Đại biểu Quốc hội phải gần dân, sát thực tiễn

07:03, 28/03/2016

Trong phiên thảo luận về báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIII của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và báo cáo công tác của Tổng Kiểm toán nhà nước, nhiều vấn đề được đại biểu Quốc hội tham gia đóng góp, nhất là công tác xây dựng luật và ĐB cần gần dân, gắn với thực tiễn.

Trong phiên thảo luận về báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIII của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và báo cáo công tác của Tổng Kiểm toán nhà nước, nhiều vấn đề được đại biểu (ĐB) Quốc hội tham gia đóng góp, nhất là công tác xây dựng luật và ĐB cần gần dân, gắn với thực tiễn.

Ảnh: ĐB Quốc hội tham gia đóng góp báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Quốc hội khóa XIII.

Ảnh: ĐB Quốc hội tham gia đóng góp báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Quốc hội khóa XIII.

 

* Cần nâng cao chất lượng xây dựng luật

Quốc hội khóa XIII có nhiều đổi mới, tạo được nhiều dấu ấn, những việc làm mang tính đột phá như thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn, lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm.

Đó là việc quyết định điều chỉnh mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm thực hiện chính sách tiền tệ và tài khóa thận trọng, đảm bảo an sinh xã hội; phòng, chống tham nhũng lãng phí, kiểm soát đầu tư công, kiểm soát nguồn đầu tư xây dựng cơ bản, thực hiện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng nợ xấu...

Quốc hội đã sửa đổi Hiến pháp và nhiều dự án luật. Có nhiều nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, có những quyết sách kịp thời, đồng bộ để ứng phó với tình hình đất nước, tăng cường tiềm lực quốc phòng để giữ vững độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Khẳng định rõ hơn xu hướng phục hồi của nền kinh tế.

Có thể nói, đây là kết quả tổng hòa của nhiều giải pháp của Quốc hội, của các Ủy ban của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành trong 5 năm qua. Những việc làm trên chính là tiền đề quan trọng tạo được niềm tin, kỳ vọng trong cử tri và nhân dân cả nước. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế mà ĐB cho rằng cần phải khắc phục trong thời gian tới.

Theo ĐB Huỳnh Nghĩa (đơn vị TP Đà Nẵng) công tác làm luật là chức năng cơ bản của Quốc hội nhưng thiếu tập trung, còn chắp vá. Chương trình xây dựng pháp luật còn chưa khoa học, một số dự án luật thiếu tính ổn định, chưa đi vào thực tế. Quốc hội thông qua rồi, dự luật không chấp nhận phải sửa lại vấn đề bức xúc và không có ai chịu trách nhiệm.

ĐB đề nghị Quốc hội cần có chế tài xử lý trách nhiệm những người đứng đầu cơ quan soạn thảo và thẩm tra. Làm một luật đã khó, tốn kém tiền bạc của nhân dân, nhưng luật không đi vào cuộc sống, không có tính khả thi thì làm luật để làm gì.

Đồng tình với quan điểm trên, ĐB Trương Thị Huệ (đơn vị tỉnh Thái Nguyên) cho rằng, có trường hợp luật, pháp lệnh quy định những điều khoản rất nhân văn được cử tri đồng tình ủng hộ cao như Luật người cao tuổi, Pháp lệnh người có công nhưng khi tổ chức thực hiện lại không đảm bảo nguồn lực.

Theo ĐB, đối với công tác xây dựng luật cần phải nghiêm khắc và kiên quyết hơn đối với cơ quan soạn thảo, luật chuẩn bị chậm về thời gian, không đảm bảo về nội dung kiên quyết để lại, đồng thời kèm theo là phải đánh giá năng lực, trách nhiệm của cơ quan soạn thảo.

Mọi dự thảo luật cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra phải có phần đánh giá kỹ về nguồn lực, vật lực, đặc biệt là ngân sách để đảm bảo có nguồn lực tổ chức thực hiện.  

ĐB Khúc Thị Duyền (đơn vị tỉnh Thái Bình) đề nghị, trong xây dựng luật, chúng ta phải căn cứ vào điều kiện kinh tế xã hội và dân trí của Việt Nam. Chúng ta áp dụng luật nước ngoài, công ước của quốc tế nhưng phải có sự chọn lọc và đảm bảo tính khả thi của luật. Xây dựng luật, chính sách chúng ta phải có nguồn lực đảm bảo khi luật có hiệu lực chúng ta thực hiện được ngay.

Chúng ta cần giải trình những nội dung các đại biểu quan tâm trong các nội dung thảo luận về luật, nội dung không tiếp thu của các đại biểu cũng phải có giải trình để các đại biểu hiểu để biểu quyết có hiệu quả.

* ĐB Quốc hội phải gần dân, sát thực tiễn

Thảo luận về việc tăng cường số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách, nhiều ĐB đề nghị Quốc hội phải hướng đến chuyên nghiệp nên cần có số đại biểu có chất lượng, tâm huyết, đức độ, tận tâm với công việc.

Theo nhiều ĐB, làm đại biểu Quốc hội nhưng hoạt động chưa năng nổ, thiếu nghiên cứu, nghiên cứu không sâu các vấn đề nổi cộm. Chưa nói lên tiếng nói của nhân dân, không có tính phản biện, thiếu bản lĩnh, sợ va chạm... thì đại biểu Quốc hội làm sao xứng đáng làm người đại biểu của dân.  

ĐB Bùi Ngọc Chương (đơn vị tỉnh Cà Mau) đề nghị cần có những quy định về cơ chế bắt buộc để đại biểu Quốc hội dành nhiều thời gian, có thời gian nhất định để đi xuống cơ sở, nơi đại biểu ứng cử được nhiều hơn.

Theo ĐB Chương, ĐB Quốc hội cần phải gần dân, sát với thực tiễn để qua đó có được nhiều thông tin, nhiều tư liệu để góp ý trong việc làm luật cũng như có nhiều cơ sở thực tiễn để góp ý trong hoạt động giám sát.

 ĐB Phạm Đức Châu (tỉnh Quảng Trị) cho rằng, Quốc hội chúng ta vẫn nặng cơ cấu và đại biểu kiêm nhiệm là nhiều. Tôi không nói đại biểu cơ cấu là không có chất lượng, không nói đại biểu kiêm nhiệm là không có chất lượng nhưng rõ ràng vì cơ cấu mà có khi chúng ta không thể thoải mái để chọn được những người tài giỏi có tâm huyết, có trách nhiệm.

Ngoài ra, hoạt động Quốc hội cả một nhiệm kỳ mà bây giờ tổng kết đánh giá các ĐB Quốc hội không có một đánh giá nào của cá nhân họ, không cơ quan nào đánh giá hết và xem ai hoạt động như thế nào, có chăng chỉ là cử tri đánh giá. Tôi đề nghị đề nghị Quốc hội nên xem xét kỹ chỗ này.   

Theo ĐB Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh), chúng ta nói nhiều đến đại biểu chuyên trách, theo tôi chuyên trách là tốt nhưng tính chuyên nghiệp mới là quan trọng. Chuyên trách không chuyên nghiệp, nay thay, mai đổi là không hiệu quả. Đây là vấn đề chúng ta phải xem xét, tính toán kỹ và đặc biệt nếu chúng ta tiếp tục công chức hóa đại biểu chuyên trách như đang làm thì chỉ tăng bộ máy nặng nề, không phải tăng hiệu quả.

ĐB Dương Trung Quốc (tỉnh Đồng Nai) cho rằng, Quốc hội chưa có một cơ chế để đánh giá được cử tri của mình, mối tương tác giữa Quốc hội mới là điều quan trọng nhất. Chúng tôi rất mong trong thời gian tới, bên cạnh MTTQ ngày càng nâng cao vai trò phản biện, bên cạnh hoạt động của truyền thông ngày càng tích cực hơn, Quốc hội có những kênh khoa học để có thể thực sự đánh giá hiệu quả những việc kết quả đạt được của mình.

Nhiều ĐB đề nghị Quốc hội cần đổi mới một cách mạnh mẽ, đột phá về phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội, Đảng đoàn Quốc hội. Để vừa đảm bảo Quốc hội chấp hành sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, vừa đảm bảo sự thực chất Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước, của nhân dân.

ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (đơn vị TP Hồ Chí Minh) đề xuất, thời gian tới cần xác định rõ vấn đề gì Đảng đã quyết định, Quốc hội cũng như tất cả các tổ chức khác trong hệ thống chính trị và nhân dân có trách nhiệm quán triệt và thực hiện nghiêm túc; thứ hai vấn đề gì Đảng quyết định, Quốc hội có trách nhiệm phải thể chế bằng các văn bản pháp luật để thực thi trong xã hội; thứ ba là vấn đề gì Đảng định hướng, Quốc hội quyết định trên cơ sở ý chí và nguyện vọng của nhân dân.

Và trên cơ sở thảo luận, tranh luận và có sự đồng thuận của Quốc hội để mở ra một không gian vừa chấp hành, vừa có tính quyết định của Quốc hội một cách thực chất. 

Luật chưa đi vào cuộc sống- đây là trách nhiệm của Quốc hội

 

* ĐB Nguyễn Thanh Bình (đơn vị tỉnh Vĩnh Long):

Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, chúng ta đã ban hành các dự án luật nhiều nhất trong tất cả các nhiệm kỳ của Quốc hội. Tuy nhiên cũng có những điều luật chưa phù hợp, chưa đi vào cuộc sống. Theo tôi luật cần bám sát cuộc sống, cuộc sống đòi hỏi cái gì, cần điều chỉnh gì thì phải điều chỉnh kịp thời.

 

Và trước khi ban hành luật, cần đánh giá sâu hơn sự tác động của luật đối với cuộc sống, phải lấy được ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân, trong các đối tượng chịu tác động của luật. Có như thế mới có thể đảm bảo luật ban hành có tính ổn định lâu dài, tránh tình trạng vừa ban hành đã không phù hợp.

 

 

* ĐB Trần Du Lịch (đơn vị TP Hồ Chí Minh):

Chúng ta nêu tồn tại trong vấn đề ban hành pháp luật nhiệm kỳ XIII, luật ra nhưng đi vào cuộc sống phải chờ đợi văn bản dưới luật và thực thi hiệu lực của luật rất giảm. Nhiệm kỳ XIII chúng ta làm rất công phu, thành quả ban hành hơn 100 bộ luật và đạo luật.

 

Nhưng trong nhiệm kỳ này để luật đi vào cuộc sống chúng ta cần gần 5.000 văn bản dưới luật, trong đó gần 4.000 thông tư và thông tư liên tịch. Nguyên nhân ở đâu? Chúng ta có cải tiến nhưng tình trạng luật khung, luật ống vẫn còn tồn tại, làm cho hiệu lực của luật giảm, với cử tri đây là trách nhiệm của Quốc hội.

T.TÂM (ghi)

 

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh