Phóng viên- người vun bồi tình yêu biển đảo

10:06, 22/06/2016

Những chuyến công tác dài ngày sống cùng biển, đảo đã dạy cho chúng tôi biết yêu hơn hình ảnh người lính Hải quân, Cảnh sát biển và cả những ngư dân đang âm thầm bảo vệ biển đảo. Tình yêu ấy chúng tôi mong muốn nhân rộng đến bạn đọc, để tạo sự cộng hưởng của những người cùng tần số "yêu nước Việt Nam".

 

Nhà báo Tư Duy tác nghiệp ở huyện đảo Trường Sa. Ảnh: GIA KHÁNH
Nhà báo Tư Duy tác nghiệp ở huyện đảo Trường Sa. Ảnh: GIA KHÁNH

Chúng tôi may mắn được đi nhiều nơi và đặc biệt được trải nghiệm cảm giác bé nhỏ trước màu xanh mênh mông của vùng biển, vùng trời Tổ quốc.

Những chuyến công tác dài ngày sống cùng biển, đảo đã dạy cho chúng tôi biết yêu hơn hình ảnh người lính Hải quân, Cảnh sát biển và cả những ngư dân đang âm thầm bảo vệ biển đảo. Tình yêu ấy chúng tôi mong muốn nhân rộng đến bạn đọc, để tạo sự cộng hưởng của những người cùng tần số “yêu nước Việt Nam”.

Đảo xa không xa

Chuyến đi công tác biển đảo đầu tiên của tôi ở Phú Quốc khi vào nghề chưa lâu, năm 2012- thật ấn tượng. Mỗi cây cỏ, con người Phú Quốc đều rất tuyệt vời. Càng tuyệt vời hơn khi tôi được sống trong doanh trại quân đội, ngủ phòng tập thể giường tầng,…

Phú Quốc năm ấy như một cô gái quê mới lớn, hoang sơ, mộc mạc mà đẹp dịu dàng. Doanh trại của Tiểu đoàn 563 nhìn ra biển, anh bộ đội gác ở chốt cũng nhìn ra biển. Anh bộ đội cười, nhìn xa xăm: “Ở đây thì nhớ nhà chứ về nhà lại nhớ biển ở đây”. Hơn một năm ở đây, huyện đảo này đã trở thành quê hương thứ 2 của anh.

Cuộc sống với giờ giấc quân đội dạy cho tôi biết sống kỷ luật, biết yêu thương, sẻ chia và đồng cảm với người lính đảo. Mỗi giọt nước ngọt, mỗi cọng rau cũng vô cùng quý giá. Thịt heo, thịt bò nơi đây là những món ngon thỉnh thoảng “cải thiện”, còn bữa ăn thông thường là rau cải tự trồng- những ngọn cải vàng hoe vì thiếu nước- và cá biển hay mực tự đánh bắt.

Lính đảo không ai có nước da trắng, người “khá nhất” cũng có da bánh mật, vì nắng gió. Hình ảnh anh lính Hải quân tưới rau, canh gác, tuần tra được tôi ghi lại cho bạn đọc như thông điệp về tình yêu đất nước, con người.

Chúng tôi- những nhà báo- cũng chung niềm vui khi những chuyến tàu ra khơi của người dân bội thu tôm cá, đau đáu nỗi buồn khi biển Đông có những giờ phút chưa được bình yên. Những cuộc hành trình đến với biển đảo, chúng tôi lại góp nhặt được biết bao nhiêu câu chuyện quý giá, thắm đượm tình người.

Những nhà báo lần đầu đặt chân đến huyện Trường Sa, bảo rằng tôi luôn hồi hộp, xen lẫn tự hào. Đến đây để được hiểu thêm cuộc sống, tinh thần chiến đấu của các anh chiến sĩ càng nung nấu tinh thần yêu nước, yêu dân tộc.

Từ lúc tháp tùng theo đoàn tham quan Bộ Tư lệnh vùng D Hải quân, rồi đến nơi các chiến sĩ ăn ở, quá trình luyện tập gian khổ, chúng tôi không khỏi xúc động và “càng thêm yêu các chiến sĩ hải đảo, càng trân trọng hơn từng ngọn cỏ, tấc đất quê mình”.

Mang biển đến đất liền

Những câu chuyện, cảnh vật và con người biển đảo được chúng tôi mang đầy ăm ắp về đất liền, để sẻ chia tình yêu biển đảo.

Câu chuyện Trường Sa được các nhà báo mang về tươi nguyên. Theo như lời các anh bộ đội, Trường Sa hôm nay đã khác xưa, cây cối xanh tươi, tiếng cười nói trẻ thơ vọng khắp đảo. Bước chân lên Trường Sa mà cảm thấy như vẫn đang ở đất liền, đang ở một vùng thôn quê như bao nơi khác, có đình làng, trường học, có trẻ nhỏ ê a học bài...

Trường Sa đẹp là vậy, nhưng chính tinh thần, ý chí và tấm lòng của những chiến sĩ trên đảo càng đẹp hơn. Những chiến sĩ nơi đầu sóng ngọn gió ấy luôn mang trong mình tình yêu quê hương. Họ luôn ngày đêm luyện tập, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ vùng lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc.

Có anh đang làm nhiệm vụ nơi khơi xa thì nghe tin đứa con trai nhỏ đầu lòng mất vì bệnh. Anh không thể trở về đất liền, chỉ biết chôn chặt nỗi đau trong lòng. Những con người như vậy chính là tấm gương lớn cho đồng đội, là niềm tin vững chắc cho hậu phương.

Những chuyến hành trình về biển đảo càng làm chúng tôi yêu quê hương mình nhiều hơn.Ảnh: HUỆ HUYỀN
Những chuyến hành trình về biển đảo càng làm chúng tôi yêu quê hương mình nhiều hơn.Ảnh: HUỆ HUYỀN

Ngày chia tay Phú Quốc, chúng tôi chia nhau những cành hoa giấy trong doanh trại. Loại hoa màu tím cánh sen, thân nhiều gai, ít lá và hoa san sát nhau rất đẹp. Bây giờ, cây hoa ấy đang nở rộ trước ngõ nhà tôi. Nó là câu chuyện của ba tôi về biển đảo mỗi khi có khách đến nhà, là câu chuyện quê hương mỗi khi ai nhìn đến.

Trong hành trình đến biển đảo, những ý tưởng có thêm chất biển, chất lính, có hơi ấm của tình quân dân lại ùa về trong tôi. Thật cảm động và trăn trở biết bao khi nghe câu chuyện của những người lính đảo giữa trùng dương xa xôi.

Có những đêm tuần tra, mưa gió quất vào rát mặt hay những câu chuyện người lính bị đau ruột thừa trong đêm, anh em chiến sĩ, người dân thấp thỏm lo âu mới thấm được câu “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”... Dẫu còn bao gian lao, vất vả, thiếu thốn nhưng các anh vẫn vượt lên tất cả để giữ vững biển trời Tổ quốc.

Trở về đất liền, trong lòng chúng tôi vẫn không nguôi thương nhớ, trăn trở về vùng biển đảo xa xôi, về những con người nơi đây. Tất cả những thứ ấy, chúng tôi gửi vào bài viết của mình, mang tình yêu biển đảo đến với đất liền.

Trước tình hình biển Đông vẫn còn dậy sóng, chúng tôi- những nhà báo sẽ dốc toàn lực chiến đấu bằng ngòi bút của mình. Thông qua tác phẩm, chúng tôi sẽ truyền tải những điều “mắt thấy, tai nghe” về biển đảo. Mong rằng mọi người cùng hướng về biển đảo, bởi nơi ấy là một phần máu thịt quê hương.

CẨM HUỆ- CAO HUYỀN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh