Những ngày này của năm 2016 sẽ ghi một dấu ấn sâu đậm trong lòng mỗi người chúng ta.
Những ngày này của năm 2016 sẽ ghi một dấu ấn sâu đậm trong lòng mỗi người chúng ta.
Đại hội Đảng lần thứ XII khởi đầu cho một chặng đường 5 năm tiếp theo để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Đây cũng là dịp nhìn lại 30 năm đổi mới sau Đại hội Đảng lần thứ VI.
30 năm ấy đã vượt qua biết bao gian nan và thử thách nhưng cũng đầy tự hào với thành quả hôm nay.
Các đại biểu nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy trí tuệ đóng góp cùng đại hội. Có nhiều đại biểu tỉnh Vĩnh Long trong bức ảnh này. |
30 năm đổi mới
Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ đã đánh giá: Sau 30 năm đổi mới, từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu với 90% dân số làm nông nghiệp, Việt Nam đã xây dựng được cơ sở vật chất- kỹ thuật, hạ tầng kinh tế- xã hội từng bước đáp ứng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo ra môi trường thu hút nguồn lực xã hội cho phát triển.
Vượt bao khó khăn của một nước từng bị chiến tranh tàn phá nặng nề, thiếu đói, nghèo nàn và lạc hậu, Việt Nam đã vươn lên trở thành quốc gia có thu nhập trung bình. Diện mạo đất nước, từ thành thị đến nông thôn thay đổi từng ngày.
Đặc biệt, trong 30 năm qua, kinh tế Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn hẳn thời kỳ trước đổi mới.
Nếu giai đoạn đầu đổi mới (1986- 1990) mức tăng GDP bình quân hàng năm chỉ đạt 4,4%, thì 20 năm sau, mức tăng trưởng vô cùng ấn tượng: từ 6- 7 %/năm, mặc dù đã phải chịu rất nhiều sự tác động từ các cuộc khủng hoảng tài chính khu vực (1997- 1999) cũng như suy giảm kinh tế thế giới (2006- 2010).
Nếu năm 2003, GDP bình quân đầu người chỉ đạt 471 USD/năm thì đến năm 2015, đã đạt gần 2.300 USD. Vượt qua nghèo đói, để trở thành nước có thu nhập trung bình.
Cùng với kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, Việt Nam đã từng bước nỗ lực đổi mới để tạo môi trường đầu tư liên tục được cải thiện, nhờ đó đã thu hút ngày càng nhiều hơn vốn đầu tư cho phát triển.
Cơ cấu kinh tế của Việt Nam đã bước đầu chuyển dịch theo hướng hiện đại. Xuất khẩu tăng với tốc độ hai con số, riêng giai đoạn 2011- 2015 tăng đến 18 %/năm.
Theo ông Vương Đình Huệ: “Từ chỗ Nhà nước bao cấp toàn bộ trong việc giải quyết việc làm đã dần chuyển trọng tâm sang thiết lập cơ chế, chính sách để các thành phần kinh tế và người lao động đều tham gia tạo việc làm; từ chỗ không chấp nhận có sự phân hóa giàu- nghèo đã đi đến khuyến khích mọi người làm giàu hợp pháp đi đôi với tích cực xóa đói giảm nghèo”.
30 năm đổi mới cũng là một chặng đường hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng. Gia nhập WTO, rồi TPP, và mới đây nhất là tham gia và tích cực xây dựng Cộng đồng ASEAN 2015… Đến nay đã có 59 quốc gia công nhận nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ cho rằng, thành tựu hôm nay đạt được, trước hết là nhờ có nhận thức đúng đắn, đổi mới tư duy lý luận của Đảng về tính tất yếu của phát triển kinh tế thị trường; quyết định chuyển từ kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, kiên trì lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các quyết sách về kinh tế, được nhân dân đồng tình ủng hộ và tích cực tham gia thực hiện.
Tại báo cáo của BCH Trung ương Đảng khóa XI, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá:
“30 năm đổi mới là một giai đoạn lịch sử quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, đánh dấu sự trưởng thành về mọi mặt của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Đổi mới mang tầm vóc và ý nghĩa cách mạng, là quá trình cải biến sâu sắc, toàn diện, triệt để, là sự nghiệp cách mạng to lớn của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Nhìn tổng thể, qua 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Đồng thời cũng còn nhiều vấn đề lớn, phức tạp, nhiều hạn chế, yếu kém cần phải tập trung giải quyết, khắc phục để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.
Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử qua 30 năm đổi mới khẳng định đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo; con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử.
Thành tựu và những kinh nghiệm, bài học đúc kết từ thực tiễn tạo tiền đề, nền tảng quan trọng để đất nước ta tiếp tục đổi mới và phát triển mạnh mẽ trong những năm tới”.
Khát vọng trăm năm
Kết quả 30 năm đổi mới là một thành tựu quan trọng đúng vào kỳ Đại hội Đảng XII. Và 30 năm sau, vào năm 2045, nước ta cũng sẽ vào dịp long trọng kỷ niệm 100 năm độc lập. Khát vọng trăm năm vươn lên thành một đất nước giàu mạnh, sánh vai cùng các cường quốc năm châu.
Nhìn lại những thành tựu cũng như hạn chế, khuyết điểm qua 30 năm đổi mới, hướng tới nhiệm kỳ mới và tương lai, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã rút ra một số bài học. Đó là: Trong quá trình đổi mới phải chủ động, không ngừng sáng tạo.
Tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; vận hành đầy đủ, đồng bộ, hiệu quả theo quy luật kinh tế thị trường. Nhà nước sử dụng thể chế, luật pháp, các nguồn lực, công cụ điều tiết, chính sách phân phối và phân phối lại để phát triển văn hóa, thực hiện dân chủ, tiến bộ và công bằng xã hội.
Đổi mới phải luôn quán triệt quan điểm “lấy dân làm gốc”, vì lợi ích nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của nhân dân.
Đổi mới phải toàn diện, đồng bộ, có bước đi phù hợp, tôn trọng quy luật khách quan, xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn, coi trọng tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, tập trung giải quyết kịp thời, hiệu quả những vấn đề do thực tiễn đặt ra. Phải đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết.
Phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực và phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ; tăng cường mối quan hệ mật thiết với nhân dân.
5 năm tới, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động trực tiếp đến nước ta, tạo ra cả thời cơ, thách thức. Ở trong nước, thế và lực tăng lên, uy tín quốc tế của đất nước ngày càng được nâng cao. Thời cơ, vận hội phát triển mở ra rộng lớn.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng |
|
Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã nỗ lực phấn đấu thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng, đạt được những thành quả quan trọng. Nền kinh tế vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, quy mô và tiềm lực được nâng lên; kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức hợp lý, từ năm 2013 dần phục hồi, năm sau cao hơn năm trước. Đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và thực hiện 3 đột phá chiến lược được tập trung thực hiện bước đầu đạt kết quả tích cực. GD- ĐT, khoa học và công nghệ, văn hóa, xã hội, y tế có bước phát triển. An sinh xã hội được quan tâm nhiều hơn và cơ bản được bảo đảm, đời sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện. Chính trị- xã hội ổn định; quốc phòng- an ninh được tăng cường; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, giữ vững hòa bình, ổn định. Quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, hiệu quả. Vị thế, uy tín quốc tế của nước ta tiếp tục được nâng cao. Dân chủ xã hội chủ nghĩa và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được phát huy. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được chú trọng và đạt kết quả quan trọng. |
Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Trần Văn Rón |
|
Kết quả 30 năm đổi mới của Đảng ta mang lại là rất quan trọng. Đối với tỉnh Vĩnh Long của chúng ta, có thể nói rằng kinh tế đã từng bước phát triển khá tốt. Tới đây, phải tiếp tục thực hiện và xem việc phát triển kinh tế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Phải cơ cấu lại nền kinh tế, đặc biệt trong 2 lĩnh vực: công nghiệp và nông nghiệp. |
Bài, ảnh: PHƯƠNG NAM
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin