Chính phủ cần quan tâm đặc biệt vùng ĐBSCL về cơ chế và nguồn lực đầu tư

05:03, 29/03/2016

Trong phiên thảo luận báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhiều đại biểu cho rằng thành công lớn nhất của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là đã chỉ đạo điều hành nền kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, hỗ trợ thị trường, kiểm soát thị trường... 

Trong phiên thảo luận báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhiều đại biểu cho rằng thành công lớn nhất của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là đã chỉ đạo điều hành nền kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, hỗ trợ thị trường, kiểm soát thị trường...

Đại biểu cũng đề xuất nhiều vấn đề cho nhiệm kỳ 5 năm còn lại trong chiến lược 10 năm.

* ĐB Nguyễn Văn Thanh (đơn vị tỉnh Vĩnh Long):

Trong nhiệm kỳ qua, trước những khó khăn, bất ổn rất lớn về kinh tế thế giới cũng như thiên nhiên đã tác động mạnh mẽ vào sự phát triển kinh tế- xã hội của nước ta.

Dù vậy, Chính phủ đã có những giải pháp căn cơ, linh hoạt và sự quyết liệt trong chỉ đạo điều hành qua đó đã kiểm soát được lạm phát và đưa tốc độ phát triển kinh tế khá nhanh.

Tuy nhiên, có hai trăn trở trong nhiệm kỳ vừa qua của Chính phủ theo tôi cần quan tâm, đó là cơ chế của vùng, đặc biệt là ĐBSCL nhất là nguồn lực đầu tư để khai thác tiềm năng, thế mạnh chưa tương ứng. Rõ nét nhất là 3 yếu tố gồm hạ tầng kỹ thuật còn thấp kém, nguồn lực và cơ cấu đầu tư chiếm tỷ trọng không lớn so với các vùng, kéo theo sự phát triển chưa tương xứng với thế mạnh và tiềm năng của vùng; thứ ba là cơ chế phối kết hợp giữa các tỉnh trong khu vực ĐBSCL, để vận động và phát huy nguồn lực chưa đạt như mong muốn.

Tôi đề nghị, trong nhiệm kỳ tới Chính phủ cần có sự chỉ đạo đặc biệt liên quan tới vùng ĐBSCL về cơ chế, về tổ chức thực hiện, cũng như nguồn lực đầu tư cho phù hợp với tiềm năng và lợi thế. Đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp- nơi đảm bảo cho an ninh lương thực, đóng góp một phần quan trọng cho xuất khẩu liên quan đến nông sản.

* ĐB Trần Du Lịch (đơn vị TP Hồ Chí Minh):

Tôi cho rằng Chính phủ đã kiên trì 3 mục tiêu là ổn định kinh tế vĩ mô, chống lạm phát, tăng trưởng hợp lý và giải quyết vấn đề an sinh xã hội. Về vấn đề còn lại, căn cứ vào chiến lược 10 năm thông qua lần 1 năm 2011-2020. 5 năm đi qua chúng ta làm được rất quan trọng, nhưng 5 năm còn lại căn cứ vào chiến lược 10 năm còn nặng nề.  

Chúng ta rất thành công trong giải quyết những vấn đề bức xúc về kinh tế vĩ mô, nhưng nhìn chung vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế còn chậm. Một, nông nghiệp đang đứng trước khó khăn kép, vừa khó khăn về thị trường vừa khó khăn về điều kiện tự nhiên, thiên tai mà chúng ta xử lý không đơn giản.

Hai, quá trình phát triển công nghiệp hỗ trợ gắn doanh nghiệp vừa và nhỏ chúng ta chậm ban hành, xây dựng luật để khuyến khích, đặc biệt trong quá trình tăng nội địa hóa chúng ta gặp khó khăn. Ba, tình trạng doanh nghiệp trong nước suy yếu và tình trạng phát triển hai tốc độ, một tốc độ FPI, một tốc độ doanh nghiệp trong nước, những thách thức sắp tới cho doanh nghiệp trong nước.

Chúng ta rất thành công trong việc thực hiện ba ưu tiên tái cơ cấu, đầu tư công ngân hàng thương mại và doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, những kết quả đạt được đó chúng ta mới đi giai đoạn khởi đầu để tạo sự ổn định và bước tiếp theo rất nặng nề.

Chúng ta tồn tại vấn đề nợ công, vấn đề lãng phí. Tôi cho rằng, nguyên nhân sâu xa của tình trạng nợ công lãng phí chi tiêu từ Luật ngân sách nhà nước, một cơ chế lồng ghép và tôi thấy Chính phủ chưa mạnh dạn xử lý gốc vấn đề.

Vấn đề tiếp theo, để triển khai Luật tổ chức chính quyền địa phương sắp tới, vấn đề phân quyền, phân cấp, ủy quyền là những vấn đề thách thức Chính phủ phải rà lại toàn bộ hệ thống pháp luật để tăng tự chủ địa phương, đó là những vấn đề đang tồn tại trong thời gian tới, căn cứ vào nhiệm vụ 5 năm còn lại của chiến lược 10 năm cần phải tập trung giải quyết. 

THANH TÂM (ghi) 

[links()]

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh