Phát huy vai trò của đại biểu dân cử

08:01, 21/01/2016

Trải qua 13 khóa Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Vĩnh Long luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực nghiên cứu và có những đóng góp thiết thực, hiệu quả trong công tác lập hiến, lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, phát huy tối đa tinh thần trách nhiệm của đại biểu dân cử.

Trải qua 13 khóa Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Vĩnh Long luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực nghiên cứu và có những đóng góp thiết thực, hiệu quả trong công tác lập hiến, lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, phát huy tối đa tinh thần trách nhiệm của đại biểu dân cử.

ĐBQH tỉnh Vĩnh Long qua các thời kỳ.
ĐBQH tỉnh Vĩnh Long qua các thời kỳ.

Đóng góp xây dựng hệ thống pháp luật

Năm 2015, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long đã tổ chức 27 cuộc hội thảo lấy ý kiến cho các dự án luật trình Quốc hội thông qua và cho ý kiến tại các kỳ họp Quốc hội thứ 9 và thứ 10- Quốc hội khóa XIII.

Qua 27 cuộc hội thảo, có khoảng 810 đại biểu đại diện các sở, ban, ngành, lực lượng vũ trang tỉnh tham dự, đã ghi nhận được 324 ý kiến đóng góp; tiếp thu tổng hợp 27 bản báo cáo đóng góp về các dự án luật gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các Ủy ban của Quốc hội.

Ngoài hội thảo lấy ý kiến đóng góp các dự án luật tại địa phương, trong các kỳ họp Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh còn tích cực tham gia đóng góp xây dựng luật về các vấn đề kinh tế- xã hội, xây dựng pháp luật và các vấn đề quan trọng của đất nước.

Các đợt tổ chức lấy ý kiến xây dựng luật, đặc biệt là các dự án luật lấy ý kiến toàn dân vừa là đợt sinh hoạt chính trị rộng rãi trong nhân dân vừa là dịp để giới thiệu, phổ biến các quy định của pháp luật hiện hành.

Thông qua các hình thức trên, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long một mặt ghi nhận được nhiều ý kiến tâm huyết của nhân dân đóng góp cho dự án luật, mặt khác tuyên truyền và phổ biến kịp thời đến nhân dân các nội dung lớn trong chính sách pháp luật hiện hành liên quan đến nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội.

Trao đổi tại buổi gặp mặt các thế hệ ĐBQH qua các thời kỳ nhân kỷ niệm 70 năm ngày tổng tuyển cử đầu tiên (6/1/1946- 6/1/2016), nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH khóa XI (nhiệm kỳ 2002- 2007) Trương Văn Sáu cho rằng, Đoàn ĐBQH đơn vị Vĩnh Long phải tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, đóng góp xây dựng hệ thống pháp luật, xây dựng đất nước phát triển, văn minh.

Muốn làm được thì phải đưa cuộc sống vào luật, phải nắm bắt được thực tiễn các vấn đề trong cuộc sống, làm sao để luật ngắn gọn, rõ ràng, cụ thể thì luật thực thi mới đạt hiệu quả và hợp lòng dân.

Bà Đào Thị Biểu- ĐBQH khóa VII cũng đồng tình: Nhà nước phải nghiên cứu sâu khi làm luật để triển khai làm sao cho dân thực hiện được.

Là ĐBQH thì phải xác định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, phải sâu sát dân để nghe tâm tư nguyện vọng của dân để nghiên cứu rút ra cốt lõi vấn đề truyền tải đến Đảng và Nhà nước nắm được tình hình dân mà lãnh đạo điều hành đất nước.

Tăng cường công tác dân nguyện

Đoàn ĐBQH luôn thể hiện được trách nhiệm của đại biểu dân cử, khi nhận được đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị trực tiếp hay gián tiếp của công dân thì tổ chức nghiên cứu nội dung đơn, hướng dẫn trả lời cho công dân và chuyển đến cơ quan chức năng giải quyết.

Trong năm 2015, tổ chức tiếp công dân tại trụ sở đoàn được 9 cuộc, với 86 lượt công dân, trong đó có 6 lượt khiếu nại đông người về các lĩnh vực chủ yếu như đất đai, chế độ chính sách.

Nâng cao chất lượng các cuộc tiếp xúc cử tri, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long đã tổ chức tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp Quốc hội lần thứ 9, thứ 10 với 8/8 huyện- thị- thành và 64 điểm tiếp xúc ở các xã- phường trong tỉnh, có 5.120 cử tri tham dự và 2.030 lượt cử tri phát biểu với 6.360 ý kiến đóng góp vào từng lĩnh vực có liên quan đến cuộc sống của người dân.

ĐBQH đã tiếp thu, tổng hợp và xây dựng 8 bản báo cáo gửi Văn phòng Quốc hội, Ban Dân nguyện và UBND tỉnh về những vấn đề có liên quan đến địa phương.

Ông Trương Văn Sáu cũng nhấn mạnh, ĐBQH phải gắn bó máu thịt với nhân dân, phải tiếp xúc bên lề hội trường mới nắm được những vướng mắc khó khăn thật sự của dân trong cuộc sống để tìm hướng giải quyết, phải phát huy trách nhiệm của đại biểu dân cử, tăng cường thảo luận đóng góp ý kiến trong các cuộc thảo luận tổ tại các kỳ họp Quốc hội để phát triển quê hương.

Ông Vũ Xuân Hồng- Chủ tịch Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam, ĐBQH khóa X, XI, XII, XIII cũng nhận định: ĐBQH đơn vị tỉnh Vĩnh Long có nhiều đóng góp thiết thực trong các cuộc nghị trường Quốc hội, góp phần đưa ra những quyết sách làm thay đổi bộ mặt đất nước.

Là đại biểu dân cử nên đã kiến nghị được nhiều vấn đề bức xúc của cử tri để được tiếp thu giải quyết như vấn đề xây dựng cơ bản, tình hình sản xuất và tiêu thụ nông sản, biến đổi khí hậu…

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Trần Văn Rón nhận định, ĐBQH đơn vị tỉnh Vĩnh Long đã phát huy tốt tinh thần trách nhiệm, phẩm chất, trí tuệ, xứng đáng là đại biểu đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân; có nhiều đóng góp quan trọng trong các lĩnh vực đời sống xã hội ở địa phương, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra.

ĐBQH cần tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, phải gần dân, sâu sát dân, tập trung giám sát những vấn đề bức xúc mà cử tri trong tỉnh quan tâm.

Bài, ảnh: HẢI YẾN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh