Công tác giáo dục chính trị trong các đơn vị luôn giữ vị trí chủ đạo, trực tiếp xây dựng phẩm chất chính trị, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ.
Công tác giáo dục chính trị trong các đơn vị luôn giữ vị trí chủ đạo, trực tiếp xây dựng phẩm chất chính trị, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ.
Do đó, nhiều năm qua, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Vĩnh Long đã quan tâm, chăm lo đến công tác này và xem đây là nhân tố quyết định đến sức mạnh chiến đấu của quân đội. Đây cũng là cơ sở để các đơn vị thi đua hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao.
Giáo dục chính trị trong lực lượng vũ trang thường xuyên được đổi mới về nội dung và hình thức. |
Rèn luyện bản lĩnh quân nhân
Thực hiện Chỉ thị 124 của Quân ủy Trung ương về đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị, cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy các đơn vị lực lượng vũ trang đã đổi mới nội dung, chương trình theo hướng cơ bản, thống nhất.
Theo Đại tá Phạm Văn Bé Tư- Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, nội dung giáo dục chính trị bám sát việc giáo dục truyền thống và nhiệm vụ sát thực tế địa phương, đơn vị. Trên cơ sở lấy lớp chính trị làm trọng tâm, đã kết hợp chặt chẽ, hiệu quả các hình thức sinh hoạt như nghiên cứu chuyên đề sĩ quan, thông báo thời sự, các phong trào thi đua,…
Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 124, nhận thức và hành động của cán bộ, chiến sĩ có sự chuyển biến tốt, thực hiện nghiêm nề nếp chính quy, chấp hành kỷ luật quân đội, quy định của đơn vị.
Cụ thể, không có trường hợp nào bỏ ngũ, vắng mặt trái phép, thoái thác nhiệm vụ,… đã góp phần xây dựng lực lượng vũ trang mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.
Đại úy Thạch Phước Sô Banh- Chính trị viên Phó Ban Chỉ huy Quân sự huyện Tam Bình, cho biết: Đối với lực lượng dân quân tại chỗ, Ban Chỉ huy Quân sự huyện kết hợp với địa phương đổi mới hình thức, phương pháp giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng giáo dục chính trị.
Trọng tâm là nâng cao nhận thức về chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng và quân đội, bản chất, mục tiêu chiến đấu. Đồng thời, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống gắn với cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Do đó, trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, khu vực và trong nước, các thế lực thù địch ra sức tuyên truyền, xuyên tạc, chống phá, lực lượng dân quân tại chỗ vẫn kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội.
Tỏ rõ là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân tại địa phương, thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ, góp phần ổn định chính trị, xã hội và phát triển kinh tế địa phương.
Thông qua việc giáo dục chính trị góp phần xây dựng nề nếp và tác phong quân nhân. |
Đổi mới phương pháp giáo dục chính trị
Tuy nhiên, theo Đại úy Thạch Phước Sô Banh, việc giáo dục chính trị đối với dân quân tại chỗ vẫn còn nhiều hạn chế như việc cập nhật thông tin chưa kịp thời, hình thức tuy có đổi mới nhưng chưa thực sự phong phú, sinh động.
Việc sử dụng các mô hình, học cụ, ứng dụng công nghệ thông tin,… còn hạn chế. Do đó, cần đổi mới căn bản và toàn diện việc giáo dục chính trị, bám sát thực tiễn và yêu cầu nhiệm vụ ở địa phương. Trong đó phải coi trọng giáo dục truyền thống cách mạng, giáo dục lòng yêu nước, mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, tinh thần đoàn kết, tính
kỷ luật,…
Năm nay, Trung đoàn Bộ binh 890 được giao nhiệm vụ quản lý và huấn luyện 60 chiến sĩ mới. Đây là những thanh niên vừa mới rời ghế nhà trường, mới sống xa gia đình nên vẫn còn không ít bỡ ngỡ về môi trường sống, học tập và làm việc mới.
Mặt khác, điều kiện khi huấn luyện ngoài thao trường, bãi tập cũng gặp không ít khó khăn. Do đó, Trung đoàn Bộ binh 890 xác định phải tăng cường giáo dục chính trị nhằm nâng cao bản lĩnh chiến sĩ và chất lượng huấn luyện.
Ngoài những nội dung theo quy định, đơn vị còn tổ chức giáo dục thêm một số nội dung như tình hình kinh tế- chính trị, công tác vận động quần chúng,…
Đại úy Huỳnh Phương Nam- Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn Bộ binh 890 cho biết, đơn vị sẽ sử dụng nhiều hình thức để bồi dưỡng phương pháp, kỹ năng giáo dục như cấp trên bồi dưỡng cấp dưới, trao đổi kinh nghiệm, tự học, tự nghiên cứu để nâng cao chất lượng giáo dục chính trị.
Theo Bộ Chỉ huy Quân sự, trong thời gian tới sẽ kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục chính trị với giáo dục truyền thống và giáo dục pháp luật.
Thực hiện có nề nếp các chế độ sinh hoạt chính trị, thông báo thời sự gắn với giáo dục chính trị thông qua việc thực hiện nhiệm vụ, các phong trào thi đua. Trong đó, sẽ nâng cao chất lượng sinh hoạt ngày Chính trị- văn hóa- tinh thần bằng các hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao, tham quan,…
Ngoài việc tự học, tự rèn, đội ngũ cán bộ giảng dạy chính trị sẽ thường xuyên được tập huấn, tham gia hội thi, hội giảng để nâng cao trình độ.
Lực lượng vũ trang cũng sẽ kết hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương giáo dục chính trị cho lực lượng dự bị động viên và dân quân tự vệ thường trực nhằm nâng cao bản lĩnh và sức chiến đấu của lực lượng này.
Bài, ảnh: NGUYỄN THỊNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin