Nhìn lại gần 10 năm điều hành của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

02:04, 06/04/2016

Giữ cương vị người đứng đầu Chính phủ trong 9 năm 10 tháng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đưa đất nước vượt qua những giai đoạn khó khăn, đảm bảo tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô

Giữ cương vị người đứng đầu Chính phủ trong 9 năm 10 tháng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đưa đất nước vượt qua những giai đoạn khó khăn, đảm bảo tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô.

Tuy nhiên, vẫn còn đó mối lo nợ công, vấn nạn tham nhũng, vấn đề đảm bảo chủ quyền trên Biển Đông... sẽ là thách thức với tân Thủ tướng và Chính phủ nhiệm kỳ mới.
 

Sáng nay (6/4), Chủ tịch nước Trần Đại Quang trình Quốc hội miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (ảnh: Việt Hưng)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (ảnh: Việt Hưng)

Nói về thời gian 9 năm 10 tháng trên cương vị người đứng đầu Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trao đổi với phóng viên Dân Trí, ông Cao Sĩ Kiêm - đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình cho rằng, nhìn lại hai nhiệm kỳ đã qua của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, cái "được" vẫn nhiều hơn là "chưa được", đặc biệt là ở nhiệm kỳ thứ hai.

Theo đó, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng, Chính phủ đã điều hành đưa nền kinh tế vượt qua các thời điểm khó khăn, giữ vững được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát giảm từ hai con số xuống chỉ còn 0,6% năm 2015 (trước đó, đã có thời điểm chỉ số lạm phát "vọt" hơn 18%). Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 1.168 USD năm 2010 lên 2.109 USD năm 2015. Tiềm lực đất nước được nâng lên và cơ bản đảm bảo được tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Theo ông Kiêm, dấu ấn nổi bật nhất của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong nhiệm kỳ điều hành của mình đó là đã đưa Việt Nam hội nhập sâu, rộng hơn vào kinh tế thế giới, mà gần đây là việc ký kết hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới.

Mặc dù vẫn còn nhiều tranh luận về khả năng tồn tại, sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt trong bối cảnh hội nhập, song theo Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, việc hội nhập là tất yếu và những quyết sách của Thủ tướng cũng như của Chính phủ thời gian qua là cần thiết và đúng đắn, không nên coi đó là "vội vàng".

Theo đó, các doanh nghiệp Việt bắt buộc phải nâng cao chất lượng quản trị, điều hành, có chiến lược phù hợp để có thể cạnh tranh và "trưởng thành" trong bối cảnh mới. Thêm vào đó, nhìn chung, người dân vẫn là người được lợi cuối cùng của tiến trình này.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (trái) và Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (phải)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (trái) và Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (phải)

Đại biểu Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) cho rằng, nhiệm kỳ vừa qua, gánh nặng đối với Thủ tướng là rất lớn: Từ những khó khăn khách quan của khủng hoảng kinh tế thế giới cho đến tình hình Biển Đông tác động trực tiếp và gián tiếp lên kinh tế - xã hội trong nước, đã tạo ra những áp lực rất lớn lên Thủ tướng Chính phủ.

"Trong bối cảnh đó, cử tri và nhân dân đều có thể thấy những quyết định của Thủ tướng đã thể hiện sự năng nổ, dấn thân nhưng cũng không ít những yếu tố mang tính phiêu lưu. Chính vì những điều này đã dẫn đến một số hậu quả trong nhiệm kỳ đầu tiên của Thủ tướng khóa XII với hàng loạt sự việc như Vinashin, Vinalines, bauxite…cho nên ở 5 năm trong nhiệm kỳ thứ 2 là việc khắc phục những hậu quả này" - ông Quốc nhận định.

Theo vị đại biểu, quá trình khắc phục này cho thấy Thủ tướng đã hết sức quyết liệt trong giải quyết vấn đề, thể hiện rất rõ qua từng lĩnh vực. Ví dụ, trong lĩnh vực giao thông, nhiệm kỳ vừa qua đã tạo được những kết quả tốt.

Đặc biệt, về vấn đề Biển Đông, nhiều đại biểu Quốc hội và cử tri cũng đánh giá cao vai trò của Thủ tướng. Trước báo giới quốc tế, người đứng đầu Chính phủ từng tuyên bố: "Việt Nam luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó".

Ghi nhận những kết quả đạt được của Thủ tướng và Chính phủ nhiệm kỳ đã qua, đại biểu Trần Ngọc Vinh (đoàn Hải Phòng) cũng tỏ ra băn khoăn với tốc độ nợ công gia tăng mạnh mẽ, gây áp lực lên ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, vấn nạn mất vệ sinh an toàn thực phẩm đã trở thành "quốc nạn" trong thời gian gần đây.

Tình trạng tiêm thuốc an thần cho lợn trước khi vận chuyển, sử dụng chất để tạo nạc, chuối ngâm hóa chất để chín vàng đều, trộn chất vàng ô vào thức ăn nhằm tạo màu vàng cho da gà hay bơm nước vào lợn, bò để tăng trọng lượng, nội tạng động vật hôi thối được ngâm hóa chất và tẩy trắng... là nguyên nhân khiến bệnh ung thư tăng cao, cho thấy mức nghiêm trọng của vấn đề với nền kinh tế cũng như đời sống nhân dân.

Ngoài ra, từng là Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tích cực chỉ đạo, điều hành công tác này. Mặc dù quyết liệt, nhưng tình trạng tham nhũng vẫn nhức nhối và là mối trăn trở của nhiều đại biểu Quốc hội.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã lãnh đạo Chính phủ gần 10 năm (ảnh: Việt Hưng)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã lãnh đạo Chính phủ gần 10 năm (ảnh: Việt Hưng)

Theo đại biểu Phùng Văn Hùng (Cao Bằng), đến nay, tình trạng cán bộ sách nhiễu dân, lãng phí, tham nhũng ngày càng phổ biến. Tình trạng doanh nghiệp kêu than vì chi phí bôi trơn, về sự thờ ơ, vô cảm trước khó khăn của doanh nghiệp. Cơ chế xin - cho vẫn còn nặng nề, là rào cản cho sự phát triển của doanh nghiệp, phát triển kinh tế của xã hội Việt Nam.

Tuy nhiên, theo đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa), để đánh giá hoạt động của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, phải đặt trong bối cảnh, điều kiện về mọi mặt. Nếu không đặt vào bối cảnh một hay kể cả hai nhiệm kỳ vừa qua thì sẽ là không công bằng với Thủ tướng.

"Ví dụ, đã có lúc Thủ tướng đã quả quyết rằng, nếu không chống được tham nhũng, ông sẽ xem xét lại công việc, trách nhiệm của ông.

Nhưng đánh giá lại, phải thấy là tình trạng tham nhũng trong bộ máy của chúng ta hiện nay hết sức nghiêm trọng, dường như chưa có chuyển biến, suốt trong 2 nhiệm kỳ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Nhưng dù sao cũng phải đánh giá, đặt trong bối cảnh điều kiện chi phối hoạt động của Thủ tướng. Với cơ chế vừa qua, nếu Thủ tướng có muốn làm cũng khó" - ông Nam nhận xét.

"Đồng ý rằng, trong một số lĩnh vực, thậm chí nhiều việc, cử tri cho rằng nếu Thủ tướng quyết liệt hơn, kiên quyết hơn thì tình hình đỡ khó khăn hơn, nhưng tôi cũng chia sẻ với Thủ tướng rằng, việc cách chức Bộ trưởng, hay cả là Chủ tịch tỉnh, trong cơ chế hiện nay là rất khó" - ông Nam nói.

Cũng theo một số đại biểu, với đà tăng trưởng kinh tế đã được phục hồi, kinh tế vĩ mô ổn định, đời sống xã hội dân sinh cơ bản đảm bảo... tân Thủ tướng và Chính phủ mới sẽ nhận được nhiều thuận lợi trong công tác điều hành.

Tuy nhiên, một số vấn đề mang tính lịch sử còn để lại như nợ công, tham nhũng, vấn đề Biển Đông, khả năng ứng phó với biến động chính trị, kinh tế thế giới và khu vực... cũng sẽ tạo áp lực không nhỏ đối với người kế nhiệm Thủ tướng.

Theo Dân trí

[links(left)]

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh