Tại buổi tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV, Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long khóa XIV đã nhận được nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri về việc phát huy dân chủ, công tác cán bộ, vấn đề nợ công, tình hình biển Đông, sự cố ô nhiễm môi trường,…
Tại buổi tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV, Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long khóa XIV đã nhận được nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri về việc phát huy dân chủ, công tác cán bộ, vấn đề nợ công, tình hình biển Đông, sự cố ô nhiễm môi trường,…
Cử tri kiến nghị các vấn đề quan tâm tại buổi tiếp xúc cử tri. |
Cử tri quan tâm vấn đề gì?
Tại hội trường Tỉnh ủy, khi tiếp xúc với cử tri là lãnh đạo, cán bộ công chức viên chức, cán bộ hưu trí, đại diện các lực lượng vũ trang, các trường ĐH và cử tri Phường 9, có rất nhiều ý kiến, kiến nghị được gửi gắm đến các vị đại biểu Quốc hội.
Ông Nguyễn Văn Lượng (cán bộ hưu trí, ngụ Phường 3- TP Vĩnh Long) nói: Phát huy quyền làm chủ là sợi chỉ đỏ xuyên suốt của Đảng, Nhà nước.
Nếu phát huy tốt vấn đề này, chúng ta sẽ tránh được mọi tiêu cực và phát huy được nội lực trong dân để đóng góp cho đất nước.
Thế nhưng, hiện nay dân chủ trong nội bộ và dân chủ trong dân chưa được phát huy đúng mức, trong đó có một sức ỳ rất lớn và dễ lây lan là sự vô cảm và thiếu trách nhiệm. Muốn có xã hội lành mạnh, văn minh và hiện đại thì nhất thiết phải phát huy được vấn đề này.
Ông cho rằng, việc phát huy dân chủ trong Đảng có vai trò rất quan trọng, từ việc lớn đến việc nhỏ phải được đem ra bàn bạc, đóng góp kịp thời.
Tuy nhiên, thời gian qua có rất nhiều tiêu cực, lãng phí, trong nội bộ thấy hết nhưng để “yên thân” thì cán bộ công chức không nói, không đấu tranh. Đây là vấn đề tệ hại nhất, làm cho hệ thống chính trị chúng ta mất uy tín.
Bà Đào Thị Biểu (cán bộ hưu trí, ở Phường 4- TP Vĩnh Long) cho rằng, cử tri rất lo lắng vấn đề ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, đề nghị Chính phủ có giải pháp gì để khắc phục và phòng ngừa.
Ngoài ra, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay làm cho người dân rất lo lắng, đi chợ không dám mua cá, mua thịt, mua rau vì sợ thuốc và chất cấm…
Đề nghị Nhà nước phải có giải pháp quản lý cho được, tăng cường kiểm tra, thông báo rõ cho dân biết những thực phẩm nào đảm bảo chất lượng.
Ngoài ra, một số ý kiến kiến nghị Quốc hội cần giám sát việc quản lý cán bộ các cấp, nhất là đạo đức công vụ, tình trạng tham nhũng, lãng phí.
Tình hình biển Đông sau phán quyết của Tòa Trọng tài tiếp tục có những diễn biến phức tạp và đề nghị cho biết quan điểm của Đảng, Nhà nước như thế nào?
Nên chọn việc để bố trí người
Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long, bà Đặng Thị Ngọc Thịnh- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước- đã giải trình cho cử tri một số vấn đề.
Theo bà Đặng Thị Ngọc Thịnh, việc phát huy dân chủ trong nhân dân chúng ta đã làm từ lâu, tuy nhiên để đạt yêu cầu và thỏa mãn chưa thì chắc phải tiếp tục phấn đấu, ngay trong bộ máy nhà nước cũng vậy.
Thời gian gần đây, việc phát huy dân chủ đã có nhiều chuyển biến, trong các cuộc họp đã có nhiều ý kiến phát biểu, các kỳ họp HĐND cũng có nhiều ý kiến chất vấn, trong tiếp xúc cử tri cũng có nhiều ý kiến của dân…
Đây cũng là thể hiện quyền dân chủ theo Hiến pháp. Tuy nhiên, để thực hiện cho tốt vấn đề này cũng cần một quá trình, đoàn sẽ tiếp thu ý kiến này của cử tri.
Xung quanh về công tác cán bộ, chúng ta rất ấn tượng với những câu nói của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc là: “Chúng ta phải chọn người tài, chứ không phải chọn người nhà”- dù là người tài đó ở chân trời góc biển nào đó cũng tìm để phục vụ nhân dân.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cũng lưu ý lãnh đạo tỉnh quan tâm rà soát công tác bổ nhiệm, quản lý cán bộ trên địa bàn tỉnh theo tinh thần của Thủ tướng.
Theo đó, nên lưu ý nên chọn người làm được việc, nghĩa là vì việc để bố trí người chứ không vì người để bố trí việc, không thể vì người nhà, bố trí theo cảm tính, cảm tình,…
Về tình hình biển Đông, ngày 12/7, Tòa Trọng tài Thường trực đã ra phán quyết bác bỏ đường 9 đoạn mà Trung Quốc nói là thuộc quyền sở hữu của họ và bác bỏ quyền lịch sử ở biển Đông mà Trung Quốc nói mình sở hữu cách đây 2.000 năm.
Đối với Việt Nam, theo người phát ngôn của Bộ Ngoại giao, Việt Nam hoan nghênh việc ra phán quyết, hiện chúng ta đang nghiên cứu bản phán quyết vì còn liên quan đến những vùng chồng lấn khác trên biển Đông.
Việt Nam luôn giữ vững lập trường giải quyết mọi tranh chấp trên cơ sở hòa bình, dựa trên luật pháp quốc tế, và đề nghị các nước liên quan không được đe dọa dùng vũ lực và sử dụng vũ lực giải quyết tranh chấp ở biển Đông.
Đối với vấn đề môi trường liên quan đến việc xả thải của Fomosa, Chính phủ cũng xem đây là sự cố về môi trường nghiêm trọng.
Dự án từng là niềm tự hào của tỉnh Hà Tĩnh khi thu hút đầu tư trên 4 tỷ USD, giải quyết việc làm khoảng 70.000 lao động, không chỉ làm tăng thu ngân sách cho tỉnh mà cả các vùng lân cận.
Khi sự cố xảy ra, đến 3 tháng sau chúng ta mới công bố sau quá trình điều tra, kiểm tra có sự huy động của cả các nhà khoa học, các chuyên gia quốc tế thì Fomasa mới cúi đầu nhận lỗi.
Hậu quả như chúng ta đã biết, làm lượng cá chết tự nhiên hàng trăm tấn, có tới trên 17.600 tàu cá và gần 41.000 người đã bị ảnh hưởng trực tiếp, trên 176.000 người phụ thuộc bị ảnh hưởng theo.
Về vùng đa dạng sinh học, vùng triều bị ảnh hưởng, có 450ha diện tích san hô bị ảnh hưởng trực tiếp, sự cố gây nhiều bức xúc trong xã hội, gây mất niềm tin trong nhân dân, sự việc còn tiềm ẩn nguy cơ an ninh khi nhân dân lo lắng về sinh kế, thất nghiệp, thậm chí nợ nần, phá sản do không tiêu thụ được hải sản,…
Về giải pháp trong thời gian tới, Chính phủ đề ra 6 giải pháp khắc phục, trước hết phải chăm lo ổn định cuộc sống, hỗ trợ, bồi thường thiệt hại cho người dân; giám sát hoạt động xả thải và xử phạt vi phạm hành chính cũng như việc khắc phục các vi phạm của Fomosa (họ hứa sẽ khắc phục vi phạm); quan trắc chất lượng môi trường nước biển và đánh giá thiệt hại về môi trường cũng như các giải pháp khắc phục; xây dựng hệ thống quan trắc và cảnh báo về môi trường cũng như hệ thống cơ sở dữ liệu về chất lượng môi trường ở các tỉnh ven biển miền Trung; rà soát, thanh tra, kiểm tra các nguồn thải lớn ra sông, ra biển; cuối cùng là kiểm điểm trách nhiệm và các giải pháp khắc phục tồn tại trong công tác quản lý nhà nước và trách nhiệm bảo vệ môi trường.
Sẽ tinh giản biên chế khoảng 270.000 người Giải trình thêm về vấn đề nợ công, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho rằng, đây là vấn đề cũng được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm. Theo báo cáo của Chính phủ, nợ công vẫn còn trong ngưỡng an toàn, nghĩa là khả năng trả nợ chúng ta còn đáp ứng được. Và để khắc phục kéo giảm nợ công, tránh bội chi ngân sách, Chính phủ đề ra nhiều giải pháp quyết liệt, trong đó có giải pháp tinh giản biên chế. Chúng ta không thể chấp nhận một bộ máy hưởng lương từ ngân sách nhà nước quá lớn như hiện nay. Hiện cả nước có khoảng 2,7 triệu người hưởng lương; 4,5 triệu người hưởng như lương (cán bộ không chuyên trách, tổ dân phố, bản, làng, khóm, ấp…); khoảng 3,5 triệu người nữa hưởng các chế độ phụ cấp khác, cộng lại trên 11 triệu người hưởng lương và như lương, liên quan đến ngân sách phải chi. Hiện nay, nước ta có hơn 90 triệu người, như vậy số lượng người hưởng lương chiếm trên 12% dân số. Vì thế, Chính phủ quyết tâm sẽ tinh giản biên chế. Theo đó, phấn đấu đến năm 2021, phải giảm ít nhất 10%, có nghĩa là với 2,7 triệu người hưởng lương, đến năm 2021 sẽ giảm khoảng 270.000 người. |
Bài, ảnh: THANH TÂM
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin