Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 857 đang viết tiếp trang sử hào hùng của các thế hệ cha anh.
>> 41 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước
Tiếp nối truyền thống anh hùng, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 857 phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. |
Nói đến Tiểu đoàn 857 là nói đến những chiến công vang dội trong kháng chiến. Còn khi đất nước thống nhất, trước yêu cầu quốc tế, Tiểu đoàn 857 lại tiếp tục lên đường giúp nước bạn Campuchia chống lại chế độ diệt chủng Pol Pot.
Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế, Tiểu đoàn 857 lại có những đóng góp to lớn vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 857 đang viết tiếp trang sử hào hùng của các thế hệ cha anh.
Những ngày tháng 4 lịch sử
Lịch sử Tiểu đoàn 857 đã ghi nhận: Trong chiến dịch mùa khô 1974- 1975, Vĩnh Long là chiến trường trọng điểm của quân khu nên cả ta và địch đều tập trung lực lượng lớn.
Tiểu đoàn 857 là lực lượng chủ lực trên một hướng của tỉnh đã làm đòn xeo đắc lực cho phong trào 3 mũi mở mảng, mở vùng, bứt rút hàng đồn bót, bứt hàng sân bay, khống chế tiểu khu làm áp lực buộc địch đầu hàng, góp phần xứng đáng giải phóng tỉnh nhà.
Quay lại thời điểm tháng 1/1975, khi Tiểu đoàn 857 được phân công trở lại vùng chữ V (Châu Thành B). Lúc cao điểm, Tiểu đoàn 857 đã gây thiệt hại nặng Chi khu Ba Tơ (xã Hòa Tân).
Thừa thắng xông lên, Tiểu đoàn 857 đã tạo được nhiều chiến công vang dội như: đánh diệt hậu cứ Tiểu đoàn bảo an 405 ở Xẻo Mát, diệt 1 đại đội bảo an ở Cai Lậy. Chỉ trong 2 tháng 1 và 2/1975, Tiểu đoàn 857 đã kết hợp địa phương diệt 8 đồn, bứt rút 28 đồn, thu lại trên 1.000 công đất ruộng trả lại dân, giải phóng cơ bản các vùng chữ V.
Giai đoạn tháng 4/1975, khi Tiểu đoàn 857 được bổ sung quân số chiến đấu lên 120 đồng chí và được lệnh trở về vùng Ba Tân, nhiệm vụ là áp sát để chiếm Sân bay Vĩnh Long và khu vực ngã ba Cần Thơ.
Lúc này, Quân khu ra lệnh tiến công giao thông, kéo chủ lực địch từ thị xã, thị trấn ra can viện để “gài thế” trận đánh nhưng địch hành quân không đúng ý đồ của ta. Do tình hình có chuyển biến mới nên Tiểu đoàn 857 nhận lệnh đêm 30/4/1975 sẽ tiến công vào TX Vĩnh Long.
Trưa ngày 30/4, Sài Gòn giải phóng, 14 giờ Quân đoàn 4 của địch ở Cần Thơ đầu hàng. Thừa thế xông lên, 15 giờ, Tiểu đoàn 857 áp sát mục tiêu sân bay, bắn 2 quả H12 vào Tiểu khu Vĩnh Long.
Đến 18 giờ, Tiểu đoàn 857 kết hợp với nội ứng tiến vào Sân bay Vĩnh Long, dùng cơ sở binh vận kêu gọi toàn bộ quân lính đầu hàng. Ta thu toàn bộ vũ khí, ổn định tình hình, giải giới tù binh.
Trên hướng về Tiểu khu Vĩnh Long, các trung đoàn của quân khu cũng áp sát thị xã, cùng lực lượng địa phương và đồng bào nổi dậy đánh chiếm từng mục tiêu, khống chế địch. Đến sáng 2/5/1975, Tiểu đoàn 857 dùng xe M.113 và xe nồi đồng lên Tân Quới kêu gọi địch đầu hàng. Vĩnh Long hoàn toàn giải phóng.
Phát huy truyền thống anh hùng
Đất nước thống nhất không bao lâu thì Tiểu đoàn 857 tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới Tây Nam và chiến đấu giúp nước bạn Campuchia chống lại chế độ diệt chủng Pol Pot.
Phát huy truyền thống anh hùng, dù trong đội hình nào, chiến trường nào, Tiểu đoàn 857 luôn thể hiện sự trung thành tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Hiện Tiểu đoàn 857 đang nằm trong biên chế của Trung đoàn Bộ binh 890 (đóng quân tại xã Tân Thành- Bình Tân). Theo Đại úy Nguyễn Đại Nghĩa- Tiểu đoàn trưởng, nhiệm vụ thường xuyên của đơn vị là quản lý và xây dựng lực lượng dự bị động viên. Riêng năm 2016, Tiểu đoàn tiếp nhận huấn luyện 60 chiến sĩ mới.
Đại úy Nguyễn Đại Nghĩa chia sẻ: Là người lính Quân đội nhân dân Việt Nam, chúng tôi phấn đấu để xứng đáng với truyền thống của thế hệ đi trước. Trong huấn luyện luôn đề cao giáo dục chính trị, trong đó có giáo dục truyền thống để cán bộ chiến sĩ tự hào, tiếp thêm động lực ra sức phấn đấu học tập.
Trong huấn luyện, Tiểu đoàn 857 luôn chuẩn bị chu đáo nội dung, giáo án, mô hình học cụ, cơ sở vật chất, nơi ăn nghỉ, sinh hoạt, học tập để đảm bảo chất lượng huấn luyện. Phấn đấu huấn luyện chiến sĩ mới có 100% đạt giỏi.
Đại úy Lưu Văn Thum- Đại đội trưởng Đại đội Bộ binh 6 (Tiểu đoàn 857), tâm sự: Được công tác tại Tiểu đoàn 857 anh hùng, tôi luôn xác định rõ nhiệm vụ của mình phải gương mẫu chấp hành kỷ luật, tìm tòi, học hỏi nâng cao trình độ công tác để truyền đạt hiệu quả lại cho các chiến sĩ mới, góp phần xây dựng đơn vị ngày càng vững mạnh và hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Chiến sĩ Nguyễn Hoàn Thiện thì tự hào: “Những ngày đầu học tập, được tìm hiểu lịch sử đơn vị tôi càng thêm tự hào và sẽ phấn đấu học tập, chấp hành nghiêm kỷ luật, làm đẹp thêm hình ảnh bộ đội Cụ Hồ.
Có thể nói, trải qua gần 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, trong mỗi chặng đường phát triển, Tiểu đoàn 857 luôn gắn chặt với phong trào cách mạng và bảo vệ Tổ quốc, như lời tựa trong cuốn lịch sử Tiểu đoàn: “Đảng bảo đi là đi, Đảng bảo đánh là đánh, Đảng giao nhiệm vụ, mục tiêu đâu là đánh đó, đánh đâu là thắng đó.”
|
Tiền thân của Tiểu đoàn 857 là Liên minh giáo phái chống Mỹ- Diệm. Tháng 8/1957, Tiểu đoàn làm lễ ra mắt tại kinh Mười Thới. Đây là lực lượng vũ trang tuyên truyền của Đảng với tên gọi là Tiểu đoàn Lý Thường Kiệt. Sau Đồng Khởi, Tiểu đoàn mang danh hiệu Giải phóng quân, phân tán hoạt động, xây dựng lực lượng vũ trang địa phương, xây dựng cơ sở vùng đồng bào có đạo. Năm 1964, Tiểu đoàn đổi phiên hiệu là 857. Trong kháng chiến chống Mỹ, Tiểu đoàn 857 là lực lượng trụ cột của lực lượng vũ trang tỉnh Vĩnh Long. Tiểu đoàn 857 đã tác chiến 1.035 trận lớn, nhỏ; diệt 9.637 tên địch (có 268 tên Mỹ và chư hầu, bắt 396 tên), 1 tiểu đoàn chủ lực, 25 đại đội, 150 trung đội, đánh thiệt hại nặng 2 tiểu đoàn, diệt 2 hậu cứ. 2 lần đánh thiệt hại nặng chi khu, diệt 2 phần chi khu, diệt và bứt rút trên 100 đồn bót, thu 1.024 súng, trên 100 tấn đạn, phá hủy 70 máy bay, 124 xe quân sự, bắn chìm 7 tàu. Tiểu đoàn vinh dự được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. |
Bài, ảnh: NGUYỄN THỊNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin