Bí thư chi đoàn "không gục ngã"

10:07, 12/07/2016

Là Bí thư Chi đoàn, trước những đòn tra tấn thừa sống, thiếu chết của quân thù, ông vẫn không khuất phục, kiên trì dẫn dắt phong trào đấu tranh trong nhà tù. Giờ đây, với vai trò là Chủ tịch Hội Người tù kháng chiến tỉnh, ông học tập và làm theo lời dạy của Bác Hồ, giúp đồng đội vươn lên ổn định cuộc sống.

 

Ông Huỳnh Tấn Phước (bìa phải) thăm và tặng quà hội viên người tù kháng chiến ở Phường 4 (bìa trái).
Ông Huỳnh Tấn Phước (bìa phải) thăm và tặng quà hội viên người tù kháng chiến ở Phường 4 (bìa trái).

Trải qua nhiều nhà tù hà khắc, người cộng sản, người tù chính trị Huỳnh Tấn Phước “không gục ngã” mà càng được tôi rèn.

Là Bí thư Chi đoàn, trước những đòn tra tấn thừa sống, thiếu chết của quân thù, ông vẫn không khuất phục, kiên trì dẫn dắt phong trào đấu tranh trong nhà tù. Giờ đây, với vai trò là Chủ tịch Hội Người tù kháng chiến tỉnh, ông học tập và làm theo lời dạy của Bác Hồ, giúp đồng đội vươn lên ổn định cuộc sống.

Thiếu niên trong lao tù

Tuổi thơ ông gắn liền với dòng sông Măng Thít ở xã Hòa Hiệp (Tam Bình)- xã anh hùng trong kháng chiến. Năm 1966, khi mới 14 tuổi, Huỳnh Tấn Phước đã ý thức trước cảnh nước mất nhà tan, nên xin vào du kích xã, quyết lập chiến công.

Tháng 8/1967, khi đánh vào đồn Ba Kè 2, trên đường rút lui, anh du kích ấy bị sập hầm ngất xỉu. Tỉnh dậy, thấy xung quanh toàn lính ngụy. Chúng liên tục dùng giày đinh, đầu gối, cùi chõ dội xuống người ông tới tấp nhưng không khai thác được gì ngoài thông tin anh là du kích xã.

Thế là chúng liên tục điều ông từ Khám lớn Vĩnh Long qua Trại giam tù binh Cần Thơ, đến khu giam giữ tù binh thiếu nhi tại Biên Hòa (Đồng Nai).

Ông lần lượt phải đối mặt với những tên “đao phủ” mới, những đòn tra tấn mới: từ tra điện, đánh bằng chài thun, đánh tứ trụ đến... cắn cổ. Ông kể lại: Từ giám thị, quân cảnh đến những kẻ chiêu hồi, bất cứ lúc nào, hễ chúng gặp là đánh và chửi “tao đánh cho mày hết cứng đầu cứng cổ, trung thành với Đảng, với Bác Hồ”.

Giữa chốn lao tù, các anh em cùng chí hướng đã tìm hiểu và lập ra Chi đoàn các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Ông được bầu làm Ủy viên BCH Chi đoàn phụ trách anh em ở Vĩnh Long.

Để chống lại việc bọn cai quản trại giam bắt tù binh tập ca hát, tập binh, ông cùng các đoàn viên cố ý tập không ra trò hoặc giả bệnh để không tập. Đồng thời, chống đối thành công nhiều âm mưu của kẻ thù, trong đó có việc bắt tù binh phải xăm lên tay 2 chữ “sát cộng”.

Theo ông Phước: “Với tù binh, đòn roi là cơm bữa. Chúng có thể đánh đập và giam cầm sự tự do, nhưng không thể lấy đi lòng yêu nước và cách mà tôi đã chọn sống nhý thế nào”.

Mặt trận đặc biệt đấu tranh trong tù

Đầu năm 1969, ông Phước bị đày ra đảo Phú Quốc và tiếp tục bước sang mặt trận đấu tranh tại “địa ngục trần gian” với những tên cai ngục khét tiếng có “thành tích” đánh tù binh tới tàn tật và chết dần.

Ngoài đòn roi, ông còn bị chúng tống giam 10 ngày trong “chuồng cọp”, có lúc mắt ông bị mờ, người ốm trơ xương, hai tay và hai chân dài ngắn không bằng nhau. Ông kể: “Mỗi năm, chúng cấp cho tù binh một bộ đồ kaki, nhưng chỉ cần qua vài trận tra khảo bằng roi da là đã rách nát, phải vá chằng vá đụp.

Rận cắn, đốt nhoi nhói cả ngày đêm. Nên chỉ cần nhìn vào cách ăn mặc cũng biết ai còn kiên định lập trường của Đảng, ai hèn hạ quy hàng”- ông nói.

Nhờ có sự lãnh đạo thống nhất của Chi bộ Đảng Vĩnh Long- Trà Vinh, ông được tín nhiệm làm Bí thư Chi đoàn TNCS Phân khu D3, trở thành lực lượng xung kích, đứng mũi chịu sào trong các cuộc đấu tranh. Nổi bật là đã kiên quyết chống lại việc địch chuẩn bị đánh úp Phân khu D3 thành khu “tân sinh hoạt”- khu dành cho bọn chiêu hồi.

Khi bọn trật tự ác ôn đến dãy phòng thì anh em xông vào hành động, song do kế hoạch không chặt nên chúng thoát được. Tập thể phân khu đồng thanh vỗ tay và hô đả đảo, bọn quân cảnh nổ súng làm chết và bị thương trên 40 người.

Tù binh phân khu tuyệt thực kéo dài 7 ngày với yêu sách: “Không để bọn trật tự ở phân khu; cung cấp đủ lương thực, thực phẩm cho anh em; quân cảnh và giám thị không được phạt vạ, đánh đập anh em vô cớ”. Cuối cùng, bọn chỉ huy trại chấp nhận yêu sách. Cuộc đấu tranh kết thúc thắng lợi, mở ra thời kỳ ở các phân khu miền Nam không còn bọn trật tự, chiêu hồi.

Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ, Chi đoàn Phân khu D3 còn có phong trào học chữ, học chính trị và văn hóa- văn nghệ. Ông kể, “khi bị bắt, trình độ của tôi chỉ ở lớp 5, nhưng nhờ chăm chỉ học, đến khi về đã có thể thi vào lớp 9”.

Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, đến ngày 13/3/1973, ông được trao trả tù binh tại sân bay Lộc Ninh (Bình Phước). Qua 1 năm an dưỡng và học tập, ông được bổ sung quân số làm Tiểu đội trưởng trinh sát thuộc Ban Tham mưu Tỉnh đội. Tiếng súng chiến đấu vang dội khắp chiến trường Nam Bộ lại thôi thúc ông vào chiến trận cho tới tận ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Do những trận đòn tra tấn dã man cùng với mảnh đạn còn ghim trong đầu, có lúc tưởng chừng mạng sống của ông đã đến bờ vực thẳm nên đến tháng 10/1975, Trung tá Huỳnh Tấn Phước giã từ quân ngũ.

Năm 1993, Ban Liên lạc tù chính trị lâm thời ra đời và từng bước thành lập Hội Người tù kháng chiến tỉnh, ông tiếp tục có những hoạt động tiếp lửa truyền thống cho thế hệ trẻ, tham gia giải quyết chính sách cho người tù kháng chiến và chăm lo đời sống hội viên.

Từ năm 2008 đến nay, với vai trò là Chủ tịch Hội Người tù kháng chiến tỉnh Vĩnh Long, ông đã đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ thông qua các phong trào bỏ ống tiết kiệm vì đồng đội, hùn vốn xoay vòng, hũ gạo tình thương,...

Nổi bật là, phong trào “100.000 đồng gửi về Tỉnh hội” đã huy động nguồn vốn trên 220 triệu đồng hỗ trợ 43 hội viên ổn định cuộc sống. Theo ông Huỳnh Tấn Phước: Tuy không nhiều, nhưng số tiền ấy đã mang lại hiệu quả, phát huy tinh thần “hạt muối chia đôi, tấm chăn sẻ nửa” của người lính Cụ Hồ.

™Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh