Ngày 8/4, trong khuôn khổ hội thảo "Diễn đàn Việt Nam 2016," do Viện ISEAS-Yusuf Ishak có trụ sở tại Singapore tổ chức, các học giả Việt Nam và quốc tế đã tập trung thảo luận về quan hệ giữa Việt Nam với các nước lớn kể từ khi bắt đầu quá trình Đổi mới cũng như những thành tựu và thách thức trong chính sách đối ngoại đa phương hóa và đa dạng hóa của Việt Nam sau 30 năm thực hiện chính sách này.
Quang cảnh Diễn đàn Việt Nam 2016 do Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Singapore tổ chức. (Ảnh: Mỹ Bình/Vietnam+) |
Ngày 8/4, trong khuôn khổ hội thảo "Diễn đàn Việt Nam 2016," do Viện ISEAS-Yusuf Ishak có trụ sở tại Singapore tổ chức, các học giả Việt Nam và quốc tế đã tập trung thảo luận về quan hệ giữa Việt Nam với các nước lớn kể từ khi bắt đầu quá trình Đổi mới cũng như những thành tựu và thách thức trong chính sách đối ngoại đa phương hóa và đa dạng hóa của Việt Nam sau 30 năm thực hiện chính sách này.
Tại các phiên họp của hội thảo, các học giả đã nêu những ý kiến đánh giá về sự phát triển trong quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ; cách thức Việt Nam xử lý quan hệ với Trung Quốc; quan hệ Việt Nam-Ấn Độ, đặc biệt trong hợp tác những lĩnh vực trên biển; quan hệ với các nước láng giềng gần gũi như Lào, Campuchia; sự hội nhập kinh tế quốc tế toàn diện và mạnh mẽ xuyên suốt quá trình Đổi mới; cũng như quan hệ Việt Nam-Liên minh châu Âu (EU) thông qua Hiệp định thương mại tự do (FTA).
Nhìn chung, các học giả cho rằng các cặp quan hệ nói trên đóng vai trò quan trọng trong định hình chính sách đối ngoại của Việt Nam, đặc biệt là cặp quan hệ Việt Nam-Mỹ, Việt Nam-Trung Quốc.
Theo các học giả, thời gian gần đây đã ghi nhận một số chuyển động trong quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ, đặc biệt là sự tăng cường lòng tin chiến lược giữa hai bên. Xu hướng chung này đang gia tăng và mang lại sự tin cậy lớn hơn, qua đó tạo tiền đề, nền tảng cho hợp tác song phương Việt Nam-Mỹ không chỉ trong lĩnh vực kinh tế, khoa học-công nghệ, thương mại-đầu tư, mà còn cả ở những lĩnh vực khác vốn còn nhiều hạn chế như quân sự và quốc phòng.
Trao đổi với phóng viên TTXVN bên lề hội thảo, bà Phuong Nguyen, nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS, Mỹ) cho rằng chuyến thăm Việt Nam tới đây của Tổng thống Mỹ Barack Obama nêu bật giá trị cốt lõi của việc xây dựng lòng tin chiến lược song phương. Đây là một cơ hội rất tốt để cả Việt Nam và Mỹ thể hiện sự nghiêm túc với nhau trong việc củng cố và thắt chặt hơn nữa quan hệ hợp tác.
Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp, nhà nghiên cứu thuộc Viện ISEAS-Yusuk Ishak, đại diện ban tổ chức hội thảo, khẳng định sự phát triển trong quan hệ giữa Việt Nam-Mỹ, Việt Nam-Trung Quốc nằm trong tổng thể chính sách đối ngoại Việt Nam là đa phương hóa và đa dạng hóa và tạo ra môi trường hòa bình, ổn định để phục vụ cho sự phát triển trong nước của Việt Nam.
Theo ông, dù còn nhiều thách thức, song nếu linh hoạt và có sự sáng tạo nhất định, Việt Nam vẫn có thể duy trì được môi trường hòa bình, ổn định của mình, đặc biệt trong bối cảnh vị thế của Việt Nam ngày càng lớn hơn trong khu vực.
Về quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ, nhà nghiên cứu Rajeev Ranjan Chaturverdy thuộc Viện Nghiên cứu Nam Á, Đại học Quốc gia Singapore, tán thành ý kiến cho rằng sự can dự của Ấn Độ với Việt Nam ngày càng gia tăng.
Không chỉ có quan hệ hữu nghị lâu dài, Ấn Độ đang giúp Việt Nam củng cố năng lực của mình, bởi cả hai đều mong muốn và ủng hộ chính sách đối ngoại độc lập.
Theo ông Chaturverdy, việc can dự lớn hơn của Ấn Độ sẽ giúp Việt Nam cải thiện đáng kể năng lực của mình trong cả hai lĩnh vực kinh tế và quốc phòng.
Theo tiến sỹ Lê Hồng Hiệp, nhìn chung “Diễn đàn Việt Nam” đã giúp những người tham dự hiểu rõ hơn về những thành tựu của Việt Nam trong 30 năm qua, một số hạn chế, thách thức cũng như triển vọng trong tương lai, về con đường mà Việt Nam sẽ đi trong thời gian tới. Đây chính là điều góp phần tạo nên thành công của hội thảo.
Theo TTXVN/VIETNAM+
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin