Trong đợt bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV đơn vị tỉnh Vĩnh Long, Vĩnh Long có 2 đơn vị bầu cử với 10 người ứng cử và số đại biểu được bầu là 6 đại biểu.
Trong đợt bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV đơn vị tỉnh Vĩnh Long, Vĩnh Long có 2 đơn vị bầu cử với 10 người ứng cử và số đại biểu được bầu là 6 đại biểu.
Hiện nay, các ứng cử viên đang ra mắt và tiếp xúc cử tri, báo cáo về chương trình hành động của mình nếu được bầu làm đại biểu Quốc hội, đồng thời tạo điều kiện để cử tri hiểu rõ hơn người ứng cử để có sự lựa chọn chính xác.
Cử tri đọc danh sách các ứng cử viên được niêm yết công khai tại các địa phương. |
Đề xuất giải pháp chống xâm nhập mặn
Đơn vị bầu cử số 1 gồm có 5 ứng cử viên ứng cử tại TP Vĩnh Long và các huyện Long Hồ, Mang Thít, Tam Bình đang tổ chức ra mắt và tiếp xúc cử tri. Trong chương trình hành động của mình, các ứng cử viên đã đưa ra nhiều giải pháp và được đông đảo cử tri đồng tình.
Cụ thể, trước tình hình khó khăn trong sản xuất nông nghiệp hiện nay, nhất là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, Vĩnh Long nói riêng và ĐBSCL nói chung bị ảnh hưởng xâm nhập mặn, thiếu nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất.
Ứng cử viên cam kết, sẽ tiếp tục kiến nghị Chính phủ có đầu tư thích đáng hệ thống thủy lợi nhằm khắc phục tình hình trên. Song song đó, đề nghị các ngành khoa học, có chính sách chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị và phù hợp từng địa bàn, khu vực, giúp nhân dân ổn định và phát triển sản xuất cũng như thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Ngoài ra, ứng cử viên sẽ kiến nghị Chính phủ cần có những giải pháp tích cực để triển khai thực hiện thật tốt việc đầu tư đặc thù cho GD- ĐT ĐBSCL.
Bởi được đánh giá có tiềm lực về kinh tế, tiềm lực về con người rất lớn, nhưng đây lại “được xem” là vùng trũng về trình độ dân trí. Các ứng cử viên sẽ quan tâm thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD- ĐT từ hệ thống trường lớp, chất lượng người thầy, nội dung và phương pháp giảng dạy các điều kiện đảm bảo và gắn liền với đó là những cơ chế, chính sách phù hợp.
Quan tâm giải quyết tốt việc sinh viên ra trường không có việc làm, vì đây là nguồn nhân lực rất quan trọng. Ngoài ra, sẽ gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri nhiều hơn để hiểu rõ cuộc sống thực tế của cử tri và nhân dân. Qua đó sẽ tổng hợp các ý kiến phản ánh, kiến nghị để đề xuất những yêu cầu mà cử tri và nhân dân
mong đợi.
Cử tri Nguyễn Văn Hai (xã Bình Phước- Mang Thít) cho rằng: “Qua các buổi tiếp xúc cử tri như thế này là cơ hội để chúng tôi nhìn lại các ứng cử viên, lắng nghe chương trình hành động của họ để có sự lựa chọn chính xác hơn.
Theo tôi, khi đưa ra danh sách ứng cử thì tất cả đều là tiêu biểu rồi và qua tiếp xúc này tôi đã có sự lựa chọn của riêng mình”.
Theo cử tri Nguyễn Văn Hai, hiện nay người dân sống ở ĐBSCL nói chung và tỉnh Vĩnh Long nói riêng những vấn đề bức xúc nhất là thiên tai, hạn hán và xâm nhập mặn. Thế nên ông nói: “Chúng tôi là nông dân và mong muốn chính quyền có giải pháp cho những vấn
đề trên”.
Cử tri Nguyễn Hữu Thông (xã Chánh An- Mang Thít), rất đồng tình với chương trình hành động của các vị ứng cử đại biểu Quốc hội vì nó tương đối phù hợp với địa phương. “Tôi không có kiến nghị thêm, chỉ đề nghị chương trình hành động của 5 vị ứng cử hôm nay nên photo gởi lại cho đơn vị huyện Mang Thít để cử tri chúng tôi tham gia theo dõi suốt nhiệm kỳ”- anh Thông gợi ý.
Sẽ giám sát việc thực hiện pháp luật liên quan đến người dân
Cử tri mong muốn các vị nếu trúng cử thì thực hiện tốt lời hứa của mình với dân. |
Ở đơn vị bầu cử số 2 gồm có 5 ứng cử viên ứng cử tại huyện Vũng Liêm, Trà Ôn, Bình Tân và TX Bình Minh cũng đang ra mắt và tiếp xúc cử tri.
Trong chương trình hành động của mình, các ứng cử viên cam kết chăm lo tốt hơn nữa đối với các gia đình chính sách, hộ nghèo, các đối tượng bảo trợ xã hội, nhất là người già neo đơn; quan tâm xây dựng và sửa chữa nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết.
Giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội bức xúc như an toàn vệ sinh thực phẩm; kiên quyết xử lý hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp. Tích cực tham gia, đóng góp xây dựng luật và giám sát việc thực hiện pháp luật, đặc biệt các chính sách, pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích chính đáng của người dân.
Các ứng cử viên sẽ đề xuất xây dựng cơ chế cho nông sản được tiêu thụ ổn định để người sản xuất có lãi. Đồng thời, tăng cường giám sát và phản biện xã hội đối với việc dự thảo, các chính sách liên quan đến vấn đề bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ ở các địa phương, tạo điều kiện thuận lợi nhất để phụ nữ có nhiều cơ hội đóng góp công sức, trí tuệ của mình vào sự phát triển của đất nước và địa phương.
Ngoài ra, ứng cử viên cam kết sẽ tham gia xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, kiến nghị có chính sách phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo và trọng dụng những nhân tài trong phong trào để phát huy đúng mực vai trò, vị trí của các hoạt động văn hóa quần chúng.
Đồng thời, thực thi các chính sách về dân tộc, góp phần cải thiện đời sống cho đồng bào dân tộc, đặc biệt đảm bảo cho các em học sinh dân tộc có được một môi trường tốt nhất để học tập, rèn luyện, giữ gìn tốt bản sắc văn hóa của mình.
Cử tri Nguyễn Thị Sang (xã Trung Thành Tây- Vũng Liêm) cho biết, tôi thấy các ứng cử viên lần này có nhiều năm công tác, có kinh nghiệm và uy tín. Tôi hy vọng nếu trúng cử, họ sẽ thể hiện được năng lực, bản lĩnh của mình, mạnh dạn đề đạt tâm tư nguyện vọng và những khó khăn của người dân.
Vì hiện nay, vấn đề an sinh xã hội còn nhiều khó khăn, chế độ chính sách cho người già, người khuyết tật còn thấp và vấn đề giao thông nông thôn vẫn còn cần nhiều quan tâm, cần đầu tư nâng cấp. Có như vậy thì mới tạo được niềm tin thật sự cho người dân.
Bài, ảnh: Thanh Tâm- Hải Yến
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin