Kỳ 4: Thời kỳ 1992 đến nay

06:01, 03/01/2016

Đây là thời kỳ Quốc hội được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp 1992. Quốc hội đã có những đổi mới cơ bản, khắc phục tính hình thức, hạn chế trong hoạt động ở các khóa Quốc hội trước và ngày càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng là cơ quan đại biểu dân cử cao nhất, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII ra mắt.
Các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII ra mắt.

Đây là thời kỳ Quốc hội được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp 1992. Quốc hội đã có những đổi mới cơ bản, khắc phục tính hình thức, hạn chế trong hoạt động ở các khóa Quốc hội trước và ngày càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng là cơ quan đại biểu dân cử cao nhất, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Hiến pháp 1992 tiếp tục khẳng định Quốc hội có 3 chức năng cơ bản: Là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp; quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước; và giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của đất nước. Hiến pháp 1992 quy định Quốc hội có 14 nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể và bãi bỏ quy định “Quốc hội có thể định cho mình những nhiệm vụ và quyền hạn khác khi xét thấy cần thiết” theo Hiến pháp 1980.

Trong thời kỳ này, Quốc hội trải qua 5 khóa hoạt động:

- Quốc hội khóa IX (1992- 1997) được bầu ngày 19/7/1992; tổng số có 395 đại biểu. Quốc hội khóa IX là nhiệm kỳ Quốc hội hoạt động theo quy định của Hiến pháp 1992, trong đó Quốc hội có vai trò quan trọng trong việc thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế- xã hội đến năm 2000 do Đại hội lần thứ VII của Đảng đề ra. Hoạt động của Quốc hội đã góp phần đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới sâu sắc và toàn diện, phát huy vai trò của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực sự là nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

- Quốc hội khóa X (1997- 2002) được bầu ngày 20/7/1997; tổng số có 450 đại biểu. Trong nhiệm kỳ khóa X với 11 kỳ họp, Quốc hội đã ban hành 1 bộ luật, 31 luật; Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 39 pháp lệnh. Điểm nổi bật là tại kỳ họp thứ 10 từ ngày 21/11 đến ngày 25/12/2001, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 51/2001/QH10 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 1992, nhằm thể chế hóa đường lối của Đảng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ IX của Đảng. Cùng với hoạt động lập pháp, Quốc hội ngày càng chú trọng và chủ động hơn trong việc xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, như: Quyết định các kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia, tổ chức bộ máy và nhân sự của các cơ quan nhà nước do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, các vấn đề về bảo đảm an ninh, quốc phòng.

- Quốc hội khóa XI (2002- 2007) được bầu ngày 19/5/2002; tổng số có 498 đại biểu. Trong nhiệm kỳ này, số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách đã tăng lên đáng kể. Có 120 đại biểu (chiếm gần 25% tổng số đại biểu Quốc hội) hoạt động chuyên trách ở các cơ quan của Quốc hội và ở 64 đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh- thành trực thuộc Trung ương. Trong lĩnh vực lập pháp, Quốc hội đã ban hành 84 luật, bộ luật; Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 31 pháp lệnh.

- Quốc hội khóa XII (2007- 2011) được bầu ngày 20/5/2007; tổng số có 493 đại biểu. So với nhiệm kỳ trước, số lượng các ủy ban của Quốc hội khóa XII tăng lên thành 9 ủy ban với việc Quốc hội thành lập mới Ủy ban Tư pháp và Ủy ban Tài chính và ngân sách. Số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cũng được tăng cường với 145 đại biểu, chiếm 29,41% tổng số đại biểu Quốc hội, tạo điều kiện thuận lợi cho việc sắp xếp, bố trí cán bộ, kiện toàn bộ máy của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội và đoàn đại biểu Quốc hội. Trong nhiệm kỳ 4 năm, với sự phấn đấu nỗ lực, không ngừng đổi mới, Quốc hội khóa XII đã ban hành 68 luật, 12 nghị quyết; Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 13 pháp lệnh và 7 nghị quyết.

- Quốc hội khóa XIII (2011- 2016) được bầu ngày 22/5/2011. Đây là lần đầu tiên cử tri cả nước tham gia cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011- 2016 trong cùng một ngày với quy mô lớn. Cuộc bầu cử đã thành công tốt đẹp với 99,51% cử tri đi bỏ phiếu, bầu ra 500 đại biểu Quốc hội tiêu biểu cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thành tựu lớn nhất trong hoạt động lập hiến, lập pháp của Quốc hội trong nhiệm kỳ này là Quốc hội đã thông qua bản Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam- Hiến pháp năm 2013. Tại kỳ họp thứ 6, vào ngày 28/11/2013, Quốc hội khóa XIII đã biểu quyết thông qua toàn văn Dự thảo Hiến pháp năm 2013 với 486 đại biểu, chiếm 97,59% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành. Đây là bản Hiến pháp thể hiện tinh thần đổi mới sâu sắc, tạo khuôn khổ pháp lý vững chắc cho sự vận hành toàn bộ đời sống xã hội trên nền tảng dân chủ, pháp quyền và tạo động lực mạnh mẽ để đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011).

(Còn tiếp)

PV

(Tóm lược theo tài liệu “Quốc hội Việt Nam- 70 năm hình thành và phát triển” của Bộ Thông tin- Truyền thông)

[links()]

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh