Sự đồng lòng, nhất trí và tâm huyết, trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta là nguồn sức mạnh vô tận. Chúng ta nhất định thành công trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
“Sự đồng lòng, nhất trí và tâm huyết, trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta là nguồn sức mạnh vô tận. Chúng ta nhất định thành công trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc”- đấy là những lời đầy trách nhiệm, chân thành và tâm huyết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trước khi kết thúc báo cáo của BCH Trung ương Đảng khóa XI trong ngày khai mạc Đại hội XII của Đảng. Đấy cũng là con đường đi lên kiên định của đất nước Việt Nam.
Kỳ 1: Xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái
Trình bày báo cáo của BCH Trung ương Đảng khóa XI trình đại hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu việc “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh” làm tiêu đề đầu tiên. Đồng thời, đã dành một phần quan trọng để nói về vấn đề này.
Đại hội của “Đoàn kết- Dân chủ- Kỷ cương- Đổi mới”. |
Xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu
Theo Tổng Bí thư, 5 năm qua, Đảng ta đã kiên trì, nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ then chốt về xây dựng Đảng trên cả 3 mặt: chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạt được những kết quả quan trọng.
Nhìn chung, các cấp ủy, tổ chức Đảng từ Trung ương đến cơ sở đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện bài bản, quyết liệt Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng, tạo chuyển biến tích cực, góp phần cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, từng bước ngăn chặn và đẩy lùi tiêu cực, suy thoái trong Đảng.
Góp phần siết lại kỷ luật, kỷ cương, ngăn chặn trên một số mặt tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Khắc phục một số hạn chế, khuyết điểm trong công tác cán bộ và trong thực hiện các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.
Nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý đã chú trọng nâng cao tinh thần trách nhiệm, nghiêm khắc với mình hơn, giữ gìn đạo đức, lối sống; bước đầu tự sửa chữa khuyết điểm, tự điều chỉnh trong công tác và trong cuộc sống của mình, của gia đình và người thân. Bước đầu kiềm chế, ngăn chặn tình trạng tham nhũng, lãng phí.
Nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp đã được chỉ đạo điều tra, xét xử nghiêm minh. Nhiều chủ trương, quan điểm về công tác cán bộ được thể chế, cụ thể hóa dân chủ, chặt chẽ hơn. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 đã có tác động thúc đẩy đất nước vượt qua khó khăn, ổn định chính trị, củng cố niềm tin trong Đảng và nhân dân.
Tuy nhiên, theo Tổng Bí thư, một số việc vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra. Như tự phê bình và phê bình còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm. Một số cán bộ, đảng viên chưa tự giác nhìn nhận đúng mức khuyết điểm và trách nhiệm. Trên một số vấn đề, cấp ủy các cấp vẫn chưa làm rõ thực chất, mức độ, ai chịu trách nhiệm…
Tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi; có mặt, có bộ phận còn diễn biến phức tạp hơn.
Song, nhìn chung, công tác xây dựng Đảng 5 năm qua đã đạt được những kết quả quan trọng. Đảng ta giữ vững được bản lĩnh chính trị, bản chất cách mạng và khoa học, kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên định đường lối đổi mới; xứng đáng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đạt được những kết quả đó là do Đảng ta luôn xác định nhiệm vụ xây dựng Đảng là then chốt.
Chú trọng công tác kiểm tra, giám sát
Tuy nhiên, công tác xây dựng Đảng nói chung cũng còn bộc lộ nhiều hạn chế, khuyết điểm, như: việc dự báo, hoạch định, lãnh đạo tổ chức thực hiện các nghị quyết, chính sách của Đảng, Nhà nước chưa kịp thời, đồng bộ, hiệu quả; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của không ít tổ chức Đảng còn thấp, có nơi mất sức chiến đấu; tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, hiệu quả hoạt động chưa cao… làm giảm lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.
Ông Mai Thế Dương- Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương khẳng định: Thực tiễn hoạt động của Đảng 86 năm qua đã chứng minh kiểm tra, giám sát là những chức năng lãnh đạo của Đảng, có vị trí hết sức quan trọng trong hoạt động lãnh đạo của Đảng, là nhiệm vụ của toàn Đảng, trước hết là của các cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy.
Đồng thời, phải coi trọng, phát huy trách nhiệm kiểm tra, giám sát, phản biện của nhân dân, MTTQ, các đoàn thể chính trị, xã hội và các cơ quan thông tin đại chúng đối với tổ chức Đảng, đảng viên.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh: “Trong những năm tới, phải đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng Đảng, trọng tâm là kiên quyết, kiên trì tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI. Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, bè phái, “lợi ích nhóm”, "nói không đi đôi với làm". Đồng thời: Đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng. Xử lý kịp thời, nghiêm minh tổ chức Đảng, đảng viên vi phạm và những hành vi dung túng, bao che cho khuyết điểm, vi phạm của tổ chức Đảng và đảng viên, công khai kết quả xử lý.
Đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh- Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long) Bên cạnh xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, thì phải tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp, các ngành để đủ năng lực, có phẩm chất, có uy tín và hết lòng, hết sức phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân và ngang tầm với nhiệm vụ hiện nay. Tôi cho rằng, hiện nay nhân dân nhìn vào Đảng, hiểu Đảng trước hết là qua đội ngũ cán bộ quản lý tại nơi làm việc, tại nơi cư trú. Đồng chí Trương Văn Sáu- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Long Người đứng đầu của cấp ủy, cũng như lãnh đạo các cấp các ngành phải thật sự tiên phong tiêu biểu, gương mẫu và hết sức kiên quyết. Đồng thời, phải phát huy dân chủ trong Đảng cũng như tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân tham gia đóng góp xây dựng Đảng. Phải nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ để đảng viên mạnh dạn đóng góp xây dựng. Tránh tình trạng nể nang và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và cố tình bao che vi phạm. Đồng chí Nguyễn Thành Thế- Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Vĩnh Long Đề nghị Trung ương nên quan tâm công tác quy hoạch đào tạo. Thực hiện luân chuyển và có bước đi phù hợp đối với từng lĩnh vực, từng đồng chí. Phải đào tạo gắn với chuyên môn, lĩnh vực của từng đồng chí, để tránh tình trạng đào tạo ở lĩnh vực này mà bố trí, phân công ngành khác. Đặc biệt, cán bộ phải có phẩm chất, năng lực, đạo đức và được đánh giá bằng kinh nghiệm thực tiễn, để đảm đương công việc, hoàn thành nhiệm vụ được giao. |
Kỳ 2: “Việt Nam- mô hình thành công đặc biệt”
Bài, ảnh: PHƯƠNG NAM
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin