Cộng đồng ASEAN đã chính thức được thành lập ngày 31/12/2015, đây là cơ hội để Việt Nam phát triển, nhưng cùng với đó, sẽ đi kèm nhiều thách thức.
Nhân sự kiện này Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã trả lời trong Chương trình “Dân hỏi Bộ trưởng trả lời”, trên VTV1 và một số cơ quan báo chí khác.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, thuận lợi lớn nhất mà Cộng đồng ASEAN đem lại cho người dân là tạo ra môi trường hòa bình, ổn định cho cả 10 nước trên cơ sở người dân được sống trong một khuôn khổ, khung cảnh được đảm bảo về môi trường hòa bình, ổn định, vì các nước cùng chia sẻ trách nhiệm để đảm bảo môi trường đó và có trách nhiệm giải quyết các vấn đề nếu có xảy ra liên quan đến 10 nước.
Tứ nay, cơ hội có nhiều, nhưng thách thức cũng không ít, bởi người dân, doanh nghiệp nào tận dụng được cơ hội từ cộng đồng ASEAN mang lại, thì sẽ thụ hưởng được những thuận lợi, còn ngược lại sẽ gặp thách thức rất lớn, vì sự cạnh tranh sẽ quyết liệt hơn, do không chỉ còn là cạnh tranh trong 90 triệu cư dân Việt Nam, mà là cả một cộng đồng 625 triệu người. Có thể nói, cộng đồng ASEAN có thể đem lại cơ hội trước mắt, cũng có thể cơ hội về lâu dài. Việc của chúng ta là làm sao để người dân hưởng thụ được hết lợi ích của cộng đồng mang lại. Đó là mục tiêu của các nhà lãnh đạo ASEAN khi xây dựng một cộng đồng hướng về người dân và lấy người dân làm trung tâm.
Nhưng vấn đề rất lớn và đáng ngại là những người thụ hưởng là người dân và doanh nghiệp hiện nay chưa nhận thức được đầy đủ về Cộng đồng ASEAN, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng cho biết, từ năm 2001 đến nay, Việt Nam đã xây dựng được 15 đối tác chiến lược, trong đó, chỉ riêng giai đoạn từ năm 2011 đến 2015, đã xây dựng được 9/15 đối tác chiến lược và 3/10 đối tác toàn diện .
Theo Phó Thủ tướng, 15 nước đối tác chiến lược và 10 nước đối tác toàn diện đã chiếm trên 50% dân số thế giới và 50% tổng GDP toàn cầu. Điều đó cho thấy các nước đối tác chiến lược và đối tác toàn diện của Việt Nam hết sức quan trọng. Hiếm có một nước trên thế giới xây dựng đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với cả 5 nước thường trực HĐBA Liên Hợp quốc và các nước hầu như quan trọng nhất trên thế giới. Điều này cũng nói lên vị thế của Việt Nam trong khu vực cũng như trên thế giới. Đứng về mặt kinh tế thì 15 nước đối tác chiến lược và 10 nước đối tác toàn diện đã chiếm 80% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ra nước ngoài. Như vậy, đối với người dân, dù là người sản xuất hay người tiêu dùng, đều được hưởng lợi từ những thành quả về quan hệ kinh tế thương mại với các nước này. Các nước này cũng là các nước nhập khẩu hầu như tất cả các sản phẩm mà chúng ta sản xuất ra để xuất khẩu như nông sản, dệt may, giày dép, hàng điện tử. Ngược lại, người dân Việt Nam cũng tiêu dùng các sản phẩm nhập khẩu phần lớn từ các nước này. Đây là những lợi ích hết sức cụ thể mà chúng ta phát triển quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với các nước này.
Phó Thủ tướng cho biết, năm 2016 Việt Nam tiếp tục chủ trương tăng cường thúc đẩy quan hệ chính trị để tạo cơ sở tiền đề thuận lợi cho phát triển kinh tế thương mại, tích cực khuyến khích đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, tích cực vận động nguồn hỗ trợ ODA cho Việt Nam cũng như tích cực thúc đẩy các nước mở rộng thị trường cho xuất khẩu của Việt Nam; tích cực hỗ trợ cho các doanh nghiệp mở rộng cơ hội với các đối tác là các nước ở bên ngoài và tăng cường tuyên truyền về cộng đồng ASEAN để hướng cho doanh nghiệp, người dân đến một cộng đồng kinh tế đang phát triển trong năm 2016 đi vào thực hiện”, Phó Thủ tướng khẳng định.
PV theo tintuc
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin