Cần tạo điều kiện cho ứng cử viên nữ trong kỳ bầu cử

02:03, 02/03/2016

Gia tăng tỷ lệ đại biểu nữ trong Quốc hội và HĐND các cấp không chỉ thực hiện bình đẳng giới theo chủ trương của Đảng mà còn nhằm phát huy vai trò của phụ nữ trong công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế. 

Gia tăng tỷ lệ đại biểu nữ trong Quốc hội và HĐND các cấp không chỉ thực hiện bình đẳng giới theo chủ trương của Đảng mà còn nhằm phát huy vai trò của phụ nữ trong công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế.

Trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, việc tạo cơ hội cho ứng viên nữ là rất cần thiết và cần được quan tâm.

Cử tri nữ tích cực tham gia bỏ phiếu là một giải pháp gia tăng cơ hội trúng cử cho ứng viên nữ. Ảnh: PL
Cử tri nữ tích cực tham gia bỏ phiếu là một giải pháp gia tăng cơ hội trúng cử cho ứng viên nữ. Ảnh: PL

Hiện nay, trong lĩnh vực chính trị, tỷ lệ phụ nữ tham gia quản lý, lãnh đạo ở các cấp, các ngành ngày càng tăng. Theo số liệu của Ban Tổ chức Trung ương, số lượng cấp ủy viên nữ được bầu cử tại đại hội đảng bộ các cấp được thể hiện qua những con số đáng chú ý sau: Cấp cơ sở, tỷ lệ nữ chiếm 19,69%, cao hơn nhiệm kỳ trước 3,26%; cấp trên trực tiếp cơ sở, tỷ lệ nữ chiếm 14,3%, cao hơn nhiệm kỳ trước 0,3%; cấp trực thuộc Trung ương, tỷ lệ nữ chiếm 13,3%, cao hơn nhiệm kỳ trước 1,9%; Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, tỷ lệ cán bộ nữ là 20 đồng chí, chiếm 10% (khóa XI là 8,13%), có 3 nữ tham gia đại biểu Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Kết quả đó chứng minh rằng, phụ nữ có thể tham gia với tỷ lệ thích đáng trong các cơ quan quản lý, lãnh đạo và họ có thể đảm trách tốt nhiệm vụ được giao giống như nam giới.

Những kinh nghiệm trong công tác chuẩn bị nhân sự đại hội đảng bộ các cấp rất có ý nghĩa trong bối cảnh các cấp, các ngành đang tích cực chuẩn bị nhân sự cho bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2020.

Một trong những vấn đề được quan tâm hiện nay, đó là làm sao đảm bảo tỷ lệ có ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức ứng cử là phụ nữ như quy định tại các Điều 8,9 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015. Để đạt được chỉ tiêu này, cần phải có tỷ lệ ứng viên nữ cao hơn.

Tuy nhiên, theo bà Phạm Thị Hải Chuyền - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, số liệu của các kỳ bầu cử trước cho thấy tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XIII chỉ chiếm 24,4%, sụt giảm đáng kể và thấp nhất trong 4 nhiệm kỳ gần đây; trong vòng 20 năm từ 1987 - 2007, nữ đại biểu Quốc hội chỉ tăng được gần 4%.

Ở cơ quan dân cử địa phương, tỷ lệ nữ đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2011 – 2016 cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là 25,17%; cấp quận, huyện, thị xã là 24,62% và cấp xã, phường, thị trấn là 21,71%. Kết quả này tuy đã có sự gia tăng so với 3 nhiệm kỳ gần nhất nhưng tỷ lệ tăng cũng chỉ dao động khoảng 2%.

Trong danh sách ứng cử chính thức vào Quốc hội chỉ có 31% ứng viên nữ, trong đó số ứng viên nữ do Trung ương giới thiệu là 12%. Như vậy, nhìn chung, tỷ lệ phụ nữ tham gia Quốc hội và HĐND các cấp so với mục tiêu của Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020 vẫn còn là một khoảng cách khá xa.

Ngày 22/5/2016, cử tri cả nước sẽ tiến hành bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2016 - 2021. Công tác chuẩn bị nhân sự đang được các cấp, các ngành tích cực triển khai. Bà Bùi Thị Thanh - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, để đảm bảo được tỷ lệ ứng viên nữ như quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, cấp ủy các cấp cần định hướng rõ về chủ trương bình đẳng giới trong quá trình tổ chức bầu cử, từ khâu dự kiến nhân sự đến khâu bầu cử.

Các cơ quan, tổ chức, đơn vị được dự kiến phân bổ người ứng cử phải là những nơi có điều kiện để có thể giới thiệu người ứng cử là nữ; đảm bảo cân bằng giới tính khi phân bổ số lượng các ứng cử viên. Các ứng cử viên nữ không gánh quá nhiều cơ cấu.

Trong quá trình giới thiệu người ứng cử của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cần có sự thống nhất cao giữa người đứng đầu với cấp ủy, Công đoàn, nữ công (nếu có) về số lượng, chất lượng người được giới thiệu ứng cử. Việc giới thiệu phải bình đẳng như nhau, có vị trí chức danh tương đương nhau, khắc phục tình trạng giới thiệu cơ cấu nữ với nghĩa là làm “đệm” cho nam hoặc nữ lãnh đạo. 

Theo TS Nguyễn Thị Thu Hà - Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Trung ương, thời điểm này cần đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân về công tác bầu cử. Công tác tuyên truyền cần chú trọng đến 2 đối tượng, gồm: Cán bộ lãnh đạo các cấp liên quan trực tiếp đến công tác bầu cử ( lãnh đạo Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, Hội Liên hiệp Phụ nữ và các đoàn thể) - những người có tiếng nói, ý kiến quan trọng trong việc quyết định giới thiệu phụ nữ tham gia ứng cử và đối tượng cử tri - những người trực tiếp bầu cử cho phụ nữ. Công tác này cần phải làm thường xuyên, kiên trì, với nhiều hình thức, phương tiện phù hợp để tăng hiệu ứng và đạt hiệu quả cao.

TS Nguyễn Thị Thu Hà gợi ý nên tập trung tuyên truyền qua các phương thức như: Tuyên truyền cổ động trực quan; thông qua sinh hoạt chi hội, tổ phụ nữ; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm tạo dư luận ủng hộ cho các nữ ứng viên.

Đặc biệt cần phát huy vai trò đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền miệng. Hiện nay, đội ngũ báo cáo viên cấp Trung ương có 387 đồng chí; cấp tỉnh và tương đương có 3.310 đồng chí; cấp huyện và tương đương có 21.300 đồng chí cùng đông đảo tuyên truyền viên các cấp, nhất là cán bộ Hội Phụ nữ để giới thiệu phụ nữ ra ứng cử, đồng thời tuyên truyền, vận động cử tri tích cực  bỏ phiếu ủng hộ ứng viên nữ…

Quốc hội, HĐND các cấp là các cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước ở Trung ương và địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Trong thành phần cơ quan này phải có đại diện của mọi tầng lớp, các nhóm xã hội, trong đó có phụ nữ.

Sự tham gia của các đại biểu nữ trong Quốc hội và HĐND các cấp là cần thiết không chỉ bởi họ là một tầng lớp trong xã hội mà còn bởi phụ nữ chiếm tới 50% dân số. Thông qua hoạt động của Quốc hội và HĐND, đại biểu nữ sẽ có điều kiện phản ánh, đề đạt nguyện vọng, bảo đảm quyền lợi chính đáng của phụ nữ. Bởi vậy, bầu cử cho phụ nữ chính là vì sự phát triển của đất nước, của dân tộc trong tương lai./.

Theo http://dangcongsan.vn/phap-luat/can-tao-dieu-kien-cho-ung-cu-vien-nu-trong-ky-bau-cu-375273.html

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh