Cộng đồng ASEAN: Cộng đồng gắn kết, chia sẻ, phát triển

11:02, 13/02/2016

Ngày 31/12/2015, Cộng đồng ASEAN đã chính thức ra đời. Đây là dấu mốc quan trọng trong lịch sử của ASEAN. Dưới mái nhà chung đó, các dân tộc ở Đông Nam Á sẽ cùng chung sống, gắn kết, chia sẻ lợi ích và phát triển trên chặng đường mới của mình.

Ngày 31/12/2015, Cộng đồng ASEAN đã chính thức ra đời. Đây là dấu mốc quan trọng trong lịch sử của ASEAN. Dưới mái nhà chung đó, các dân tộc ở Đông Nam Á sẽ cùng chung sống, gắn kết, chia sẻ lợi ích và phát triển trên chặng đường mới của mình. 

Quyết định xây dựng Cộng đồng ASEAN được lãnh đạo 10 nước thông qua tại Hội nghị cấp cao ASEAN 9 (tháng 10/2003) với 3 trụ cột: Cộng đồng An ninh ASEAN (ASC), Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN (ASCC).

Một năm sau đó, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-10 (tháng 11/2004), các lãnh đạo ASEAN đã thông qua các kế hoạch hành động xây dựng 3 trụ cột Cộng đồng ASEAN, cùng với Chương trình hành động Viêng Chăn (VAP) bao gồm các hoạt động cụ thể nhằm hiện thực hóa mục tiêu này trong năm 2015.

Cần nói rõ, Cộng đồng ASEAN không đưa ASEAN trở thành một tổ chức siêu quốc gia (như Cộng đồng Châu Âu), mà thay vào đó, sẽ đẩy mạnh hơn nữa mức độ hợp tác và liên kết khu vực, đem lại những tác động sâu rộng và có ý nghĩa quan trọng đối với đời sống của người dân các nước ở khu vực Đông Nam Á. Dưới đây là nội dung chính của ba trụ cột.

 Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN (APSC)

  Cộng đồng An ninh ASEAN (ASC) được xác định là một trong 3 trụ cột của Cộng đồng ASEAN, nhằm “đưa hợp tác chính trị-an ninh ASEAN lên tầm cao mới, để các quốc gia trong khu vực sống hòa bình với nhau và với thế giới trong một môi trường bình đẳng, dân chủ và hòa hợp”.

 Khởi nguồn từ sáng kiến của Indonesia, ASC (sau này được đổi tên thành Cộng đồng Chính trị-An ninh (APSC)) là bước phát triển cao hơn của các nỗ lực hợp tác chính trị-an ninh của ASEAN. Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN được thông qua tại Hội nghị cấp cao ASEAN 14 (năm 2009) xác định 3 thành tố chính của APSC gồm:

(1) Xây dựng một cộng đồng dựa trên các giá trị và chuẩn mực chung; (2) Tạo dựng một khu vực gắn kết, hòa bình và tự cường với trách nhiệm chung đối với an ninh toàn diện; (3) Hướng tới một khu vực năng động và rộng mở với bên ngoài trong một thế giới ngày càng liên kết và tùy thuộc.

Dưới thành tố đầu tiên của APSC, ASEAN đẩy mạnh hợp tác về chính trị, hình thành và chia sẻ các chuẩn mực thể hiện trong Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC), Hiệp ước về Khu vực Đông Nam Á không có Vũ khí hạt nhân (SEANWFZ), Tuyên bố về Ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC), thúc đẩy hợp tác an ninh biển v.v...

Để cụ thể hóa thành tố thứ 2, ASEAN tập trung hợp tác xây dựng lòng tin, thúc đẩy đối thoại, hiểu biết lẫn nhau nhằm ngăn ngừa xung đột, thúc đẩy hợp tác về quốc phòng-an ninh, nghiên cứu các biện pháp giải quyết xung đột một cách hòa bình và hợp tác kiến tạo hòa bình sau xung đột cũng như hợp tác trên các lĩnh vực an ninh phi truyền thống. Theo thành tố thứ 3, ASEAN tích cực tăng cường vai trò trung tâm trong hợp tác khu vực và xây dựng cộng đồng, mở rộng quan hệ với các đối tác bên ngoài, nỗ lực phát huy vị trí là động lực chính trong một cấu trúc khu vực mở, minh bạch và thu nạp.

Các lĩnh vực hợp tác trong trụ cột Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN ngày càng được thúc đẩy và đi vào chiều sâu: hợp tác quốc phòng qua cơ chế Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM) và ADMM Mở rộng (ADMM+) với 8 đối tác; hợp tác đảm bảo an ninh biển theo khuôn khổ Diễn đàn Biển ASEAN (AMF) và Diễn đàn Biển ASEAN Mở rộng (EAMF); Ủy ban liên Chính phủ ASEAN về Nhân quyền (AICHR) lần đầu tiên đã thông qua Tuyên bố về Nhân quyền (AHRD), khẳng định cam kết hợp tác thúc đẩy và bảo vệ các quyền tự do cơ bản của người dân trong khu vực; Viện Hòa bình hòa giải ASEAN (AIPR) được thành lập nhằm hỗ trợ nghiên cứu các biện pháp về hòa bình và hòa giải trong khu vực…. 

Bên cạnh đó, ASEAN không ngừng mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác toàn diện, cùng có lợi với các Đối tác, thúc đẩy và làm phong phú các diễn đàn đối thoại và hợp tác ở khu vực do ASEAN chủ trì như ASEAN+1, ASEAN+3, Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) v.v...

 Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC)

AEC là một trong 3 trụ cột quan trọng của Cộng đồng ASEAN nhằm thực hiện các mục tiêu đề ra trong Tầm nhìn ASEAN 2020, và được khẳng định lại trong Tuyên bố Hòa hợp ASEAN (Tuyên bố Bali II): tạo dựng một khu vực kinh tế ASEAN ổn định, thịnh vượng và cạnh tranh cao, nơi có sự di chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, di chuyển tự do hơn của các luồng vốn, phát triển kinh tế đồng đều và giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách chênh lệch về kinh tế-xã hội.

Kế hoạch tổng thể  xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN một bộ phận của lộ trình xây dựng Cộng đồng 2009-2015 đã xác định các biện pháp chính mà ASEAN sẽ thực hiện để xây dựng một thị trường chung và cơ sở sản xuất thống nhất bao gồm: dỡ bỏ thuế quan và các hàng rào phi thuế quan; thuận lợi hóa thương mại, hài hòa hóa các tiêu chuẩn sản phẩm (hợp chuẩn) và quy chế, giải quyết nhanh chóng hơn các thủ tục hải quan và xuất nhập khẩu,  hoàn chỉnh các quy tắc về xuất xứ, tạo thuận lợi cho dịch vụ, đầu tư,  tăng cường phát triển thị trường vốn ASEAN và tự do lưu chuyển hơn của dòng vốn, thuận lợi hóa di chuyển nhân lực v.v…, song song với việc củng cố mạng lưới sản xuất khu vực thông qua đẩy mạnh kết nối về cơ sở hạ tầng, đặc biệt là trong các lĩnh vực năng lượng, giao thông vận tải, công nghệ thông tin và viễn thông, cũng như phát triển các kỹ năng thích hợp.

Các biện pháp nói trên đều đã và đang được các nước thành viên ASEAN triển khai cụ thể thông qua các thỏa thuận và hiệp định quan trọng.

Thành tựu đáng kể nhất trong xây dựng AEC tới nay là ASEAN đã cơ bản giảm được thuế quan cho các mặt hàng trong danh sách giảm thuế về từ 0-5% từ năm 2010 đối với 6 nước thành viên ban đầu và vào 2015 với 4 nước thành viên mới, hình thành nên một thị trường mở không còn các rào cản thuế quan đối với hàng hóa. Nhằm xây dựng một khu vực cạnh tranh về kinh tế, ASEAN thúc đẩy chính sách cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ sở hữu trí tuệ, phát triển cơ sở hạ tầng, thương mại điện tử v.v.

Mở rộng hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu, ASEAN đẩy mạnh triển khai các FTA với 6 đối tác lớn là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand, đồng thời tích cực đàm phán xây dựng Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) nhằm tạo ra một không gian kinh tế mở ở Đông Á.

Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN (ASCC)

Mục tiêu cơ bản của trụ cột thứ ba này thể hiện trong Tuyên bố Hòa hợp ASEAN (Bali II) và kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN (ASCC) là góp phần xây dựng một Cộng đồng ASEAN lấy con người làm trung tâm; có trách nhiệm xã hội nhằm xây dựng tình đoàn kết và thống nhất bền lâu giữa các quốc gia và dân tộc ASEAN bằng cách tiến tới một bản sắc chung; xây dựng một xã hội chia sẻ, đùm bọc, hòa thuận và rộng mở nơi mà cuộc sống, mức sống và phúc lợi của người dân được nâng cao.

Kế hoạch Tổng thể xây dựng Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN gồm 6 thành tố chính: (1) Phát triển con người (2) Phúc lợi và bảo hiểm xã hội (3) Các quyền và bình đẳng xã hội (4) Đảm bảo môi trường bền vững (5) Tạo dựng bản sắc ASEAN (6) Thu hẹp khoảng cách phát triển và 40 thành tố cùng với 340 biện pháp thực hiện trong giai đoạn 2009-2015 cũng như thể chế thực hiện và giám sát.

Các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ kế hoạch tổng thể ASCC đang được thúc đẩy trên nhiều lĩnh vực và tập trung vào 6 thành tố chính kể trên.

Đẩy mạnh kết nối, thu hẹp khoảng cách phát triển

 Để hỗ trợ mục tiêu xây dựng Cộng đồng, ASEAN đã thông qua và đang tập trung triển khai kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN, nhằm tăng cường kết nối khu vực trên cả 3 nội dung là kết nối hạ tầng cứng (giao thông vận tải); hạ tầng mềm (thể chế) và con người, hướng tới mở rộng kết nối ra toàn khu vực Đông Á; đồng thời tích cực thúc đẩy các nỗ lực thu hẹp khoảng cách phát triển trong Hiệp hội thông qua các Chương trình công tác thực hiện Sáng kiến Liên kết ASEAN (IAI).Tất cả vì một ASEAN đoàn kết, phát triển và thịnh vượng.

Vai trò của Việt Nam

Là thành viên tích cực của ASEAN từ khi gia nhập, Việt Nam đã thực hiện đầy đủ, trách nhiệm, nghĩa vụ của mình và có đóng góp tích cực vào công việc của ASEAN, góp phần quan trọng vào sự phát triển và thành công của Hiệp hội.

Thực tiễn cho thấy, chỉ sau 3 năm gia nhập ASEAN, Việt Nam đã chủ trì và tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 6 (năm 1998), đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch Ủy ban thường trực ASEAN (ASC) (nhiệm kỳ 2000 - 2001), đóng góp tích cực vào việc kết nạp Lào, Myanmar, Campuchia làm thành viên của ASEAN, phát huy vai trò nước điều phối quan hệ đối thoại của ASEAN với các đối tác quan trọng. Việt Nam cũng hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch ASEAN 2010, góp phần tăng cường đoàn kết nội khối, phát huy “văn hóa thực thi” trong ASEAN, đưa hợp tác ASEAN theo hướng hành động và thực chất hơn, tạo đà mạnh mẽ cho Hiệp hội hướng tới mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN. Các tổ chức hữu nghị, nhân dân của Việt Nam đã có những hoạt động phong phú ở trong nước và tại các cơ chế nhân dân của ASEAN

PV (tổng hợp)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh