã có những bước phát triển và điều quan trọng nhất là chúng ta cùng với Mỹ đã thiết lập được khuôn khổ ổn định và lâu dài. Đó là khuôn khổ đối tác toàn diện được thông qua từ 2013. Tiếp đó đã có nhiều chuyến thăm cấp cao và nhiều hoạt động dựa trên khuôn khổ đó.
Tôi tin rằng trong khuôn khổ Đối tác toàn diện, chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lần đầu tiên tới Mỹ (tháng 7/2015) và thông qua Tuyên bố về tầm nhìn vừa xác định, khẳng định lại quan hệ Đối tác toàn diện đồng thời định hướng quan hệ trong thời gian tới và chuyến thăm của Tổng thống Obama tới Việt Nam (tháng 5/2016) sẽ tiếp tục tạo đà cho quan hệ hai nước.
Điểm thứ hai phải nói là duy trì củng cố và phát triển hơn nữa quan hệ trên các lĩnh vực như khuôn khổ quan hệ Đối tác toàn diện đề ra là lợi ích song trùng của cả Việt Nam và Mỹ.
Ở đây là làm sao chúng ta khai thác hết tiềm năng của mối quan hệ đó, phát huy những lĩnh vực mà hai bên còn có thế mạnh.
Ví dụ, về chính trị, chắc chắn việc tiếp tục thúc đẩy các chuyến thăm cấp cao và các cấp, đồng thời thúc đẩy lòng tin, tôn trọng các nguyên tắc chỉ đạo của quan hệ trong đó có bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng lẫn nhau trong đó việc tôn trọng thể chế chính trị của nhau rất quan trọng và xuyên suốt.
Về hợp tác kinh tế, còn rất nhiều tiềm năng mà chúng ta có thể khai thác được và có những cơ hội mới mang lại do sự phát triển năng động của khu vực này và khi quan hệ Việt - Mỹ được tăng cường mà chúng ta có thể khai thác được thêm.
Điểm thứ ba là về đầu tư, Mỹ là nền kinh tế lớn và mạnh nhưng hiện nay đầu tư của Mỹ vào Việt Nam mới khoảng 11 tỉ USD, đứng thứ 7 trong số các quốc gia đầu tư vào Việt Nam.
Rõ ràng là còn rất nhiều tiềm năng để Mỹ có thể đầu tư thêm. Nhưng cách đầu tư của Mỹ không phải là nước đi cung cấp ODA mà quan hệ giữa Nhà nước với Nhà nước và Chính phủ với Chính phủ là làm sao tạo ra những khuôn khổ pháp lý để khuyến khích các nhà đầu tư, các công ty, doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào.
Do vậy, phía Việt Nam cũng phải trinh thủ, chủ động việc này.
Bên cạnh đó, giáo dục, khoa học, kỹ thuật, sáng tạo cũng là những lĩnh vực rất mạnh của Mỹ. Tôi tin rằng chắc chắn thời gian tới cùng với việc thúc đẩy quan hệ hai nước thì mảng giáo dục, khoa học kỹ thuật và sáng tạo (ở đây có thể là năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, lĩnh vực y tế, tăng cường năng suất trong nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản…) đó là những lĩnh vực ta có thể tranh thủ được rất nhiều.
PV: Ông có đánh giá như thế nào về triển vọng hợp tác an ninh quốc phòng Việt - Mỹ, đặc biệt là gần đây trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama, Mỹ đã tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vũ khí. Liệu Việt Nam sắp tới có đơn hàng nào mua vũ khí từ Mỹ?
Đại sứ Phạm Quang Vinh: Về hợp tác anh ninh, quốc phòng, trước hết phải khẳng định không phải đến lúc này ta mới có hợp tác an ninh quốc phòng.
Nếu chúng ta nhìn lại thì từ 2011 hai bên đã có bản ghi nhớ về hợp tác an ninh quốc phòng giữa hai nước trên 5 lĩnh vực, trong đó có việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc; ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu; hợp tác về an ninh, an toàn hàng hải, quân y...
Tháng 6/2015, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Aston Carter thăm Việt Nam và hai bên đã thông qua Tuyên bố về tầm nhìn hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng.
Ở đây có mấy việc: thứ nhất hợp tác quốc phòng là vì lợi ích của cả Việt Nam và khu vực. Thứ hai là nó phải phù hợp cho lợi ích và bước đi của Việt Nam, cho lợi ích phòng thủ tự vệ của Việt Nam là chính.
Do vậy, tiếp tục hợp tác về gìn giữ hòa bình để làm sao Việt Nam tham gia được tốt hơn vào lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.
Thứ hai là hợp tác về khắc phục hậu quả chiến tranh ở Việt Nam trong đó có việc tháo gỡ bom mìn, tẩy độc, giúp đỡ những người bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam.
Thứ ba là hợp tác và xây dựng về năng lực an ninh hàng hải sẽ được tiếp tục trong đó có những đào tạo về kỹ thuật chuyên môn.
Còn việc dỡ bỏ lệnh cấm vũ khí và hợp tác cụ thể thế nào thì trước hết ta còn đang tính nhu cầu của ta ra sao và thứ hai là phía Mỹ khả năng cung cấp đến đâu và cuối cùng là có phù hợp với chiến lược quốc phòng, bảo vệ an ninh tổ quốc của Việt Nam hay không.
Tôi cho rằng, những cái này các bên đang bàn còn cụ thể như thế nào, làm sao bảo đảm được các mục tiêu như trên thì còn chờ thời gian.
Xin cảm ơn Đại sứ!./.
Theo Nguyễn Hùng/VOV.VN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin