Tại phiên bế mạc Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khoá XIII, với tỷ lệ 93,52% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020.
Tại phiên bế mạc Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khoá XIII, với tỷ lệ 93,52% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020.
Sáng nay (12/4), Quốc hội khóa XIII họp phiên bế mạc kỳ họp thứ 11, sớm hơn 2 ngày so với dự kiến.
Mở đầu phiên họp, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đã trình bày Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020.
Báo cáo nêu rõ: Đa số đại biểu Quốc hội tán thành với các chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch phát triển KT-XH 2016- 2020.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy viên Thường vụ Quốc hội bổ sung vào trong báo cáo: Bội chi ngân sách nhà nước đến năm 2020 dưới 4% GDP; đến năm 2020, có 50% tỷ lệ lao động tham gia BHXH…
Cũng theo báo cáo, đa số các đại biểu Quốc hội đã tán thành với các nhóm giải pháp chủ yếu trong dự thảo Nghị quyết.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội trong suốt kỳ họp, dự thảo Nghị quyết bổ sung các nhóm giải pháp về tăng cường ứng dụng KHCN trong phát triển kinh tế – xã hội; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường, các giải pháp cấp bách hỗ trợ các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và ĐBSCL đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi hạn hán và xâm nhập mặn.
Dự thảo Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 do Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng nêu rõ: Với tỷ lệ 93,52% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020.
CÁC CHỈ TIÊU CHỦ YẾU PHÁT TRIỂN KINH TẾ – XÃ HỘI GIAI ĐOẠN 2016 – 2020
Các chỉ tiêu về kinh tế: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân 5 năm 6,5 – 7%/năm; GDP bình quân đầu người năm 2020 khoảng 3.200 – 3.500 USD; Tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP năm 2020 khoảng 85%; Tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm khoảng 32-34% GDP; Bội chi ngân sách nhà nước năm 2020 dưới 4% GDP; Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng khoảng 30 – 35%; Năng suất lao động xã hội bình quân tăng khoảng 5%/năm; Tiêu hao năng lượng tính trên GDP bình quân giảm 1 – 1,5%/năm; Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2020 đạt 38 – 40%.
Các chỉ tiêu về xã hội: Tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội năm 2020 khoảng 40%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2020 đạt khoảng 65 – 70%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 25%; Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị năm 2020 dưới 4%; Đến năm 2020 có 9 – 10 bác sĩ và trên 26,5 giường bệnh/vạn dân; Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế năm 2020 đạt trên 80% dân số; Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 1,0 – 1,5%/năm.
Các chỉ tiêu về môi trường: Tỷ lệ được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh năm 2020 là 95% dân cư thành thị, 90% dân cư nông thôn; Tỷ lệ chất thải nguy hại được xử lý năm 2020 là 85%; Tỷ lệ chất thải y tế được xử lý năm 2020 là 95 – 100%; Tỷ lệ che phủ rừng năm 2020 đạt 42%
Nghị quyết cũng nêu ra 10 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, trong đó ưu tiên hàng đầu là phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường và động lực cho phát triển kinh tế – xã hội; Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế…
Với 94,13% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết về công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước.
Sau những ngày làm việc khẩn trương nghiêm túc, trách nhiệm Quốc hội đã hoàn thành tốt đẹp chương trình kỳ họp thứ 11.
Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, 5 năm qua là một nhiệm kỳ hoạt động dân chủ, đoàn kết, trí tuệ, sôi động và đổi mới của các đại biểu Quốc hội khóa XIII.
“Trong khoảng thời gian đó, chúng ta đã gắn bó với Nhân dân, trăn trở về những bức xúc trong cuộc sống của người dân; cố gắng sâu sát cơ sở, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri; chủ động, tích cực đề xuất giải pháp và tham gia quyết định nhiều vấn đề hệ trọng của đất nước”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: Sự ủng hộ, đồng tình, chia sẻ, tin tưởng của cử tri là phần thưởng cao quý nhất đối với người đại biểu Nhân dân. Nữ Chủ tịch Quốc hội gửi lời cảm ơn và chúc mừng các vị đại biểu Quốc hội khóa XIII đã hoàn thành trách nhiệm.
Nữ Chủ tịch Quốc hội cũng nhắn nhủ: Dù tiếp tục tái cử hay đảm nhận nhiệm vụ khác, chúng ta luôn nhớ và tự hào về những năm tháng cùng nhau hoạt động ở Quốc hội và tiếp tục nỗ lực, tâm huyết đóng góp cho hoạt động của Quốc hội và công việc của đất nước.
Trong kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ khóa XIII (từ 21/3 đến 12/4), Quốc hội đã xem xét, thông qua nhiều dự án quan trọng như: Luật tiếp cận thông tin; Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi); Luật báo chí (sửa đổi); Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi); Luật dược (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế; Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi). Quốc hội cũng đã xem xét, đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước năm 2015, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2016- 2020; quyết định kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2016-2020. Quốc hội đã xem xét các báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2011- 2016 của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Tổng kiểm toán Nhà nước, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao; phê chuẩn thỏa thuận về việc cấp thị thực giữa Việt Nam- Hoa Kỳ; Đặc biệt, tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII đã bầu và phê chuẩn các chức danh: Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội; 3 Phó Thủ tướng, 18 Bộ trưởng và thành viên Chính phủ; Phó Chủ tịch nước; 2 Phó Chủ tịch Quốc hội; Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC; 7 Ủy viên UBTVQH; Chủ tịch HĐDT, Chủ nhiệm 5 Ủy ban của Quốc hội và Tổng KTNN; Phó Chủ tịch và một số Ủy viên Hội đồng QPAN và Hội đồng Bầu cử Quốc gia. |
Theo DĐDN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin