Chưa bao giờ là quá muộn để hàn gắn vết thương sau chiến tranh

07:05, 22/05/2016

Việc Việt Nam và Mỹ không ngừng cải thiện quan hệ sẽ giúp đẩy lùi quá khứ đau thương do chiến tranh gây ra.

Việc Việt Nam và Mỹ không ngừng cải thiện quan hệ sẽ giúp đẩy lùi quá khứ đau thương do chiến tranh gây ra.

Bà Ngoc Bich Ha (phải) cùng hai người bạn Tot và Mai chuẩn bị lên máy bay trong một chuyến du lịch đến Huế. (Ảnh: Cecilia Tran)
Bà Ngoc Bich Ha (phải) cùng hai người bạn Tot và Mai chuẩn bị lên máy bay trong một chuyến du lịch đến Huế. (Ảnh: Cecilia Tran)

Khi mẹ tôi nghe tin Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ có chuyến thăm Việt Nam, tôi đã chuẩn bị tinh thần rằng mình sẽ phải nghe một tràng đả kích về những khác biệt không thể hòa giải giữa hai nước và sự vô ích của cử chỉ ngoại giao này.


Có lẽ mẹ tôi thay đổi cách nghĩ sau khi bà có chuyến trở về Việt Nam hồi cuối tháng 11/2015 – lần đầu tiên sau 35 năm rời xa mảnh đất này.  Đây là chuyến đi mà cả tôi và mẹ đã hình dung ra từ rất lâu. Mẹ tôi rời Việt Nam năm 18 tuổi sau khi anh trai của bà và ông ngoại tôi qua đời vì bạo bệnh.

Cái chết của ông ngoại và bác tôi bị mẹ tôi cho rằng có phần lỗi chính là do chiến tranh.Mẹ tôi là người đã rời Việt Nam sau chiến tranh, sang Mỹ năm 1980.

Chiến tranh khiến mẹ tôi có cái nhìn khá tiêu cực về Việt Nam và tôi đã phải nghe nói về những điều này trong suốt thời thơ ấu. Nhưng lần này, tôi thực sự bị sốc khi bà đón nhận thông tin ông Obama thăm Việt Nam một cách trầm ngâm: “Mẹ nghĩ nó sẽ giúp chúng ta chữa lành vết thương”.

Năm 2002, khi tôi đang học lớp 8 tại  San Jose, gia đình tôi đã có ý định về thăm Việt Nam. Trong tháng đó, mẹ tôi thường gặp phải ác mộng do ký ức của chiến tranh ám ảnh. Vì thế nên chúng tôi chỉ dừng lại ở những câu chuyện nói về chuyến đi trong tưởng tượng.

Quyết định trở về đầy khó khăn

Điều gì sau đó đã thôi thúc mẹ tôi lên máy bay trở về Việt Nam sau hơn 30 năm? Đó là do một người bạn của bà trên Facebook.

Mẹ tôi không phải là người có mối quan hệ xã hội rộng rãi, bà đã dành cả cuộc đời để nuôi dạy 3 chị em tôi nên người và cuối cùng chỉ còn lại nỗi cơ đơn quanh mình. Vì vậy, thật bất ngờ khi bà nói với tôi rằng, bà đã tìm thấy những người bạn thân nhất thời trung học qua Facebook.

Tôi lờ mờ nhớ lại những câu chuyện mẹ kể năm nào về một người bạn tên Mai, người vẫn thường đạp xe đưa mẹ đến trường trong mùa lũ. Bà cũng kể về một cô gái tên Tot, người từng bán chiếc vòng cổ để mời mẹ và dì tôi ăn ở một tiệm ăn lần đầu tiên trong đời.

Bà vẫn thường kể những câu chuyện này như thể những người bạn ấy bước ra từ giấc mơ, từ quá khứ xa xôi lắm, vì vậy tôi không bao giờ có cảm giác như họ là những con người có thực và tôi cũng không nghĩ rằng mẹ vẫn đang còn băn khoăn về họ.

Sau khi những người bạn thuở ấu thơ tìm được nhau, tôi thấy mẹ như trẻ lại khi họ trò chuyện qua mạng xã hội hay qua các cuộc gọi trực tuyến.

Đôi khi bà Mai vẫn bắt xe buýt tới nhà bà Tot để hai người có thể cùng trò chuyện qua màn hình với mẹ tôi. Thỉnh thoảng họ còn cầm những trái măng cụt, sầu riêng cho mẹ tôi xem và nhắc cho mẹ tôi nhớ mùi vị của những loại trái cây này.

Tôi thấy mẹ cười, có cái gì đó ấm áp đến lạ thường mà tôi không thể lý giải được trong nụ cười của mẹ, điều mà tôi chưa từng thấy trước đấy. Một năm sau khi những người bạn tìm thấy nhau, bà Mai và bà Tot hỏi mẹ tôi về một chuyến đi trở về quê hương, có một chút do dự nhưng rồi mẹ mỉm cười và nói: “Tôi sẽ làm điều đó”.

Mẹ rủ tôi đi cùng vì tôi đã từng tới Việt Nam hai lần trước đó. Kể cả đến thời điểm đó, bà cũng đã phải trải qua 3 tháng khổ sở, dằn vặt với lời hứa trở về. Thậm chí có lúc bà còn có ý định hủy dự định này khi chúng tôi đã đặt mua vé máy bay.

Ngày trở về

Nhưng rồi cuối cùng, tôi và mẹ cũng đứng giữa sân bay San Francisco với đống hành lý lỉnh kỉnh. Khi chúng tôi có mặt ở TP.Hồ Chí Minh, bà cứ “thao thao bất tuyệt” kể về hai người bạn của mình trong khi tôi thực sự lo lắng mà không dám nói ra.

Ngần ấy năm rồi, mọi thứ thay đổi, con người thay đổi, bản thân mẹ tôi cũng đổi thay, vậy liệu bà Mai và bà Tot có còn là những người bạn như mẹ hình dung? Hoặc thậm chí tệ hơn nữa, có thể mẹ tình cảm mà mẹ tôi cảm thấy với những người phụ nữ này chỉ là từ một phía thì sao?

Suy nghĩ này tiếp tục đè nặng trong tâm trí tôi khi tôi và mẹ lên một chuyến bay nội địa đến Rạch Giá, Kiên Giang. Xe taxi cuối cùng cùng đưa chúng tôi đến một con hẻm nhỏ nhà bà Tot.

Tim tôi như ngừng đập dõi theo những biểu hiện của bà Tot khi nhìn thấy mẹ tôi: đôi lông mày nhăn lại, môi mím chặt. Hai người phụ nữ nhìn nhau chằm chằm, giây phút ấy tưởng chừng như kéo dài vô tận.

Những người bạn như trở về thời niên thiếu khi gặp lại nhau sau bao năm xa cách. (Ảnh: Cecilia Tran)
Những người bạn như trở về thời niên thiếu khi gặp lại nhau sau bao năm xa cách. (Ảnh: Cecilia Tran)

Mẹ tôi phá vỡ im lặng bằng cách ôm chầm lấy bà Tot, cái ôm mà chỉ có những người bạn gái thực sự thân thiết mới dành cho nhau. Tất cả sự căng thẳng trên khuôn mặt bà Tot lúc ấy mới biến mất, mắt bà nhòa lệ trong khi môi nở một nụ cười tươi hết cỡ.

“Bạn đã ở đây thật rồi!”, giọng nói trong sâu lắng của bà Tot khiến mẹ thực sự cảm thấy chuyến đi của mình là đúng đắn. Bà Tot đã chuyển nơi ở một vài lần nhưng bà vẫn sống ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, nơi bà sống bằng nghề nông, giống như công việc của gia đình mẹ tôi trong quá khứ.

Bà Mai đến sau, cả ba người phụ nữ cùng ngồi nhặt rau, rửa rau cho bữa tối. Họ như trẻ lại với những câu chuyện phiếm về thời nữ sinh từng làm bao chàng trai phải điêu đứng. Giữa tiếng cười khúc khích tưởng như không ngớt, tôi thấy mẹ như thể vừa đi một chuyến đi dài trước khi trở về nhà.

Chưa bao giờ là quá muộn

Trong tôi, mẹ là người phụ nữ luôn phải chiến đấu với sự lo lắng và sợ hãi nhưng khi có mặt trên mảnh đất quê hương, chưa bao giờ tôi thấy bà nhẹ nhõm đến vậy. Phải thừa nhận rằng, tôi đã từng thường xuyên cảm thấy sợ hãi khi bà bắt đầu kể những câu chuyện về Việt Nam, điều đáng nói là sau đó, tậm trạng của bà còn rất tệ.

Với việc tìm thấy phần đẹp nhất trong quá khứ, nắm giữ nó ở trong tay, dường như điều đó đã giúp mẹ tôi xoa dịu được những vết thương lòng. Bà Tot dẫn mẹ tôi đi thăm thú nhiều nơi, giới thiệu mẹ với mọi người.

Trong những ngày lưu lại Việt Nam, mẹ và những người bạn thường thức rất khuya để hàn huyên, tâm sự. Mẹ tôi cũng hỏi về những người hàng xóm, láng giềng năm xưa. Mỗi câu chuyện như lại giúp bà dỡ bỏ được những nỗi niềm chất chứa trong tim bấy lâu nay.

Vào ngày cuối cùng trong lần trở lại Việt Nam đầu tiên của mẹ tôi, ba người bạn cùng nhau ăn sáng. Họ phải cố gượng để nói những câu bông đùa xua đi không khí đượm buồn của buổi chia ly. Cả hai người bạn thân của mẹ tôi đều có mặt ở sân bay để tiễn chúng tôi.

Sau cái bắt tay thật chặt, mẹ tôi hứa với họ sẽ trở lại trong năm tới, rồi bước đi thật vội. Tôi biết, mẹ đang chạy trốn những giọt nước mắt của người ở lại.

Đã gần 6 tháng sau chuyến đi, tôi vẫn thấy những tác động to lớn của nó với mẹ tôi. Tuần nào mẹ cũng trò chuyện trực tuyến cùng những người bạn với nụ cười tươi hết cỡ. Mẹ tôi cũng ngủ tốt hơn và không còn mơ về những điều không hay.

Chính vì lẽ đó, khi mẹ tôi nói bà cảm thấy chuyến đi của Tổng thống Obama mang lại nhiều hy vọng, tôi cũng cảm thấy lạc quan. Mẹ tôi đã nhận ra rằng, việc thu mình sống trong những nỗi đau quá khứ không mang lại điều gì tốt lành.

Với mối quan hệ hai nước cũng vậy, mặc dù đây mới chỉ là chuyến thăm thứ ba của một Tổng thống Mỹ tới Viêt Nam trong hơn 40 năm qua thì vẫn chưa bao giờ là quá muộn để chữa lành những vết thương trong quá khứ./. 

Theo Hùng Cường/VOV.VN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh