Buổi họp mặt diễn ra chiều 21/8 tại thành phố Cần Thơ, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh VGP) |
Buổi họp mặt diễn ra chiều 21/8 tại thành phố Cần Thơ, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ.
Tham dự buổi gặp mặt có các đồng chí nguyên là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, các tỉnh, thành trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long và các đồng chí Bí thư tỉnh ủy của các tỉnh trong vùng.
Tại buổi gặp mặt, ông Sơn Minh Thắng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đã báo cáo tới các đại biểu về tình hình của vùng đồng bằng sông Cửu Long những tháng đầu năm 2016, mặc dù chịu nhiều tác động của thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn nhưng kinh tế, xã hội của vùng tiếp tục có bước phát triển, an ninh-quốc phòng được giữ vững, ổn định.
Cụ thể, sản lượng lúa Đông Xuân và Hè Thu đã thu hoạch trên 15 triệu tấn, sản lượng thủy sản ước đạt 1,65 triệu tấn; giá trị sản xuất công nghiệp đạt 315.000 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu đạt 7 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái, nhập khẩu 3,5 tỷ USD.
Công tác phát triển giáo dục, đào tạo, y tế, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được các cấp ủy, chính quyền và xã hội quan tâm thực hiện, với nhiều chỉ tiêu cao hơn trung bình của cả nước như 56,4% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, 20,9 giường bệnh/1 vạn dân, 94,4% trạm y tế xã có bác sĩ…
Các địa phương cũng thực hiện hiệu quả công tác lao động, việc làm và chăm lo cho người có công, giải quyết việc làm mới cho trên 204.500 lao động.
Sau Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ được kiện toàn, tiếp nối thành tựu của các thời kỳ trước đã tổ chức thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng. Theo đó, chủ trì và tổ chức thành công Diễn đàn Hợp tác kinh tế đồng bằng sông Cửu Long - Hậu Giang 2016;
thống nhất, tập trung nguồn lực thực hiện Quy chế thí điểm liên kết vùng giai đoạn 2016-2020; tăng cường nghiên cứu, đề xuất, kiến nghị với Thủ tướng, các bộ, ban ngành Trung ương các giải pháp phát triển nông nghiệp theo hướng liên kết vùng, quy mô lớn, áp dụng công nghệ kỹ thuật cao vào sản xuất, chế biến, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm…
Từ nay tới cuối năm, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề quan trọng liên quan đến sự phát triển của vùng như huy động nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông và logistics; Hội nghị chuyên đề về công tác dân tộc, tôn giáo, quốc phòng, an ninh, giải quyết vấn đề sinh kế cho kiều bào Campuchia về Việt Nam; Hội nghị về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp, tín dụng cho sản xuất vùng đồng bằng sông Cửu Long; hội nghị chuyên đề về tái cơ cấu nông nghiệp gắn với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thủy lợi…
Tại Hội nghị, các đồng chí nguyên là lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, các tỉnh, thành phố trong vùng đánh giá cao những kết quả hoạt động của Ban Chỉ đạo trong thời gian qua, phối hợp hiệu quả với các bộ, ban, ngành Trung ương trong việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân trong vùng.
Tuy nhiên, các ý kiến cũng bày tỏ đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức đến từ thiên tai, hạn hán, cơ sở vật chất còn thiếu thốn và sự chống phá của các thế lực thù địch,... cần sự quan tâm nhiều hơn nữa của Đảng, Nhà nước.
Phát biểu tại buổi họp mặt, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chân thành cảm ơn những ý kiến đóng góp quý báu, tâm huyết của các đại biểu nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước nói chung.
Phó Thủ tướng cho biết cho biết, Trưởng ban và Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ hiện nay đều là những người vừa nhận nhiệm vụ mới nên rất mong những người đi trước tiếp tục quan tâm, thường xuyên đóng góp ý kiến, phê bình, hiến kế để Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ làm tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ của mình.
Theo Phó Thủ tướng, những tháng đầu năm 2016, bên cạnh những thuận lợi và kết quả đã đạt được, toàn vùng còn gặp nhiều khó khăn như tình hình xâm nhập mặn và khô hạn diễn ra gay gắt, kinh tế - xã hội phát triển chưa được như mong muốn, nhiều lĩnh vực trong nông nghiệp bị sụt giảm, xuất khẩu hàng hóa tăng chậm...
Đây cũng là những thách thức rất nặng nề cho các địa phương và đặt ra vấn đề là phải làm mọi cách để bù vào những thiếu hụt của những tháng đầu năm. Với chức năng, nhiệm vụ được Bộ Chính trị giao, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ sẽ cố gắng làm được việc, nói đi đôi với làm và làm đến nơi đến chốn, tập trung đôn đốc các bộ, ngành và các địa phương thực hiện.
Phó Thủ tướng mong rằng với kinh nghiệm lâu năm trên nhiều lĩnh vực, với tâm huyết và trách nhiệm, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo sẽ tiếp tục có những ý kiến đóng góp quý báu trong việc định hướng, chỉ đạo, xây dựng chủ trương, giải pháp phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long mạnh mẽ hơn nữa, giúp cho Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ có giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ để làm tốt nhiệm vụ được giao trong thời gian tới.
Cũng tại buổi họp mặt, các đại biểu từng đảm nhận các vị trí lãnh đạo của Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ đã phát biểu nhiều ý kiến hết sức tâm huyết, đóng góp, kiến nghị nhiều nội dung quan trọng nhằm góp phần đưa vùng Tây Nam bộ phát triển nhanh hơn, vững chắc hơn cũng như hoạt động của Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ sẽ ngày càng hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Cụ thể, các đại biểu đã kiến nghị với các bộ, ngành Trung ương, Chính phủ cần tăng cường quan tâm khai thác, sử dụng luồng kênh đào Quan Chánh Bố để vận chuyển, xuất khẩu hàng hóa nông sản cho vùng; tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh hệ thống giao thông, thủy lợi; quan tâm đầu tư phát triển nguồn nhân lực; tiếp tục quan tâm nhiều hơn và triển khai đồng bộ các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, các chính sách phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay nhằm bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ...
Theo TTXVN,VGP
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin