Sau vụ việc của ông Thanh, chúng ta xem xét lại toàn bộ quy trình bổ nhiệm, đề bạt, luân chuyển, biệt phái cán bộ về cơ sở.
Sau vụ việc của ông Thanh, chúng ta xem xét lại toàn bộ quy trình bổ nhiệm, đề bạt, luân chuyển, biệt phái cán bộ về cơ sở.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có kết luận rõ về những sai phạm của ông Trịnh Xuân Thanh, Tỉnh ủy viên, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2011-2016. Ông Trịnh Xuân Thanh đã mắc nhiều sai phạm nhưng đã nhanh chóng vượt qua nhiều "cửa" một cách không bình thường để trở thành Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, rồi trúng cử Đại biểu Quốc hội.
Qua vụ việc này, đặt ra yêu cầu cấp bách về đổi mới công tác về bổ nhiệm cán bộ.
Phóng viên VOV thường trú khu vực ĐBSCL phỏng vấn Tiến sĩ Nguyễn Quốc Dũng, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực IV.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Dũng |
PV: Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã ra thông báo về kỳ họp thứ 4 và thứ 5 của Uỷ ban, trong đó, có nội dung về ông Trịnh Xuân Thanh. Điều gì trong kết luận này khiến ông trăn trở nhất?
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Dũng: Trước hết, chúng tôi hoan nghênh quyết tâm của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là người đứng đầu Đảng ta, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong quyết tâm làm rõ việc bố trí cán bộ không đúng quy trình.
Đây cũng là dịp chúng ta xem xét lại toàn bộ quy trình bổ nhiệm, đề bạt, luân chuyển, biệt phái cán bộ về cơ sở. Một quy trình rất hay, mang ý nghĩa rất tốt trong đào tạo cán bộ. Một quy trình mang tính khoa học như vậy, nhưng trong quá trình thực hiện lại có một số trường hợp sai. Đấy là điều chúng tôi phải suy nghĩ.
Một cán bộ có nhiều sai phạm trong điều hành, quản lý từ phía doanh nghiệp, chưa hoàn thành nhiệm vụ của mình, lại được bố trí đi thực tế để nhận vị trí cao hơn. Vụ việc này gây phản cảm, bất bình trong dư luận.
PV: Qua vụ việc này, theo ông có thể rút ra những bài học nào về công tác cán bộ?
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Dũng: Có hai bài học đắt giá qua vụ việc này. Thứ nhất, đó là phía Chi bộ cơ sở. Chi bộ cơ sở phải là nơi nhận thức rõ nhất, đánh giá đầy đủ nhất về phẩm chất, tư duy và năng lực hành động thực tiễn của cán bộ tại đó và phải phát huy vai trò cơ sở này. Tuy nhiên, trong thực tế, những năm qua, vai trò cơ sở ở một số nơi, qua vụ việc của ông Trịnh Xuân Thanh, cho thấy cơ sở chưa đấu tranh đủ mạnh, vẫn còn tắc ở đâu đó. Vì vậy, phải rà soát lại từ phía cơ sở, chi bộ.
Thứ hai, đó là quy trình từ phía các cơ quan cao nhất, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Ban Tổ chức các Tổng công ty, Doanh nghiệp Nhà nước. Các cơ quan này phải công tâm, làm đúng yêu cầu của Đảng, Nhà nước về việc đánh giá cán bộ.
Cả hai mặt này đều phải rút kinh nghiệm.
PV: Ông Trịnh Xuân Thanh không thuộc diện cán bộ luân chuyển theo Kết luận 146-KL/TW, ngày 4/10/2013. Theo ông, trong thời gian tới, cần làm gì để tránh xảy ra những trường hợp tương tự?
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Dũng: Tôi rất bất ngờ khi được thông báo ông Trịnh Xuân Thanh không nằm trong danh sách luân chuyển. Tôi bất ngờ vì trong lĩnh vực rất quan trọng, có liên hệ mật thiết đến sự sống còn của đất nước mà lại có những trường hợp không nằm trong quy hoạch vẫn được bố trí đi luân chuyển.
Bây giờ, phải rà soát toàn bộ các đối tượng đi luân chuyển trong thời gian vừa qua, xem xét những đồng chí này có vấn đề gì nữa không để chúng ta giải quyết dứt điểm, không thể thừa nhận một chuyện đã rồi. Mặt khác, chúng ta phải tính toán lại thật kỹ lưỡng để có cách tổ chức việc luân chuyển cán bộ. Thông qua Hội đồng chẳng hạn, chứ không phải một vài cá nhân hay một vài tổ chức nào đó quyết định. Và theo tôi, bây giờ nên công khai các chức danh, chức vụ, để mọi người tiến cử.
Theo tôi, hướng tới, quy trình nên công khai rộng rãi và danh sách cán bộ đi luân chuyển, đến ngày, tháng, năm nào cũng nên đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng. Việc bố trí cán bộ của Đảng, Nhà nước ở cơ sở không phải là bí mật quốc gia, cũng nên công khai để nhân dân giám sát, kiểm tra. Khi đó, cá nhân người được biệt phái cũng thấy đầy đủ trách nhiệm của mình khi đi thực tế ở địa phương.
Cần chú ý đến quy trình phát hiện, tuyển chọn bồi dưỡng và bố trí; đặc biệt là khâu phát hiện từ thực tế công tác của cán bộ mà chúng ta cho đi luân chuyển trước khi đề bạt cao hơn.
PV: Ngay sau khi giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị các địa phương tiến cử người tài. Ông có cho rằng, đó cũng chính là một trong những bài học chúng ta cần phải học tập và làm theo?
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Dũng: Sau tháng 8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra một sắc lệnh về việc đề nghị các Đảng bộ, Chi bộ, Tỉnh bộ tiến cử người tài. Tôi cho rằng, phải quán triệt thực hiện bằng được tư tưởng ấy của Bác Hồ.
Bên cạnh sự sáng suốt của tổ chức, cũng phải có những nhân sự được tiến cử từ phía cơ sở và địa phương. Đất nước ta không thiếu người giỏi. Nếu chúng ta tạo môi trường, điều kiện thuận lợi, có một cơ chế rõ ràng, những người giỏi sẽ xuất hiện. Trong lĩnh vực quản lý, lãnh đạo đất nước, rất cần những người giỏi, bản lĩnh.
PV: Xin cảm ơn ông.
Theo Hữu Trãi - Văn Hải (VOV.VN)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin