Đại biểu Quốc hội cho rằng, nếu việc bổ nhiệm cán bộ là sai luật thì đương nhiên phải đỉnh chỉ ngay chức vụ người đang đương chức.
Đại biểu Quốc hội cho rằng, nếu việc bổ nhiệm cán bộ là sai luật thì đương nhiên phải đỉnh chỉ ngay chức vụ người đang đương chức.
Công tác cán bộ cũng như quy trình bổ nhiệm nhân sự tại Bộ Công Thương thời ông Vũ Huy Hoàng còn đương chức Bộ trưởng liên tiếp được Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) chỉ rõ những sai sót.
Theo đó, việc Bộ Công Thương điều động ông Vũ Quang Hải (con trai cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng) làm Phó Giám đốc Tổng Công ty CP rượu, bia, nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) là “mang đậm tính vụ lợi” và vi phạm Luật Phòng chống tham nhũng năm 2015 về “nghiêm cấm hành vi lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ vì vụ lợi”.
Đại biểu Đặng Thuần Phong, Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre lo ngại tình trạng luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ thời gian gần đây. |
Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình cũng đã có ý kiến chỉ đạo, yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công Thương kiểm tra, xem xét giải quyết kiến nghị của VAFI liên quan tới công tác bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải tại Sabeco.
Đại biểu Đặng Thuần Phong, Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre đánh giá, tình trạng luận chuyển, bổ nhiệm cán bộ thời gian gần đây rất đáng lo ngại.
Hiện tượng này không đơn thuần chỉ ở chỗ này, chỗ kia mà đang xuất hiện ở rất nhiều nơi, có huyện cả dòng họ làm lãnh đạo, người thân trong gia đình thay nhau làm lãnh đạo…
Ở các Bộ, ngành cũng có nhiều tình trạng tạo điều kiện đưa con cháu mình vào làm việc và cất nhắc lên những vị trí quan trọng. Vấn đề này đã không khỏi gây bức xúc, nhưng tình trạng này đã phổ biến hay chưa thì còn phải rà soát rất chặt chẽ về mặt quy trình.
“Trường hợp nào cũng nói quy trình đúng nhưng khi xét đến con người cụ thể lại có chuyện này chuyện nọ khiến các ĐBQH đã rất rất bức xúc. ĐBQH đã từng phát biểu nhiều về “nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ, bốn trí tuệ”.
Thế nhưng bây giờ tiêu chuẩn của trí tuệ còn có thể đã rơi xuống hàng thứ 5, thứ 6 khi đứng sau “đồ đệ và người thân của ghệ”, Đại biểu Đặng Thuần Phong chia sẻ.
Do đó, theo nhận định của Đại biểu Đặng Thuần Phong, không thể có quy trình đúng mà lại đưa ra được những con người vào vị trí sai, không đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân.
Nếu vẫn cứ xem những quy trình đó là đúng sẽ gây mất công bằng xã hội, con em của những người bình thường sẽ không có cơ hội để kiếm được việc làm và phát triển được khả năng của mình.
Vì thế, Đại biểu Đặng Thuần Phong khẳng định, nếu vấn đề này không được xử lý tốt và nếu còn để kéo dài thì hậu quả sẽ khôn lường và lòng tin của người dân đối với xã hội, với Đảng, Nhà nước sẽ giảm đi.
Tuy nhiên, với chỉ đạo quyết liệt của Tổng Bí thư, những vấn đề này sẽ được bộc bạch, phơi bày ra để được xử lý một cách rốt ráo hơn, tốt hơn để lấy lại lòng tin của nhân dân.
Cũng trong thời gian qua, nhiều ý kiến cho rằng việc nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng bổ nhiệm chính con trai của mình vào những vị trí quan trọng trong các đơn vị trực thuộc Bộ quản lý là đã có sự “vào cuộc và nghiên cứu” của cả bộ máy.
Nhận định của Đại biểu Đặng Thuần Phong cho rằng, nếu đây đúng là quy trình khách quan thì hoàn toàn không có vấn đề gì. Nhưng nếu lãnh đạo cấp cao cố tình “gài” người của mình và yêu cầu “đàn em, đồ đệ” làm theo quy trình nào đó thì chắc chắn bản thân quy trình đó là sai.
“Ai đã quyết định quy trình đó? Chúng ta có quy trách nhiệm cho người quyết định quy trình đó không? Anh quyết định quy trình đúng nhưng cách làm là sai thì xử lý như thế nào”, Đại biểu Phong đặt nhiều dấu hỏi.
“Dường như chúng ta không có chế tài gì, cũng không thấy đồng chí nào bị phê bình, những vấn đề đó gây bức xúc trong xã hội nhưng cũng không thấy ai lên tiếng chịu trách nhiệm mà đổ qua đổ lại. Sắp tới, về mặt tổ chức phải tính toán thật chặt chẽ để khắc phục những hậu quả đó”.
Để khắc phục ngay tình trạng này, theo Đại biểu Đặng Thuần Phong nếu việc bổ nhiệm là sai luật thì đương nhiên phải đỉnh chỉ ngay chức vụ người đang đương chức.
Thậm chí, nếu người có lòng tự trọng khi bị dư luận phản ứng thì đã có thể xin rút ngay khỏi vị trí hiện tại, nhưng thực tế vẫn có người để như vậy là hoàn toàn không hợp lý.
“Những người lãnh đạo kế nhiệm sau này phải mạnh dạn xử lý những bất cập còn tồn tại từ nhiệm kỳ trước đó. Nếu còn tình trạng bổ nhiệm cán bộ sai sẽ tạo tiền lệ không tốt trong ngành.
Khi nào đội ngũ cán bộ thay thế vẫn còn giữ những tiền lệ bổ nhiệm xấu sẽ còn làm cho xã hội bức xúc, nếu được nâng lên sẽ rất nguy hiểm”, Đại biểu Đặng Thuần Phong nêu quan điểm.
Trước kì họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XIV, phát biểu tại phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về báo cáo của Chính phủ liên quan tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các biện pháp thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng đã đề nghị Chính phủ phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương và một số cơ quan liên quan kiểm tra, làm rõ việc dư luận lại phản ánh một số Bộ, ngành bổ nhiệm cán bộ ào ạt, nhất là trong giai đoạn cuối nhiệm kỳ.
“Việc kiểm tra này không hẳn quá khó khăn vì ai đủ điều kiện, ai không đủ điều kiện có thể biết được. Nên làm một cách rõ ràng để xác định có việc như vậy không? Dư luận phản ánh có đúng không?”, bà Nga nói./.
Theo Nguyễn Quỳnh/VOV.VN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin