Cần có giải pháp lâu dài ứng phó với biến đổi khí hậu

03:07, 20/07/2016

Có rất nhiều ý kiến bức xúc của cử tri liên quan đến quản lý bộ máy Nhà nước, tình hình biển Đông, biến đổi khí hậu được gởi tới Quốc hội.

Ngày 20/7, trong phiên khai mạc kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN Nguyễn Thiện Nhân đã báo cáo kết quả ý kiến, kiến nghị của cử tri. Có rất nhiều ý kiến bức xúc của cử tri liên quan đến quản lý bộ máy Nhà nước, tình hình biển Đông, biến đổi khí hậu được gởi tới Quốc hội.

* Cần có cơ chế để nhân dân giám sát cán bộ

Cần có giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu trước mắt cũng như lâu dài.
Cần có giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu trước mắt cũng như lâu dài.

Cử tri và nhân dân đánh giá cao việc Quốc hội khóa XIII đã tập trung xây dựng và thông qua Hiến pháp năm 2013 và hệ thống văn bản pháp luật để cụ thể hóa Hiến pháp, tạo nền tảng pháp lý, đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ đất nước và hội nhập quốc tế.   

Tuy nhiên, cử tri và nhân dân cũng có nhiều ý kiến về các hạn chế trong nhiệm kỳ vừa qua như: việc quán triệt, thể chế hóa để thực hiện chủ trương của Đảng, thi hành Hiến pháp, pháp luật, Nghị quyết của Quốc hội trong một số lĩnh vực chưa kịp thời.

Việc thực thi pháp luật ở nhiều nơi chưa nghiêm túc; công tác phối hợp nghiên cứu, xây dựng luật, pháp lệnh còn chưa chặt chẽ, dẫn đến một số văn bản, quy định ban hành chất lượng chưa cao, thậm chí còn nhiều sai sót.

Bộ máy hành chính nhà nước ở nhiều bộ, ngành, địa phương, đơn vị vẫn chưa tinh gọn. Việc phân định chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước có lĩnh vực còn chồng chéo hoặc chưa bao quát hết các hoạt động trong thực tiễn.

Cử tri và nhân dân mong muốn các hạn chế này sẽ được Quốc hội khóa XIV, HĐND các cấp và các cơ quan nhà nước quan tâm, ngay từ những phiên họp đầu nhiệm kỳ phải đưa vào chương trình, kế hoạch hoạt động của mình để giải quyết một cách triệt để.

Đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan tư pháp tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp quyết liệt phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tăng cường công tác quản lý, giám sát việc bố trí cán bộ, công chức, nhất là đối với các chức danh lãnh đạo ở các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp nhà nước, chính quyền địa phương.

Trong nhiệm kỳ này, Quốc hội cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế pháp luật để thể chế hóa và thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” theo tinh thần Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

Đề nghị có cơ chế cụ thể để nhân dân thông qua MTTQ các cấp giám sát đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước, trước hết là đối với những người đứng đầu cơ quan nhà nước ở cơ sở.

* Cần có giải pháp lâu dài ứng phó với biến đổi khí hậu

Cần có giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu trước mắt cũng như lâu dài.
Chính phủ nên có chính sách, giải pháp cấp bách hỗ trợ nhân dân ổn định đời sống và sản xuất do biến đổi khí hậu.

Cử tri và nhân dân cả nước rất lo lắng, bất bình trước việc Trung Quốc tiếp tục gia tăng các hoạt động bồi đắp, xây dựng các công trình, bố trí vũ khí, quân đội tại các đảo, bãi đá trái luật pháp quốc tế thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và tàu thuyền của Trung Quốc hành hung, cướp phá tài sản, ngư cụ của ngư dân Việt Nam.

Những việc này làm gia tăng sự bất ổn trong khu vực, đe dọa tự do hàng hải, vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) được ký giữa các nước ASEAN và Trung Quốc.

Cử tri và nhân dân mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục có các giải pháp đấu tranh đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả, vừa bảo đảm giữ vững chủ quyền biển, đảo của quốc gia, vừa bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; mở rộng và tăng cường các hoạt động tuyên truyền đối ngoại để cộng đồng quốc tế hiểu và ủng hộ sự chính nghĩa, ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo của nhân dân ta; sớm đưa nước ta trở thành nước mạnh về kinh tế biển trong khu vực.

Song song đó, trước những biến đổi khí hậu gây tác hại nghiêm trọng và có xu hướng không đảo ngược trong một thời gian dài như hạn hán trên diện rộng ở Tây Nguyên và Nam Trung bộ, thiếu nước và xâm nhập mặn ở ĐBSCL, cử tri và nhân dân đề nghị Chính phủ và chính quyền các địa phương sớm nghiên cứu, công bố và triển khai các giải pháp cơ bản, lâu dài.

Đồng thời hướng dẫn và hỗ trợ nhân dân thực hiện các giải pháp trước mắt để giảm thiểu tác hại, ổn định đời sống và tiếp tục phát triển kinh tế phù hợp với đặc điểm của từng vùng, địa phương.

Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương có chính sách, giải pháp cấp bách hỗ trợ nhân dân ổn định đời sống và sản xuất, thích ứng với hạn hán, xâm nhập mặn.

Đồng thời tập trung nghiên cứu, đưa ra các biện pháp căn bản, lâu dài để ứng phó với biến đổi khí hậu; trong đó, chú trọng việc tái cơ cấu các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, nhất là đối với ngành nông nghiệp.

Đề nghị có cơ chế để MTTQ và nhân dân giám sát việc thực hiện chương trình hành động, lời hứa của mỗi đại biểu

Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, cử tri ghi nhận và đặc biệt quan tâm các chương trình hành động cũng như lời hứa của những người ứng cử tại các hội nghị tiếp xúc cử tri và mong muốn những người trúng cử thực hiện đầy đủ chương trình hành động và lời hứa của mình.

Đồng thời, đề nghị có cơ chế để MTTQ và nhân dân giám sát việc thực hiện chương trình hành động, lời hứa của mỗi đại biểu.

Cử tri và nhân dân mong muốn các đại biểu Quốc hội khóa XIV, đại biểu HĐND nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016- 2021 thực hiện tốt trách nhiệm của người đại biểu nhân dân; thường xuyên tiếp xúc, lắng nghe ý kiến và phản ánh đầy đủ, trung thực tâm tư, nguyện vọng, ý kiến, kiến nghị của nhân dân với các cơ quan Nhà nước; giám sát, đôn đốc các cơ quan nhà nước giải quyết các kiến nghị của nhân dân để trả lời cho nhân dân. 

 

Bài, ảnh: THANH TÂM

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh