6 điểm đặc biệt của Chính phủ mới

07:04, 10/04/2016

Chính phủ mới đã được kiện toàn với 27 thành viên, trong đó có một số điều đặc biệt.

Chính phủ mới đã được kiện toàn với 27 thành viên, trong đó có một số điều đặc biệt.

Sáng 9/4, Quốc hội đã bỏ phiếu phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm 21 thành viên Chính phủ, như vậy nội các Chính phủ mới đã được kiện toàn với 27 thành viên.

Ngoài Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa được bầu, hai Phó Thủ tướng đương nhiệm là các ông Phạm Bình Minh (kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao); ông Vũ Đức Đam, Chính phủ có thêm ba tân Phó Thủ tướng vừa được Quốc hội phê chuẩn là các ông: Vương Đình Huệ, Trương Hòa Bình, Trịnh Đình Dũng.

Ngoài 3 Bộ trưởng tiếp tục tại vị là Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng thì Chính phủ mới có 18 Bộ trưởng, trưởng ngành mới.

Thành viên Chính phủ mới - Ảnh: VnExpress
Thành viên Chính phủ mới - Ảnh: VnExpress

Diện mạo Chính phủ mới có những điều đặc biệt như sau:

1. Lần đầu tiên Chính phủ Việt Nam có 6 Ủy viên Bộ Chính trị gồm ông Nguyễn Xuân Phúc, Phạm Bình Minh, Trương Hòa Bình, Vương Đình Huệ, Tô Lâm, Ngô Xuân Lịch.

Trong khi đó, Chính phủ đầu nhiệm kỳ khoá 13 (năm 2011) của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ có 4 ủy viên Bộ Chính trị gồm các ông Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Xuân Phúc, Phùng Quang Thanh, Trần Đại Quang.

 

2. Bà Nguyễn Thị Kim Tiến – sẽ tiếp tục đảm nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế dù không là Ủy viên Trung ương Đảng. Trong khi các thành viên còn lại 26/27 đều là Ủy viên Trung ương khóa XII.

Bà Nguyễn Thị Kim Tiến cũng là nữ bộ trưởng duy nhất trong Chính phủ hiện tại. So với Chính phủ đầu nhiệm kỳ thì giảm một thành viên nữ (bà Phạm Thị Hải Chuyền thôi làm Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội).

3. Trong 18 Bộ trưởng và trưởng ngành mới được bầu, người có số phiếu thuận cao nhất 93,72% là ông Đỗ Văn Chiến - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (463 tán thành, 24 không đồng ý).

2 vị trí trí cũng nhận được số phiếu thuận cao là ông Ngô Xuân Lịch (462 phiếu tán thành, 25 không đồng ý), Tô Lâm (459 phiếu tán thành, 28 không đồng ý).

Người nhận được số phiếu tán thành thấp nhất là ông Đào Ngọc Dung, với 300 phiếu đồng ý và 185 phiếu không đồng ý. Như vậy ông Đào Ngọc Dung được thông qua với tỷ lệ tán thành đạt gần 61% trong khi tỷ lệ không tán thành lên tới hơn 37% tổng số đại biểu Quốc hội.

Một số vị trí khác có tỷ lệ không đồng ý khá cao là các ông Phan Văn Sáu (Tổng thanh tra Chính phủ, 25%), ông Phùng Xuân Nhạ (Bộ trưởng Giáo dục, 20%), ông Lê Vĩnh Tân (Bộ trưởng Nội vụ, 20%), ông Lê Thành Long (Bộ trưởng Tư pháp, 20%).

4. Chính phủ đầu nhiệm kỳ khoá 13 có độ tuổi trung bình là 56, thì Chính phủ hiện có độ tuổi trung bình nhỉnh hơn một chút với 56,2 tuổi (khoá 12 là 56,4 tuổi). Trong đó, cao tuổi nhất là ông Nguyễn Xuân Phúc, ông Ngô Xuân Lịch (62 tuổi), trẻ nhất là ông Lê Minh Hưng (46 tuổi). Có 21 người thuộc nhóm tuổi 50 (chiếm 78%).

5. Trong Chính phủ nhiệm kỳ mới cũng xuất hiện Thống đốc Ngân hàng trẻ nhất lịch sử Ngân hàng Việt Nam. Đó là ông Lê Minh Hưng được bổ nhiệm vị trí Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ở tuổi 46.

Trước khi trở thành Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ông Lê Minh Hưng đảm nhận trọng trách Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chánh văn phòng T.Ư Đảng.

Ông Lê Minh Hưng sinh năm 1970 trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Cha ông là cố Thượng tướng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an Lê Minh Hương. 

6. Trong 27 thành viên Chính phủ mới, học vị tiến sĩ chiếm đa số với 13 người, 9 người là thạc sĩ, 5 người là cử nhân/kỹ sư.

17 người tốt nghiệp các ngành Kinh tế trong khi 6 người học Luật, Chính trị, Ngoại giao, 2 người có chuyên môn An ninh Quốc phòng, 2 người thuộc chuyên ngành Vật lý, Y khoa.

Theo VTC News

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh