Ngoại trừ trường hợp PCA ra phán quyết có lợi rõ rệt cho Trung Quốc, cả 2 trường hợp còn lại đều đẩy Trung Quốc vào thế "tiến thoái lưỡng nan".
Ngoại trừ trường hợp PCA ra phán quyết có lợi rõ rệt cho Trung Quốc, cả 2 trường hợp còn lại đều đẩy Trung Quốc vào thế “tiến thoái lưỡng nan”.
Thua ngay từ yêu sách “đường 9 đoạn”
Như đã nói ở bài 1, vụ Philippines kiện Trung Quốc ở Biển Đông chủ yếu là nhằm vào yêu sách “9 chín đoạn”- mắt xích yếu nhất trong tham vọng bành trướng của Trung Quốc.
Nếu Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tuyên bố rằng, chủ quyền lãnh hải của một quốc gia ven biển chỉ được xác định từ đất liền hoặc các thực thể trên biển thuộc chủ quyền của quốc gia đó được thế giới công nhận chứ không phải bằng các chứng cứ lịch sử và các bản đồ cổ [dù có thật chứ không phải được “chế” ra như Trung Quốc] thì “9 chín đoạn” sẽ bị coi là vô giá trị.
Hình ảnh vệ tinh một loạt các công trình mà Trung Quốc xây dựng phi pháp trên bãi Chữ Thập ở Biển Đông. Ảnh CSIS |
Khi đó, tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc sẽ chỉ còn bó gọn ở quần đảo Trường Sa. Thực thế duy nhất nằm gần khu vực này liên quan đến vụ Philippines kiện Trung Quốc là bãi cạn Scarborough và vùng lãnh hải 12 hải lý tính từ bãi cạn này không hề chồng lấp với bất kỳ thực thể nào khác tại đó.
Thứ chồng lấp duy nhất với bãi cạn Scarborough chính là “đường 9 đoạn” nên nếu “đường 9 đoạn” này bị coi là vô giá trị, khu vực 12 hải lý quanh bãi cạn Scarborough sẽ không còn chồng lấp với bất kỳ thực thể nào quanh đó như đã nói ở trên.
Tuy nhiên, trên thực tế, tại quần đảo Trường Sa, các thực thể như rặng san hô, bãi cạn hay đảo đều đã “có chủ”- nói cách khác đều thuộc quyền kiểm soát của các bên có liên quan khác ngoài Trung Quốc và Philippines như Việt Nam và Malaysia.
Chính vì vậy, trong vụ kiện này, PCA sẽ phải xác định chủ quyền lãnh hải đối với các thực thể nói trên. Cụ thể, PCA sẽ phải nêu rõ thực thể nào được phép xác lập vùng 12 hải lý hay 200 hải lý hay không được xác lập gì.
3 kịch bản phán quyết của PCA
Trong trường hợp PCA ra phán quyết công nhận chứng cứ lịch sử và bản đồ cổ [ngụy tạo] của Trung Quốc cũng như chấp thuận yêu sách “đường 9 đoạn”, PCA có thể sẽ phải tuyên bố mình không có đủ chứng cứ cụ thể để xác định chủ quyền lãnh hải của các nước ở Biển Đông.
Phán quyết này được cho là sẽ trở thành “phao cứu sinh” cho Trung Quốc và khiến mọi cuộc đàm phán về tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông trở thành bất khả thi.
Ngoài ra, phán quyết nói trên sẽ tạo ra “lý lẽ pháp lý” để Trung Quốc có cớ dùng vũ lực đẩy các nước có tranh chấp khác khỏi Biển Đông và thúc đẩy một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực. Phán quyết này có thể cũng buộc Mỹ phải điều thêm Hải quân đến khu vực dẫn đến nguy cơ về một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, điều này hầu như “không thể xảy ra”.
Trong trường hợp PCA ra phán quyết ngược lại và công nhận tuyên bố của Philippines rằng chủ quyền lãnh hải của Trung Quốc chỉ được tính từ đại lục ra biển chứ không phải là các thực thể như đảo, bãi đá hay rặng san hô… ở Biển Đông. Nếu vậy, vụ kiện này sẽ chỉ giới hạn ở một khu vực rất nhỏ với chủ quyền lãnh hải giới hạn tối đa trong vòng 12 hải lý.
Như vậy, Trung Quốc sẽ “mất tất cả” trong vụ này và sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải tạo đảo và “dựng thành lũy” bảo vệ các đảo mà nước này chiếm đóng phi pháp thay vì chấp thuận phán quyết của PCA. Điều này cũng sẽ dẫn đến việc leo thang căng thẳng trong khu vực.
Chính vì thế, nhiều nhà quan sát cho rằng, PCA sẽ không ra phán quyết có lợi rõ ràng cho Philippines hay Trung Quốc. Theo đó, PCA sẽ tuyên bố “đường 9 đoạn” là không tuân thủ luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, PCA sẽ ra phán quyết mở về việc xác định chủ quyền lãnh hải ở Biển Đông để các bên “rộng đường” đàm phán tiếp.
Các nhà quan sát cũng đã đưa ra 2 trường hợp nhỏ hơn mà PCA sẽ đưa ra trong phán quyết của mình trong trường hợp này:
1. Mọi thực thể nổi trên mặt nước khi triều lên sẽ được coi là đảo và trở thành căn cứ để tính Vùng Đặc quyền Kinh tế 200 hải lý quanh đó. Điều này sẽ dẫn đến sự chồng lấp rất lớn giữa các quốc gia trong khu vực bởi các đảo tranh chấp ở Trường Sa nằm rất gần nhau.
Việc chồng lấp này sẽ được giải quyết theo cơ chế hòa giải bắt buộc và Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNLOCS) sẽ là căn cứ để giải quyết tranh chấp.
Với số lượng lớn các bãi đá mà Trung Quốc chiếm đóng [trái phép] ở Trường Sa, Trung Quốc có thể dựa vào đó để chiếm trọn một vùng rộng lớn ở Biển Đông [dù nhỏ hơn rất nhiều so với khu vực nằm trong yêu sách “đường 9 đoạn”] và đòi đàm phán song phương với từng quốc gia có liên quan để giải quyết tranh chấp.
2. Những thực thể nhỏ nhất, bao gồm bãi cạn Scarborough, cũng được coi là đảo đá và có thể dựa vào đó để xác lập lãnh hải 12 hải lý. Từ đó, PCA sẽ để ngỏ việc đàm phán giữa các nước về việc các thực thể lớn hơn- đặc biệt là những thực thể có thể canh tác trên đó- có thể được coi là đảo và xác lập vùng EEZ 200 hải lý hay không.
Điều này vẫn sẽ tạo ra các khu vực chồng lấp rất lớn và thậm chí còn có thể trao cho Trung Quốc quyền thiết lập EEZ ở các đảo nhân tạo. Tuy nhiên, ít nhất trường hợp này các bên sẽ phải cùng thống nhất về cách xác định chủ quyền dựa trên các thực thể cụ thể theo UNCLOS. Điều này cũng mở đường cho các cuộc đàm phán giữa Trung Quốc với các bên liên quan.
Biển Đông hậu phán quyết PCA sẽ như thế nào?
Ngay trước thời điểm PCA ra phán quyết ngày 12/7, tình hình Biển Đông đã khá căng thẳng và các bên đã nhiều lần “lời qua tiếng lại với nhau”.
Gần đây, Trung Quốc đã tiến hành các cuộc tập trận quanh quần đảo Hoàng Sa trong khi Mỹ cũng điều các tàu khu trục tuần tra quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc cải tạo phi pháp ở quần đảo Trường Sa.
Trung Quốc từ trước đến nay vẫn tỏ thái độ ngang ngược và sẽ càng ngang ngược hơn nhất là trong bối cảnh các chuyên gia dự đoán phán quyết của PCA sẽ gây bất lợi cho Trung Quốc.
Trung Quốc từng tuyên bố sẽ “không chịu lùi bước nào” và liên tục khẳng định rằng việc xét xử của PCA “chỉ là trò hề” và phán quyết sắp tới là “phi pháp và không có giá trị gì”.
Thậm chí, Trung Quốc được cho là sẽ sớm thành lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở Biển Đông và điều chiến đấu cơ đến các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng sẽ tìm cách cải tạo bãi cạn Scarborough thành các đảo nhân tạo. Điều này được cho là “vượt quá ranh giới đỏ” mà Mỹ đặt ra.
Đáp lại, Mỹ sẽ tiếp tục tăng cường các cuộc tuần tra quanh các đảo nhân tạo của Trung Quốc và hợp tác cùng các đồng minh để buộc Trung Quốc tôn trọng phán quyết của PCA. Nhật Bản, một đồng minh của Mỹ, được cho là sẽ điều thêm tàu đến Biển Đông để hỗ trợ các cuộc tuần tra của Mỹ.
Tuy nhiên, mọi ánh mắt sẽ đổ dồn về phía ASEAN bởi chính ASEAN cần phải đóng vai trò hàng đầu trong việc liên kết các bên có liên quan nhằm buộc Trung Quốc phải thừa nhận rằng, phán quyết của PCA có tình ràng buộc với tất cả các bên kể Trung Quốc.
Các chuyên gia cho rằng, về lâu dài, ASEAN cần thuyết phục Trung Quốc rằng, nếu muốn trở thành một nước lớn đáng tôn trọng tại châu Á, Trung Quốc cần phải tuân thủ luật pháp quốc tế kể cả khi phán quyết đó đi ngược lại với lợi ích của Trung Quốc.
Theo Trần Khánh (VOV.VN)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin